Giá xăng dầu, giá điện là 'thủ phạm' làm tăng CPI tháng 4

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước. Nguyên nhân là do giá xăng dầu, giá điện tăng.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 2,93% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 4/2019 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng.

Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 4,29%, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 2/4/2019 và thời điểm 17/4/2019 (tác động làm CPI chung tăng 0,41%); Giá vé tàu hỏa tăng 2,76% do nhu cầu đi lại vào dịp nghỉ lễ Giỗ tổ và nghỉ lễ 30/4-1/5.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,6%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,1%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06%; Giáo dục tăng 0,05% do chỉ số giá nhóm sách giáo khoa tăng 0,76%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%.

Ngoài ra, theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, nguyên nhân làm tăng CPI tháng 4 năm 2019 còn do giá điện tăng theo Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 20/3/2019 nên chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,85% so với tháng trước.

Giá điện tăng từ 20/3 là một trong những nguyên nhân đẩy chỉ số CPI tháng 4/2019 lên cao.

Giá điện tăng từ 20/3 là một trong những nguyên nhân đẩy chỉ số CPI tháng 4/2019 lên cao.

Giá gas tháng 4/2019 tăng 1,42% so với tháng 3/2019 do giá gas thế giới bình quân tháng 4/2019 công bố ở mức 525 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn so với tháng 3/2019.

Cùng với đó là giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,98% do nhu cầu xây dựng bắt đầu tăng cùng với chi phí đầu vào tăng nên giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng như: sắt, thép, xi măng, giá nhân công xây dựng tăng theo.

Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm: 0,57%, trong đó lương thực giảm 0,39% chủ yếu do giá gạo xuất khẩu giảm; Thực phẩm giảm 0,87% do giá hầu hết các mặt hàng trong nhóm giảm; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.

Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm do giá thịt lợn giảm 3,07%, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đang lây lan tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người tiêu dùng có xu hướng hạn chế sử dụng các sản phẩm thịt lợn; giá đường giảm 0,67% do giá đường thế giới giảm và nhu cầu tiêu thụ chậm trong khi nguồn cung dồi dào; giá rau tươi, quả tươi giảm do nguồn cung dồi dào.

Lạm phát cơ bản tháng 4/2019 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

H.Y

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gia-xang-dau-gia-dien-la-thu-pham-lam-tang-cpi-thang-4-a431944.html