Giấc mơ Harvard khép lại khi sinh viên không thể đến trường

Nhiều sinh viên Harvard bày tỏ sự thất vọng về kế hoạch sắp tới của trường trong việc giảng dạy, thu học phí và mức hỗ trợ với các trường hợp khó khăn.

Ngày 6/7, Harvard ra thông báo chỉ cho phép tối đa 40% trong số gần 6.800 sinh viên được phép quay lại khuôn viên trường vào mùa thu, trong đó sinh viên năm nhất là đối tượng được ưu tiên. Ngoài ra, tất cả lớp học sẽ được tổ chức dưới hình thức giảng dạy trực tuyến.

Với quyết định này, Dumebi Adigwe (18 tuổi), sinh viên năm 2 ngành Toán học, không biết mình sẽ sống ở đâu trong thời gian sắp tới. Trong tình thế bí bách, cô đang cố gắng xin sống nhờ nhà của bạn bè và hy vọng trường học sẽ sớm hoạt động trở lại.

“Nếu không đến trường, tôi không có nơi nào để đi”, Adigwe nói.

Đối với nhiều sinh viên đại học, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn khi không thể đi làm thêm và tham gia hoạt động ngoại khóa.

 Cuộc sống của nhiều sinh viên bị đảo lộn vì dịch.

Cuộc sống của nhiều sinh viên bị đảo lộn vì dịch.

Mức hỗ trợ ít ỏi

Trường học là nơi giúp sinh viên hình thành các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô. Đây là một môi trường tốt để mang lại cho sinh viên nhiều cơ hội rộng mở. Nhưng với tình hình hiện tại, tất cả trải nghiệm đó chỉ được thu hẹp qua màn hình máy tính.

Princeton, Stanford, Johns Hopkins và các trường đại học khác cũng đã công bố kế hoạch hoạt động sắp tới của mình. Trong đó, hầu hết lớp học sẽ được tổ chức trực tuyến.

Tại Harvard, dù chuyển sang học online, sinh viên vẫn phải nộp học phí đầy đủ trừ những khoản nhà ở và phí sinh hoạt với các trường hợp không ở lại khuôn viên trường.

Chỉ 40% sinh viên tại ĐH Harvard được phép trở lại trường vào mùa thu.

Ngoài ra, trường này còn xây dựng hệ thống theo dõi tình hình học tập của sinh viên, những trường hợp không thể tiếp thu tốt kiến thức tại nhà sẽ được trở lại trường vào mùa thu. Nhưng tiêu chí và quá trình đánh giá sinh viên nào đủ điều kiện vẫn chưa được rõ ràng.

Việc Harvard nhắc lại nhiều lần về hạn chế số người được phép quay lại trường buộc sinh viên phải việc cạnh tranh với nhau để được xét là trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn, Adigwe và các bạn bè của cô đã bày tỏ sự thất vọng về các khía cạnh khác nhau trong kế hoạch mở cửa trở lại của Harvard. Đặc biệt là chính sách trợ cấp 5.000 USD cho những sinh viên không sống tại trường và đủ điều kiện để nhận khoản tiền này.

Mức hỗ trợ không đủ để giúp sinh viên vượt qua tình trạng khó khăn.

Ở nhiều tiểu bang, con số 5.000 USD trải đều cho một học kỳ ít hơn nhiều so với mức lương tối thiểu của một số công việc toàn thời gian. Bên cạnh đó, mức trợ cấp cũng không tương ứng với những gì mà sinh viên Harvard phải trả cho chỗ ở và cơ sở vật chất.

Abby Lockhart-Calpito (19 tuổi, sinh viên năm hai), bày tỏ sự lo lắng với mức hỗ trợ vì cô xuất thân từ một gia đình có thu nhập thấp. “5.000 USD có thể sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu thực phẩm và nhà ở cho cả học kỳ, đặc biệt là trong khuôn viên trường của tôi không có công việc làm thêm nào và giữa đại dịch thì cũng khó tìm việc làm ở ngoài”, Abby chia sẻ.

Hana Kiros (20 tuổi, sinh viên năm 3) nói thêm mức trợ cấp 5.000 USD làm cô cảm thấy bí bách. Con số này không tương quan với chi phí sinh hoạt thực sự của sinh viên và gia đình của họ.

Gap year, bỏ học vì khó khăn

Trước thông báo của Harvard, nhiều sinh viên cho biết họ đang tìm kiếm nhà ở giá rẻ. Một số dự định sẽ gap year. Số khác thì nghĩ đến việc phải bỏ học nửa chừng. Ngoài ra, nhiều nhóm sinh viên cũng tập hợp để đấu tranh cho quyền lợi của mình.

