Giá xăng dầu hôm nay (22-7): Tăng, giảm trái chiều

Sau khi mất tới hơn 3 USD, giá dầu WTI đang dần lấy lại được đà tăng tốc, còn dầu thô Brent vẫn 'neo' ở mức 103,86 USD/thùng.

Giá xăng dầu thế giới

Theo Oilprice, lúc 6 giờ 5 phút ngày 22-7 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 96,51 USD/thùng, tăng 16 cent, tương đương 0,17%. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 9 “neo” ở mức 103,86 USD/thùng.

Giá dầu thô Brent và WTI lại trái chiều. Ảnh minh họa: Oilprice

Giá dầu thô Brent và WTI lại trái chiều. Ảnh minh họa: Oilprice

Giá dầu thô đã giảm tới hơn 3 USD trong phiên giao dịch ngày 21-7 bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự tăng của dự trữ xăng của Mỹ, lo ngại gia tăng về nhu cầu dầu sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất tới 50 điểm phần trăm và nguồn cung dầu đang dần được khôi phục ở Libya cũng như dòng khí đốt đến châu Âu đã được nối lại sau thời gian bảo trì của đường ống dẫn dầu Nord Stream 1.

Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 9 đã giảm xuống mức 103,86 USD/thùng, giảm 3,06 USD, tương đương 2,9%. Trong khi đó, giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 3,53 USD, tương đương 3,5%, trượt xa khỏi mốc 100 USD/thùng, xuống còn 96,35 USD/thùng.

Đặc biệt trong phiên giao dịch, cả hai mặt hàng dầu thô Brent và WTI đều đã có thời điểm chịu mức giảm hơn 5 USD.

Theo số liệu của chính phủ Mỹ, giá xăng giao sau đã giảm xuống 3,15 USD, giảm 13 cent, tương đương 3,8% sau dữ liệu cho thấy dự trữ xăng của Mỹ đã tăng 3,5 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa dự báo của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters là chỉ tăng 71.000 thùng.

Robert Yawger, Giám đốc điều hành phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho cho biết, không cần xăng đồng nghĩa với việc không cần dầu thô để tạo xăng. Bài toán này đang “giết chết” dầu thô.

Trong ngày, khối lượng giao dịch dầu kỳ hạn cũng mỏng và giá biến động khi các nhà giao dịch đang phải cân nhắc giữa nhu cầu năng lượng yếu hơn với nguồn cung thắt chặt hơn do sự “biến mất” của các thùng dầu của Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo Jim Ritterbusch của Ritterbusch and Associates, việc nối lại các dòng khí qua đường ống Nord Stream 1 có thể "hình ảnh hóa" về sự hòa giải từ phía Nga liên quan đến việc tiếp tục vận chuyển dầu thô và các sản phẩm vào châu Âu trong thời gian tới. Nord Stream 1 đã ngừng hoạt động để bảo trì từ ngày 11-7. Đường ống này vẫn hoạt động với khối lượng giảm đi đáng kể sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Sự khôi phục lại nguồn cung ở một số nước đang đẩy giá dầu giảm tốc. Ảnh minh họa: Oilprice

Điều đáng chú ý là, cùng với nhiều ngân hàng trung ương lớn khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã tăng lãi suất để kiểm chế lạm phát đang tăng cao, hôm thứ Năm đã cùng với nhiều ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất, tập trung vào việc chống lạm phát tăng hơn là suy thoái kinh tế, vốn có thể đè nặng lên nhu cầu dầu.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất cực thấp để kích thích tăng trưởng kinh tế đang đình trệ.

Trước đó, ngày 20-7, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC) cho biết một số mỏ dầu đã khôi phục lại sản lượng dầu thô sau khi dỡ bỏ điều kiện bất khả kháng đối với xuất khẩu dầu tuần trước.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 22-7 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 25.073 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 26.070 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.858 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.246 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.548 đồng/kg.

Giá xăng dầu trong nước nói trên đã được điều chỉnh giảm vào phiên điều hành giá của của liên Bộ Tài chính - Công Thương chiều 21-7 với giá xăng E5 RON 92 giảm 2.715 đồng/lít; xăng RON 95 giảm mạnh tới 3.650 đồng/lít; giá dầu giảm trong khoảng 1.000-1.800 đồng/lít/kg.

Đây là lần giảm thứ 3 liên tiếp của giá xăng trong nước.

MAI HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/gia-xang-dau-hom-nay-22-7-tang-giam-trai-chieu-700556