Giấc mơ Ấn Độ 'vỡ nát' vì Covid-19

Chính sách phong tỏa của Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã khiến nền kinh tế Ấn Độ rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất từ trước tới nay.

Nhiều người dân Ấn Độ bị đẩy vào tình cảnh khốn cùng do sản xuất đình đốn, kinh tế lao dốc vì đại dịch Covid-19. (Nguồn: New York Times)

Nhiều người dân Ấn Độ bị đẩy vào tình cảnh khốn cùng do sản xuất đình đốn, kinh tế lao dốc vì đại dịch Covid-19. (Nguồn: New York Times)

Trên những nẻo đường dẫn đến khu công nghiệp Surat, hậu quả tàn nhẫn của đại dịch Covid-19 có thể được nhìn thấy rõ rệt. Những nhà máy dệt đã được gây dựng qua rất nhiều thế hệ thì giờ đây phải thu hẹp sản xuất và chỉ cho ra 1/10 số lượng vải như trước đây. Nhiều gia đình sinh sống bằng nghề may trang phục sari truyền thống do kinh doanh ế ẩm đã phải cắt giảm cả khẩu phần ăn hàng ngày. Các tiệm cắt tóc, cửa hàng điện thoại nay cũng thưa thớt người và thường xuyên rơi vào cảnh vắng khách, khiến các chủ cửa hàng lâm vào cảnh khốn cùng khi khoản tiền tiết kiệm ít ỏi dần cạn kiệt.

Đứng trước một nhà máy bỏ hoang, chỉ sang bên đường với vẻ mặt chán nản, mệt mỏi, ông Ashish Gujarati, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tại Khu công nghiệp thuộc bờ Tây Ấn Độ than thở: “Bạn có thấy ống khói phía đằng kia không? Cách đây không lâu từng có rất nhiều khói bốc ra từ đó”.

Hệ lụy từ chính sách phong tỏa

Chỉ cách đây không lâu, Ấn Độ từng đứng trước một viễn cảnh tương lai xán lạn. Quốc gia này từng tự hào với một nền kinh tê năng động, đạt tốc độ tăng trưởng “nóng”, đưa hàng triệu người dân thoát đói nghèo, những siêu đô thị hiện đại và tích lũy “năng lượng” địa chính trị.

Mục tiêu Ấn Độ hướng tới là gia tăng tầng lớp trung lưu, nâng cấp quân đội, trở thành một siêu cường quốc về kinh tế cũng như chính trị và một ngày nào đó có thể cạnh tranh được với Trung Quốc – câu chuyện thành công lớn nhất châu Á.

Nền kinh tế bị tàn phá tại Surat cũng như trên quy mô toàn quốc đã nhấn chìm “giấc mơ Ấn Độ”. Theo đó, nền kinh tế Ấn Độ hiện sụt giảm nhanh hơn bất cứ quốc gia lớn nào. Theo ước tính, 200 triệu người có thể bị đẩy vào đói nghèo. Nhiều con phố bình thường nhộn nhịp giờ vắng tanh do người dân quá sợ hãi dịch bệnh bùng phát nên không dám đi đâu xa.

Phần lớn thiệt hại đến từ chính sách phong tỏa đất nước để phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ. Những chính sách này – theo lời các chuyên gia là “vừa quá chặt, vừa quá rỗng” khiến nền kinh tế bị tổn thương và virus phát tán nhanh hơn. Ấn Độ hiện đang là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 mới tăng nhanh nhất thế giới với hơn 80.000 ca mỗi ngày.

Tâm lý bất ổn len lỏi khắp đất nước. Tốc độ tăng tưởng kinh tế đã chậm hơn ngay cả trước đại dịch. Tâm lý bài xích người Hồi Giáo có xu hướng gia tăng, một phần do một chiến dịch truyền thông xã hội sai lầm đã đổ lỗi cho những người Hồi Giáo làm phát tán dịch bệnh.

Giới học giả đã dùng rất nhiều tính từ để mô tả Ấn Độ những ngày này: thất bại, mệt mỏi, tổn thương, mất phương hướng, không công bằng. Ông Arundhati Roy, một trong những nhà văn nổi tiếng của Ấn Độ ví von: “Cỗ máy đã bị phá hủy. Khả năng tồn tại của nền kinh tế bị đập tan. Và những mảnh vỡ đó bay trên không trung. Bạn không thể biết khi nào chúng sẽ rơi và rơi như thế nào”.

Vừa qua, trên một chương trình phát thanh hằng tuần, Thủ tướng Modi nhận định, Ấn Độ đang “chiến đấu trên nhiều mặt trận”. Ông yêu cầu người dân duy trì khoảng cách xã hội, đeo khẩu trang và tiếp tục giữ tinh thần “vui vẻ và nồng nhiệt”.

Nhưng Ấn Độ vẫn có những thế mạnh. Đất nước này có lực lượng lao động trẻ khổng lồ và nhất nhiều thiên tài công nghệ. Ấn Độ cũng đang là lựa chọn thay thế Trung Quốc trong bối cảnh cả Mỹ và thế giới đang “quay lưng” với Bắc Kinh.

