Giả vờ 'nghiện' để thoát chết khi bị 'phát hiện'

Trong một lần tác nghiệp, ở trong một tình thế 'tiến thoái lưỡng nan', tôi cùng một PV khác đã tự biến mình thành một 'con nghiện'...

Kể về ngôi nhà đầu tiên của tôi nhé! Sẽ nhanh thôi...

Sau khi kết thúc những năm tháng học tại nhà trường, tôi may mắn được vào làm việc tại Phòng Truyền hình của báo Đời sống và Pháp luật. Đối với tôi, có lẽ đây chính là bước đệm cũng chính là nơi mà tôi sẽ nhớ mãi không bao giờ quên. Được làm việc trong một môi trường trẻ trung, năng động, mọi người đều nhiệt huyết với công việc khiến tôi dần trưởng thành hơn.

Trong hơn 2 năm theo nghề báo, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, tôi chợt nhận ra mình còn quá nhỏ bé để nói về thế giới này. Chắc chắn rồi, tôi vẫn sẽ cố gắng học hỏi nhiều hơn nữa, trau dồi nhiều hơn nữa, để ít nhất trở thành một người làm báo đúng nghĩa. Mặc dù tôi đã không còn là người của phòng Truyền hình nữa thế nhưng tôi vẫn luôn tự hào với chính bản thân mình rằng, tôi được đào tạo tại phòng Truyền hình.

Thôi chúng ta vào vấn đề chính nhé...Tôi khóc mất…

Bản thân tôi là một người rất mê làm phóng sự điều tra, thích làm những vụ việc cần phải nhập vai, nguy hiểm một chút càng thích. Khi còn làm tại phòng Truyền hình, tôi cũng được giao một số đề tài phóng sự điều tra, nhưng mà có lẽ đề tài mà tôi chuẩn bị kể cho các bạn sau đây là đề tài mà tôi được trải nghiệm nhiều nhất.

Nhóm chúng tôi được giao đề tài: “Tìm hiểu một số dự án xây dựng trong nội thành Hà Nội đang trong quá trình thi công, có dấu hiệu mang chất thải từ công trình bán ra ngoài”.

Nhóm chúng tôi có 4 người đều là những người cũng có kha khá kinh nghiệm trong việc làm những phóng sự mang tính chất điều tra. Đặc biệt trong nhóm có một anh lớn tuổi nhất, tôi xin dấu tên, người anh đó cũng chính là người kèm tôi từ lúc tôi bắt đầu làm cho đến lúc tôi không còn ở đây nữa.

Một chút về anh đồng nghiệp của tôi…

Có lẽ tôi chưa bao giờ thấy một ai làm việc một cách tâm huyết và nhiệt tình giống anh, có thể do anh đã ngoài 30 tuổi, có thể do anh cần phải có một chỗ đứng trong nghề, có thể do chuyện cơm áo gạo tiền thôi thúc anh như vậy,... Nhưng không, anh có nói với tôi một câu mà tôi nhớ mãi: “Anh hơn 30 tuổi rồi vẫn chưa lấy vợ, bạn bè anh đều đã thành công hết rồi, bố anh thì rất trông đợi vào anh, anh cũng đã nếm trải đủ đắng cay rồi, giờ anh không cố gắng thì bao giờ cố gắng hả em”. Anh là một người cực kỳ chăm chỉ, chưa bao giờ ngại khó, ngại khổ với bất kì việc gì mà lãnh đạo giao. Một người anh đáng để học tập! Thế mà tôi vẫn lười quá…

Quay trở lại câu chuyện tác nghiệp, nhóm chúng tôi chia ra làm đôi, tôi và anh thành một cặp. Chúng tôi tìm đến những dự án mới thi công, lần ra được những chiếc xe tải chở chất thải mang từ những dự án này ra ngoài môi trường. Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi phát hiện những xe này đều mang chất thải từ công trình đổ ra ngoài môi trường, hoặc đem bán cho các nhà máy gạch ở khu vực ngoại thành Hà Nội hoặc thậm chí ra các tỉnh thành lân cận.

