Giá xăng giảm gần 800 đồng, dầu giảm mạnh hơn 1.000 đồng/lít

Từ 15h ngày 21/3, xăng E5 RON 92 và RON 95 giảm 780 đồng/lít. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã trải qua 5 lần tăng, 3 lần giảm và một lần giữ nguyên.

Giá xăng giảm gần 800 đồng, dầu giảm mạnh hơn 1.000 đồng/lít. Ảnh: Quách Sơn.

Giá xăng giảm gần 800 đồng, dầu giảm mạnh hơn 1.000 đồng/lít. Ảnh: Quách Sơn.

Chiều 21/3, liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ.

Theo đó, cơ quan điều hành quyết định giảm 780 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, xăng RON 95. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.022 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.038 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh giảm, tuy nhiên mức giảm mạnh hơn giá xăng, ở mức 1.200 đồng/lít. Cụ thể, dầu diesel giảm 1.200 đồng còn 19.302 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.253 xuống còn 19.462 đồng/lít. Trong khi đó, dầu mazut có mức giảm ít nhất là 800 đồng, xuống còn 14.479 đồng/kg.

Như vậy, giá xăng trong nước đã quay đầu giảm chỉ sau 1 lần tăng. Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã trải qua 9 kỳ điều chỉnh giá, trong đó có 5 lần tăng, 3 lần giảm và một lần giữ nguyên.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ tiếp tục không sử dụng Quỹ bình ổn giá và giữ nguyên mức trích lập vào quỹ này các mặt hàng, trừ dầu mazut (mức trích lập tăng từ 0 đồng lên 300 đồng một kg)

Động thái không xả và giữ mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu như kỳ điều hành ngày 13/3 được cơ quan quản lý đưa ra trong bối cảnh giá thế giới hạ nhiệt sâu.

Tính đến cuối tháng 2, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có số dư Quỹ bình ổn hơn 2.172 tỷ đồng. Trong khi đó, Quỹ bình ổn xăng dầu tại Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) âm hơn 411 tỷ đồng, tính đến 13/3. Đây là hai doanh nghiệp đầu mối chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường xăng dầu Việt Nam.

Mới đây, liên quan đến vấn đề chiết khấu giá bán lẻ xăng dầu, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục có đơn gửi Thủ tướng xem xét đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp bán lẻ.

Theo các doanh nghiệp bán lẻ, Thông tư 104 quy định chi phí kinh doanh định mức là 1.050 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Trong phần chi phí trên, quy định đã nêu rõ là cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ.

Tuy nhiên, trong Thông tư này lại không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn và khâu bán lẻ nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này một cách triệt để hưởng gần như phần chi phí này.

Theo đó, các doanh nghiệp đề xuất liên Bộ Tài Chính - Công Thương thành lập hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng chi phí định mức và lợi nhuận định mức. Từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong nghị định mới.

Tại thông báo kết luận hội nghị giao ban tháng 3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Vụ Thị trường trong nước khẩn trương hoàn thành báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu để thống nhất quan điểm chỉ đạo trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo quy trình xây dựng văn bản của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Vụ Thị trường trong nước phải theo dõi sát diễn biến của giá dầu thế giới để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với kịch bản điều hành giá của Chính phủ.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gia-xang-giam-gan-800-dong-dau-giam-manh-hon-1000-donglit-post19297.html