Giá xăng dầu hôm nay 17/1: Quay đầu giảm

Giá xăng dầu hôm nay 17/1, giá dầu Brent lùi dần về mức 84 USD/thùng tuy nhiên giá dầu vẫn được kỳ vọng tăng.

Giá xăng dầu hôm nay 17/1, OPEC cùng các nước đối tác, còn gọi là OPEC+ đang đối mặt với “triển vọng không ổn định” trên thị trường dầu mỏ cả về cung và cầu. (Nguồn: Reuters)

Giá xăng dầu hôm nay 17/1, OPEC cùng các nước đối tác, còn gọi là OPEC+ đang đối mặt với “triển vọng không ổn định” trên thị trường dầu mỏ cả về cung và cầu. (Nguồn: Reuters)

Giá xăng dầu hôm nay 17/1

Trên thị trường thế giới, giá dầu WTI đạt 79,97 USD/thùng, giảm 0,25%. Trong khi đó, giá dầu Brent đạt 85,32 USD/thùng, tăng 0,05% vào lúc 6h43 ngày 16/1 theo giờ Việt Nam.

JP Morgan vừa phát đi báo cáo Triển vọng thị trường năm 2023, trong đó nhận định kinh tế toàn cầu không có nguy cơ suy thoái nhờ lạm phát giảm mạnh sẽ hỗ trợ tăng trưởng. JP Morgan cũng dự báo giá dầu Brent đạt mức trung bình 90 USD/thùng trong năm 2023.

Trước đó, Reuters cũng công bố kết quả một cuộc khảo sát riêng đối với 30 nhà kinh tế, phân tích được thực hiện vào cuối năm 2022 về giá dầu. Theo đó, kết quả cho thấy các ý kiến nhất trí cao là mức giá trung bình của dầu Brent trong năm 2023 sẽ là 89,37 USD/thùng.

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đối tác, còn gọi là OPEC+ đang đối mặt với “triển vọng không ổn định” trên thị trường dầu mỏ cả về cung và cầu.

Năng lực sản xuất của OPEC+ đã giảm 3,7 triệu thùng/ngày do ít đầu tư hơn vào lĩnh vực dầu mỏ.

UAE đang thực hiện các bước ưu tiên để bù đắp cho việc giảm công suất sản xuất dầu ở một số quốc gia bằng cách đưa ra kế hoạch tăng công suất sản xuất dầu năm triệu thùng mỗi ngày đến năm 2027 so với mục tiêu trước đó là năm 2030.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 12-2022 đã tăng 4% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến nhu cầu đi lại trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào cuối tuần này sẽ làm tăng triển vọng về nhu cầu nhiên liệu.

Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa tại TD Securities, cho biết tăng trưởng của Trung Quốc sẽ làm tăng nhu cầu. Melek dự đoán, nhu cầu thêm một triệu thùng dầu/ngày có thể quay trở lại.

Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết, mật độ giao thông ở Trung Quốc đang phục hồi từ mức thấp kỷ lục sau khi các hạn chế dịch Covid-19 được nới lỏng, khiến nhu cầu đối với các sản phẩm dầu thô và dầu mỏ cao hơn.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA nhận xét, giá dầu Brent có thể ổn định trong khoảng 85-90 USD/thùng, dầu WTI khoảng 80-85 USD/thùng.

OPEC và IEA sẽ công bố báo cáo hàng tháng của họ trong tuần này. Báo cáo theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu về triển vọng cung và cầu toàn cầu.

Dự kiến báo cáo thị trường của OPEC sẽ được công bố vào hôm nay và các nhà giao dịch đang chờ xem liệu tổ chức này có điều chỉnh kỳ vọng nhu cầu dầu trong năm so với báo cáo tháng trước hay không.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 16/1 được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 11/1 với giá xăng giữ nguyên, giá dầu giảm cao nhất là 958 đồng/lít. Cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.352 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 22.155 đồng/lít; dầu diesel không quá 22.634 đồng/lít; dầu hỏa không quá 21.809 đồng/lít và dầu mazut không quá 13.633 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ không trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng E5 và RON95; trích lập Quỹ với dầu diesel là 605 đồng/lít, dầu hỏa 650 đồng/lít, dầu mazut 300 đồng/kg.

Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 3 lần điều chỉnh, trong đó 2 lần tăng và 1 lần giữ nguyên.

Tại cuộc họp tìm phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu năm 2023 và đề xuất sửa đổi Nghị định số 95 và Nghị định số 83 của Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra hai kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 2023.

Kịch bản thứ nhất tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25 triệu 900 ngàn m3, tấn.

Kịch bản thứ hai tăng trưởng 15%, tương đương 26 triệu 760 ngàn m3, tấn. Sản lượng này phải được phân bổ từng tháng, quý. Mỗi tháng quý căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, trong bối cảnh nguồn cung của thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, từ bài học điều hành, quản lý xăng dầu vừa qua, cần phải có cách tiếp cận nhanh và thích ứng hơn. Do đó, nhà nước cần sửa đổi bổ sung chính sách kịp thời và sát hơn với thị trường.

Cần dựa trên con số thực hiện của năm 2022 và tính toán trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trở lên, tương ứng hệ số 1,3 - 1,4 GDP. Điều này cho thấy, con số phân giao tăng khoảng 10% so với số thực hiện của năm 2022.

Tuy nhiên, trước nhu cầu thực tế của nền kinh tế, ông Diên cho rằng cần phải có phương án thứ hai để chủ động trong mọi tình huống. Phương án này phải cao hơn phương án thứ nhất, tăng 15% so với số thực hiện của năm 2022.

Trong nước, sức ép tăng giá xăng vẫn hiện hữu khi giá xăng nhập không có dấu hiệu suy giảm. Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng A95 nhập từ Singapore vẫn duy trì mức cao trên 90 USD/thùng, thậm chí đã có thời điểm tăng mạnh lên 98 USD/thùng.

Trong thời gian qua, giá dầu thô đã có lúc giảm xuống vùng giá 70 USD/thùng nhưng giá xăng nhập đã không giảm tương ứng. Vì điều này, vào kỳ điều chỉnh ngày 11/1, giá xăng trong nước đã đi ngang.

(tổng hợp)

Ngọc Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-xang-dau-hom-nay-171-quay-dau-giam-213680.html