“Tại Harvard, được ở trong ký túc xá là một điều xa xỉ. Bây giờ tôi phải lo lắng về nơi ở trong năm tới và vật lộn với rất nhiều cảm xúc. Tôi đã từng tin rằng nhà trường sẽ tính đến những khó khăn mà sinh viên thu nhập thấp phải đối mặt”, Lockhart-Calpito nói với The New York Times.

Việc học tại nhà khiến sinh viên gặp nhiều bất tiện và không tiếp thu bài vở hiệu quả.

Ngay sau khi bị yêu cầu rời khỏi trường vào mùa xuân năm nay, Nicholas Wyville, sinh viên năm 4 hiện sống ở vùng nông thôn phía Nam nước Mỹ, cho rằng việc học từ xa làm tăng sự bất bình đẳng giữa các sinh viên.

“Sự bình đẳng tại Harvard được thể hiện qua việc tất cả chúng tôi cùng sống, cùng ăn một loại thức ăn, cùng được hưởng những nguồn lực của khoa. Nhưng nếu cuộc sống sinh viên bị mất đi thì sự bình đẳng đó e là không còn nữa”, Wyville nói với The Crimson.

Việc Harvard giữ nguyên học phí trong khi dạy online cũng là nguyên do khiến sinh viên trường này bất mãn. Nhiều người đã đệ đơn kiện vì cho rằng nhà trường đang thu lợi nhuận không chính đáng từ sinh viên trong bối cảnh dịch bệnh và không ưu tiên giúp đỡ những trường hợp khó khăn về tài chính.

“Tôi cảm thấy khó chịu khi đứng trước những lựa chọn cho học kỳ tiếp theo vì nó giống như trò chơi truy tìm đồ vật vậy. Tôi không muốn giấc mơ Harvard của mình phải khép lại”, Kiros nói.

Không còn lựa chọn

Sau khi thông báo của Harvard được ban hành, sinh viên đã tìm đến các trưởng khoa và văn phòng hỗ trợ tài chính để yêu cầu thay đổi. Một bản kiến nghị đã được đưa ra và có hơn 1.000 chữ ký kêu gọi Harvard hỗ trợ chi phí sinh hoạt tại trường (khoảng 18.389 USD) cho những sinh viên nhận được học bổng toàn phần.

Nhiều nhóm chat được tạo ra để thảo luận kế hoạch chống lại quyết định từ nhà trường.

Không chỉ hoang mang về chỗ ở, cộng động sinh viên quốc tế tại Harvard còn lo lắng trước quyết định rút thị thực đối với những trường hợp không tham gia bất kỳ lớp học trực tiếp nào của Tổng thống Donald Trump.

Ngày 8/7, hai trường Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã đệ đơn kiện Bộ An ninh Nội địa và Cục Di trú và Hải quan (ICE) vì sắc lệnh này.

Các sinh viên quốc tế hoang mang trước thông báo của trường và chính phủ Mỹ.

Yousuf Bakshi (18 tuổi, sinh viên năm 2) nói rằng sự chênh lệch múi giờ là thứ khiến anh sợ hãi nhất khi học trực tuyến. Học kỳ trước, các lớp học của anh thường kéo dài đến 3-4 giờ sáng.

Bakshi sống trong một ngôi nhà nhỏ cùng với bố mẹ và em trai. Vì thế, anh phải cố gắng không làm phiền đến họ khi tham gia các cuộc thảo luận trong lớp.

Bakshi hiện có một công việc tại trường và được phép làm việc từ xa. Tuy nhiên, anh cũng lo ngại quyết định của ông Trump có thể khiến anh mất việc nếu bị cắt thị thực.

Harvard cho phép sinh viên trì hoãn việc học của mình trong một năm, vì vậy nhiều người trong nhóm trò chuyện cũng đang cân nhắc về khả năng này.

“Cuộc sống của tôi như bị nổ tung. Tôi sinh ra ở Mỹ nhưng bố mẹ tôi thì không. Đối với họ, gap year là một khái niệm khá xa lạ”, Kiros nói.

Trong thông tin cung cấp cho sinh viên, Harvard cho biết hầu hết cơ sở như phòng sinh hoạt chung, phòng tập thể dục và không gian tập trung lớn sẽ không được mở.

Penelope Alegria (18 tuổi) đang phân vân giữa 2 lựa chọn: đến trường trong dịch bệnh hoặc tạm ở nhà một năm. Cô muốn kết bạn mới và trải nghiệm khuôn viên trường trong học kỳ đầu tiên của năm nhất nhưng cũng e ngại các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt sẽ làm hỏng mong đợi của cô.

Ngoài gánh nặng tài chính, nỗi lo về việc gap year và các quyền lợi học bổng cũng khiến sinh viên trăn trở.

Thảo Ngân (Theo New York Times)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giac-mo-harvard-con-lai-gi-khi-sinh-vien-khong-the-den-truong-post1106336.html