Nhưng vị thế của Ấn Độ trên thế giới đang có phần bị giảm sút. Quý trước, kinh tế Ấn Độ giảm 24%, trong khi Trung Quốc đang tăng trưởng trở lại. Các nhà kinh tế học cho rằng, Ấn Độ đang đứng trước nguy cơ đánh mất vị trí là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

“Đây có lẽ là tình huống tồi tệ nhất mà Ấn Độ gặp phải kể từ khi giành độc lập. Người dân không còn tiền. Các nhà đầu tư không mặn mà nếu không có thị trường. Và chi phí sản xuất hầu hết đều tăng lên”, ông Jayati Ghosh – chuyên gia về Kinh tế học Phát triển đến từ Đại học Jawaharlal Nehru tại New Delhi cho hay.

Sai lầm của ông Modi?

Khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014, rất nhiều người Ấn Độ cho rằng đất nước này cuối cùng đã tìm được một nhà lãnh đạo quyền lực, phù hợp với nguyện vọng của người dân.

Dù vậy, những năm qua, tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ đã sụt giảm từ 8% vào năm 2016 xuống còn 4% vào thời điểm trước đại dịch. Con số 4% có thể coi là “tạm chấp nhận được” ở các nước phát triển như Mỹ nhưng tại Ấn Độ, con số này không còn phù hợp trong bối cảnh hàng triệu người trẻ gia nhập lực lượng lao động mỗi năm.

Các khu thương mại thưa thớt người qua lại do phần đông người dân đều không dám ra đường. (Nguồn: New York Times)

Rất nhiều nhà đầu tư phàn nàn về Ấn Độ như luật đất đai rườm rà, luật lao động hạn chế và quan liêu. Sự tự tin và chuyên chế của Thủ tướng Modi – phẩm chất từng giúp ông giành được rất nhiều phiếu bầu, cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Bốn năm trước đây, ông bất ngờ xóa sổ 90% lượng tiền giấy tại Ấn Độ để chống tham nhũng và khuyến khích thanh toán điện tử. Dù ủng hộ cả hai mục tiêu, các nhà kinh tế cho rằng, động thái này của ông gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế.

Thủ tướng Modi một lần nữa lại thể hiện “sự bốc đồng” khi Ấn Độ bị virus corona chủng mới SARS-CoV2-2 tấn công. Đúng 8h tối ngày 25/3, sau khi yêu cầu tất cả người dân phải ở trong nhà, ông Modi đã tuyên bố đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế - từ văn phòng, nhà máy, đường phố, tàu hỏa, biên giới giữa các bang… chỉ trong 4 giờ thông báo.

Hàng chục triệu người dân Ấn Độ ngay lập tức lâm vào cảnh mất việc làm. Rất nhiều người đang làm việc trong các nhà máy, trên công trường xây dựng, các khu đô thị là người nhập cư. Hoảng sợ trước viễn cảnh chết đói trong các khu ổ chuột, hàng triệu người đổ xô ra khỏi trung tâm thành phố bằng mọi phương tiện từ đi bộ, xe đạp, bắt xe dọc đường để quay trở về làng quê, dẫn đến một cuộc “di cư ngược” trên quy mô lớn. Điều này đã góp phần làm lây lan virus SARS-CoV-2 đến từng ngõ ngách của quốc gia 1,3 tỷ dân.

Các nhà kinh tế học cũng đã tìm ra nguyên nhân của cuộc khủng hoảng đan xen tại Ấn Độ - dịch bệnh lây lan nghiêm trọng và nền kinh tế bị phá hủy, phần lớn đến từ lệnh phong tỏa nền kinh tế.

“Sự ngưng trệ đáng xấu hổ của Ấn Độ trong quý II/2020 về bản chất là do tác hại của việc phong tỏa nền kinh tế. Điều này sẽ đáng giá nếu như kìm hãm được dịch bệnh nhưng nó đã không phát huy được hiệu quả”, Kaushik Basu, nhà cựu kinh tế học tại Ngân hàng thế giới (World Bank) và hiện giờ là giảng viên của trường Cornell cho hay. Ông gọi bước đi này là “đóng cửa và phá hủy”, đồng thời cho rằng các chính sách của thủ tướng Modi là “thảm họa”.

Nỗi lo nhiễm virus dường như là yếu tố quyết định khiến nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, lớn hơn cả nguyên nhân đóng cửa. Việc ra ngoài mua đồ đồng nghĩa với nguy cơ nhiễm bệnh trong thời điểm các bệnh viện đang quá tải các bệnh nhân. Theo báo cáo của Google dựa trên dữ liệu điện thoại di động, số lượng người tới các cửa hàng và khu vực giải trí đã giảm 39% so với trước đại dịch.

Dù bị chỉ trích nặng nề nhưng sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Modi vẫn không ngừng tăng lên. Một cuộc khảo sát gần đây được công bố trên Tạp chí hàng đầu Ấn Độ India Today cho thấy, tỷ lệ người dân đồng thuận đối với Thủ tướng là 78% - cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Theo số liệu thống kê của trang mạng Worldometers.info, tính đến ngày 8/9, Ấn Độ đã thay thế Brazil trở thành tâm dịch lớn thứ hai thế giới với hơn 4 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó hơn 72.000 người đã tử vong.

(theo New York Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giac-mo-an-do-vo-nat-vi-covid-19-123272.html