Giấc mơ đẹp đẽ của loài người thuở nguyên sơ

Trọn bộ Thần thoại Hy Lạp do nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khỏa biên soạn đã được nhà xuất bản Kim Đồng tái bản với hình thức đẹp mắt, chia thành ba tập: Truyền thuyết các vị thần: Đỉnh Olympus huyền thoại; Những chiến công vĩ đại: perseus, Heracles và các dũng sĩ; Các thiên anh hùng ca: Những người Argonaut, Trận chiến thành Troy, Trường ca Odyssey.

Thần thoại theo tiếng Hy Lạp cổ là mythologia, có nghĩa là một tập hợp, tổng thể những chuyện kể dân gian truyền miệng với nội dung hoang đường, kỳ ảo, huyễn hoặc. Mythologia được cấu tạo bởi hai từ muthos - truyền thuyết, cổ tích, và lego - ngôn từ kể chuyện.

Giấc mơ về cuộc sống đầy phóng khoáng trên đỉnh Olympus

Thần thoại Hy Lạp được hình thành trong quãng thời gian lịch sử khá dài, từ thời kỳ nền văn minh Mycenane (200 - 1100 TCN). Đến nay, Thần thoại Hy Lạp đã trở thành một di sản văn hóa của nhân dân Hy Lạp, là giá trị phổ biến vô cùng quý báu của gia tài văn hóa nhân loại. Hiếm có thần thoại của dân tộc nào trên thế giới luôn luôn được tái sinh, luôn có mặt trong đời sống như thần thoại Hy Lạp.

Những nhân vật, sự kiện trong Thần thoại Hy Lạp ít nhiều cũng đã trở nên thân thuộc với độc giả nhiều thế hệ, như Zeus, Prometheus, Hercules, Oedipus…

3 tập của "Thần thoại Hy Lạp" vừa được NXB Kim Đồng tái bản với hình thức đẹp mắt.

3 tập của "Thần thoại Hy Lạp" vừa được NXB Kim Đồng tái bản với hình thức đẹp mắt.

Trong tập 1 của Thần thoại Hy Lạp, sự ra đời của các vị thần đều lần lượt được giải mã. Chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh Zues thoát khỏi việc bị người cha nuốt vào bụng ra sao, đến khi lớn lên chính Zues cũng đã lật đổ cha mình, thần Cronus trong cuộc giao chiến mười năm trời khủng khiếp. Sau mười năm giao tranh ấy, Zeus đã chấm dứt quyền lực cai quản thế giới của các vị thần già. Các vị thần trẻ do Zeus cầm đầu từ bây giờ có thể sắp đặt thế gian theo ý mình. Họ đã chọn ngọn núi Olympus cao ngất làm nơi cư ngụ.

Cũng từ ấy, độc giả lần lượt được bước vào một mê cung huyền thoại rực rỡ với những chiến công vĩ đại của các vị thần, các vị dũng sĩ, trở thành những câu chuyện ngợi ca muôn đời.

Trong gia tài thần thoại của Hy Lạp có rất nhiều chuyện anh hùng, dũng sĩ nhưng không có câu chuyện nào kể về một anh hùng kiệt xuất như Heracles. Chàng vừa là người diệt trừ quái vật, ác thú, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Hơn thế, chàng lập được nhiều chiến công to lớn và phi thường, lại có ý nghĩa sâu sắc chưa từng anh hùng nào lập được.

Mười hai kỳ công của Heracles được kể tỉ mỉ với những chi tiết đầy hấp dẫn. Mười hai kỳ công là mười hai câu chuyện: Giết con sư tử ở Nemea, Giết con mãng xà Hydra ở Lerna, Bắt sống con hươu cái ở Cerynaea, Tiễu trừ đàn ác điểu ở hồ Stymphalia, Dọn sạch chuồng bò của Augeas, Bắt sống con bò mộng ở đảo Crete, Đoạt bầy ngựa cái của Diomedes, Đoạt chiếc thắt lưng của nữ hoàng Amazon Hippolyte, Đoạt đàn bò của Geryon, Bắt sống chó ngao Cerberus, và Đoạt những quả táo vàng của chị em Hesperide.