Những hình ảnh đắt giá mà chúng tôi ghi nhận được trong lần tác nghiệp đáng nhớ.

Những hình ảnh đắt giá mà chúng tôi ghi nhận được trong lần tác nghiệp đáng nhớ.

Vào một đêm theo chân một chiếc xe tải về tới một nhà máy gạch ở Mê Linh (Hà Nội), khi đó cũng chính là lần đầu ghi nhận được nhiều chiếc xe cùng một lúc đang chở chất thải đem bán tại đây. Chúng tôi đứng ở một góc khá xa cổng nhà máy, ở góc này chúng tôi an toàn nhưng không thể ghi hình lại những chiếc xe này ra vào cổng như thế nào.

Một ý nghĩ trong đầu anh bật ra, anh nói với tôi, hai anh mình phải tiếp cận gần hơn mới ghi hình được, tuy nhiên tôi không đồng ý với ý định này bảo rằng nó rất nguy hiểm. Sau một hồi tranh cãi, cuối cùng phương án mà bọn tôi đưa ra là phóng nhanh qua những chiếc xe tải đang đợi sẵn trước cổng nhà máy, còn chiếc xe chúng tôi theo dõi ở phía sau sẽ phải ghi nhớ biển số.

Sau khi đi qua cổng, 2 anh em đứng trước một đống gạch phía trên của nhà máy, nghĩ rằng đứng đây sẽ an toàn cho cả hai và có thể tác nghiệp được vì có đống gạch che. Tuy nhiên đứng được 10 phút, chính chiếc xe tải mà chúng tôi theo dõi từ Hà Nội về đến đây, đi qua chỗ chúng tôi đứng do phía dưới hết chỗ để xe và điều quan trọng nhất đó là lái xe sẽ nhìn thấy chúng tôi. Khoảnh khắc đó có lẽ là khoảnh khắc sợ sệt nhất trong đời tôi, vì chúng tôi không thể biết được rằng trong quá trình theo chân xe, lái xe có để ý chúng tôi hay không.

Trong đầu bất chợt suy nghĩ đến một điều và ngay lập tức tôi nói với anh đồng nghiệp rằng: “Anh ơi mình cùng giả vờ làm nghiện nhé, giờ anh với em cứ vỗ ven tay giống nghiện đi”. Thế rồi lái xe của chiếc xe tải xuống xe nhìn thấy bọn tôi đang ngồi xuống và vỗ ven tay. Ngay lập tức tôi đứng dậy “tay xoa cổ, đầu lắc lắc” đi ra chỗ người lái xe và nói rằng: “Anh ơi, anh có điếu thuốc nào không cho em xin điếu, em thèm quá”. Có lẽ chính vì nghĩ chúng tôi nghiện thật mà anh lái xe này ngay lập tức đưa cả bao thuốc cho tôi và bảo rằng: “Cho bọn anh cả đấy”, thậm chí còn hỏi chúng tôi: “Uống nước không anh?”.

May mắn thoát nạn, anh và tôi nháy mắt nhau, nuốt nước bọt cái ực rồi thở dài thành tiếng… Trong cái rủi có cái may, từ sau ngày hôm đó, chúng tôi có một chút kinh nghiệm hơn, cởi trần mặc quần đùi, tay cầm điếu thuốc phì phèo, áp sát những chiếc xe tải đang đổ chất thải ra môi trường, thậm chí còn hỏi han, tâm sự cùng những anh lái xe kia để tìm hiểu được nhiều thông tin hơn nữa.

Trải qua cảm giác có lẽ có thể gọi là “thoát tử” ấy mà anh em chúng tôi đã ghi được đầy đủ hình ảnh rõ nét nhất của những xe vi phạm, đó cũng chính là cái cảm giác mãn nguyện, khi mà chúng tôi hoàn thành được phóng sự đó....

Nguồn Khỏe 365: https://khoe365.nguoiduatin.vn/gia-vo-nghien-de-thoat-chet-khi-bi-phat-hien-74707.html