Giấc mơ hòa bình

Hội nghị hòa bình toàn quốc tại Afghanistan vừa khép lại sau bốn ngày diễn ra ở thủ đô Kabul. Lời kêu gọi từ hơn 3.200 đại biểu tham gia hội nghị về thực thi một lệnh ngừng bắn 'lâu dài và ngay lập tức' đã phản ánh niềm khát khao, mong mỏi hòa bình cháy bỏng của người dân quốc gia Nam Á, vốn nhiều năm chìm trong vòng xoáy của bất ổn và xung đột.

Được đánh giá là hội nghị hòa bình lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Afghanistan, Hội nghị hòa bình toàn quốc, còn gọi là cuộc họp Đại hội đồng các bộ lạc, quy tụ hơn 3.200 chính trị gia, thủ lĩnh bộ lạc cùng nhiều nhân vật uy tín trên toàn quốc. Các đại biểu đã góp tiếng nói đại diện cho đông đảo thành phần xã hội tại Afghanistan, hướng tới chấm dứt cuộc xung đột đã tàn phá quốc gia này suốt gần 20 năm qua. Hòa giải và đối thoại là những điều được nêu cao xuyên suốt hội nghị. Hầu hết các đại biểu ủng hộ cuộc hòa đàm giữa chính quyền Kabul và lực lượng Taliban, thậm chí kêu gọi Liên hợp quốc đưa Taliban ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố toàn cầu - vốn là yêu cầu của Taliban bấy lâu nay. Bên cạnh đó, hội nghị kêu gọi các bên thực thi lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và ngay lập tức, bắt đầu từ ngày đầu tiên của tháng lễ Ramadan.

Trên thực tế, ý kiến từ thủ lĩnh các bộ lạc tại Afghanistan chỉ đóng vai trò tham vấn cho Tổng thống A.Ghani, chứ không mang tính chất ràng buộc. Song, không thể phủ nhận, những lời kêu gọi đối thoại, hòa giải trong cuộc họp của Đại hội đồng các bộ lạc đã tiếp thêm động lực cho Chính phủ Afghanistan trên con đường tìm “chìa khóa” mở cánh cửa hòa bình tại quốc gia Nam Á. Đáp lại đề nghị thực thi lệnh ngừng bắn từ các đại biểu, Tổng thống A.Ghani khẳng định, Kabul luôn sẵn sàng thực hiện điều này, nhưng “một bàn tay không làm nên tiếng vỗ”, không thể chỉ có một bên

Minh Hương thực thi lệnh ngừng bắn. Ông A.Ghani cũng để ngỏ cơ hội thảo luận thêm với Taliban nếu Taliban sẵn sàng cho một lệnh ngừng bắn.

Hội nghị hòa bình toàn quốc tại Afghanistan diễn ra trong bối cảnh các đại diện của Mỹ và Taliban vừa khởi động vòng đàm phán thứ sáu tại Qatar. Hàng loạt nỗ lực ngoại giao “con thoi” đã được Mỹ đẩy mạnh nhiều tháng qua nhằm tăng cường đối thoại về tình hình Afghanistan. Đại diện Mỹ và Taliban từng gặp nhau nhiều lần để bàn thảo về việc thiết lập một thỏa thuận cho quốc gia Nam Á, trong đó, Taliban cam kết không để Afghanistan trở thành “thiên đường” của các phần tử khủng bố quốc tế, đổi lại, các lực lượng nước ngoài sẽ phải rút khỏi quốc gia này.

Thời gian qua, ý định rút binh sĩ khỏi vũng lầy Afghanistan của Tổng thống Mỹ D.Trump đã thu hút sự chú ý của dư luận, dấy lên nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, sự mất kiên nhẫn của người đứng đầu Nhà trắng về cuộc chiến chưa có hồi kết tại Afghanistan có thể dẫn tới động thái rút quân quá sớm, từ đó “đổ thêm dầu vào lửa” đối với tình cảnh rối ren hiện tại của nước này. Afghanistan hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của nước ngoài để bảo đảm tình hình an ninh trong nước. Bởi vậy, “nước cờ” rút quân mà chính quyền Washington đưa ra ít nhiều sẽ đặt lên vai Tổng thống A.Ghani những gánh nặng.

Mặc dù bày tỏ thiện chí đối thoại với Mỹ, phiến quân Taliban vẫn không chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền Kabul, hành động cho thấy sự thiếu lòng tin sâu sắc của các bên trong cuộc xung đột tại Afghanistan. Đây cũng chính là mấu chốt của vấn đề, bởi lẽ, tiến trình hòa giải Afghanistan sẽ không thể đi theo đúng tinh thần “do người Afghanistan dẫn dắt và làm chủ” như Mỹ luôn kêu gọi, nếu như thiếu tiếng nói của đại diện chính quyền Kabul trong các cuộc hòa đàm. Mới đây, tia hy vọng mong manh về thỏa thuận hòa bình một lần nữa bị dập tắt, khi cuộc gặp giữa đại diện Chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban dự định diễn ra tại Qatar bị hủy vào phút chót, do những tranh cãi về danh sách thành viên các đoàn đàm phán. Xung đột, bạo lực vẫn tiếp diễn tại Afghanistan, gieo rắc bao đau thương và khoét rộng thêm hố sâu ngăn cách giữa các bên.

Hơn 17 năm kể từ sau khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, quốc gia châu Á này vẫn hằng ngày đối mặt với khói lửa xung đột, trong khi sự chia rẽ giữa các phe phái chưa biết đến khi nào mới được hóa giải. Hơn ai hết, người dân Afghanistan thấu hiểu giá trị của hòa bình và nêu cao tinh thần hòa giải, đối thoại, nhượng bộ lẫn nhau để ánh sáng hòa bình vươn tới đất nước này. Kết quả của Hội nghị hòa bình toàn quốc tại thủ đô Kabul vừa qua đã phản ánh những nguyện vọng, khao khát chính đáng của người dân Afghanistan được sống trên mảnh đất yên tiếng súng, dù con đường hiện thực hóa giấc mơ hòa bình phía trước vẫn còn nhiều chông gai.

MINH HƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40077902-giac-mo-hoa-binh.html