Sau khi đoạt những quả táo vàng của chị em Hesperide, Heracles đã chấm hết mười hai năm Heracles phải làm đầy tớ cho Eurystheus. Mười hai năm cơ cực ấy cũng chính là mười hai năm của chiến công vinh quang chói lọi, khiến danh tiếng của Heracles, người anh hùng vĩ đại, con của Zues khắc sâu vào trí nhớ của thế hệ này sang thế hệ khác.

Vẻ đẹp của con người trong vũ trụ thần thoại

Trong tập ba của Thần thoại Hy Lạp do Nguyễn Văn Khỏa biên soạn, độc giả sẽ được chứng kiến những diễn biến đầy kỳ vĩ với cuộc trường chinh ròng rã một thập niên các anh hùng Hy Lạp công phá thành Troy và hải trình đầy bão táp của dũng tướng Odysseus tài trí về quê xứ... Đây là những bản trường ca của binh lửa và giáo gương, trong một vũ trụ thần thoại có trung tâm là vẻ đẹp của con người.

Nếu trong tập hai, hình ảnh vị thần Heracles là ánh hào quang rực rỡ làm say lòng độc giả, thì trong tập ba, người anh hùng Odysseus chính là hình ảnh đẹp đẽ nhất.

Hành trình trở về của Odysseus trải qua rất nhiều những khổ ải như: Thoát khỏi hang tên khổng lồ Polyphemus ăn thịt người, hay bị những người khổng lồ Laestrygon tiêu diệt, đoàn thuyền mười hai chiếc chỉ thoát được một, thoát khỏi sự giam cầm của tiên nữ Calypso... để rồi cuối cùng chàng đã trở về quê hương và gặp lại được người vợ yêu dấu Penelope của mình.

Thần thoại Hy Lạp, cũng như thần thoại của các nền văn hóa cổ đại khác, được sử dụng như một phương tiện để giải thích môi trường sống của con người, các hiện tượng tự nhiên, thời gian và không gian. Thần thoại cũng có mối liên hệ mật thiết với tôn giáo trong thế giới Hy Lạp, khi giải thích nguồn gốc, cuộc sống của các vị thần, nơi loài người đến và đi sau khi chết, từ ấy đưa ra những lời khuyên tốt nhất để có cuộc sống hạnh phúc cho con người. Thần thoại cũng được sử dụng để kể lại các sự kiện lịch sử liên quan đến tổ tiên lâu đời của loài người, các cuộc chiến mà họ đã chiến đấu, và những nơi họ khám phá.

Những huyền thoại vừa quen thuộc vừa mang đẫm chất anh hùng ca, tràn đầy sự tưởng tượng, đã dẫn dụ con người vào một thế giới mênh mông sắc màu, thu hút mọi sự liên tưởng, say mê của người đọc.

Thần thoại Hy Lạp là tài sản vô cùng quý báu trong gia tài văn hóa nhân loại. Ngày nay, thời đại của niềm tin thần thoại và tư duy thần thoại đã lùi vào quá khứ, nhưng chúng ta vẫn lưu giữ, trân trọng tài sản thần thoại như những chiến công hiển hách của loài người trong tiến trình lịch sử.

Trong khi biên soạn bộ Thần thoại Hy Lạp đồ sộ này, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khỏa cũng đã tâm sự: “Dường như Thần thoại Hy Lạp vẫn đang hàng ngày, hàng giờ nhắn nhủ với chúng ta: Hãy sống tốt đẹp hơn nữa, yêu công lý và trọng danh dự hơn nữa!” bởi vì thần thoại là nhân loại của tuổi thơ hồn nhiên và trong sáng, ngây thơ vụng dại, song ắp đầy tin yêu, hiểu biết chưa nhiều, giản đơn, song thông minh một cách ngộ nghĩnh và tràn đầy ước mơ đẹp đẽ, khát vọng táo bạo”.

Có lẽ cũng chính bởi vì những giá trị sâu đậm ấy mà đến hôm nay Thần thoại Hy Lạp vẫn luôn được đón nhận nồng nhiệt, say đắm và đầy cảm hứng.

PHONG LINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giac-mo-dep-de-cua-loai-nguoi-thuo-nguyen-so-640497.html