Giá vé qua hầm Hải Vân tăng vọt

Từ 1/5, giá vé tại Trạm thu phí Bắc Hải Vân nối giữa 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế điều chỉnh mức mới. Theo đó, giá vé sẽ tăng từ 30.000 đến 70.000 đồng/lượt/tùy phương tiện.

Hầm đường bộ Hải Vân.

Hầm đường bộ Hải Vân.

Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, từ 0 giờ ngày 1/5/2021, sẽ điều chỉnh giá vé tại Trạm thu phí Bắc Hải Vân nối giữa 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế. Theo đó, giá vé sẽ tăng từ 30.000 đến 70.000 đồng/lượt/tùy phương tiện.

Cụ thể, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng được điều chỉnh từ mức giá 70.000 đồng lên 110.000 đồng/lượt/phương tiện.

Đối với xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn được điều chỉnh từ 90.000 đồng lên 160.000 đồng/lượt.

Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn được điều chỉnh từ 140.000 lên 200.000 đồng/lượt.

Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet được điều chỉnh từ 180.000 đồng lên 210.000 đồng/lượt.

Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet được điều chỉnh từ 240.000 đồng lên 280.000 đồng/lượt.

Mức phí qua hầm Hải Vân được điều chỉnh mới.

Hầm Hải Vân 2 là hầm đường bộ xuyên núi dài nhất Đông Nam Á với hơn 6,2km. Cùng với Hải Vân 1 (hoàn thành năm 2005), Hải Vân 2 đã tạo nên một công trình hầm đường bộ hoàn chỉnh, khi phân tách 2 chiều di chuyển riêng cho mỗi ống hầm.

Với 2 ống hầm Hải Vân được lưu thông mỗi ống hầm 1 chiều, thời gian di chuyển qua hầm chỉ còn khoảng 6 phút và chấm dứt tình trạng ùn tắc kéo dài.

Theo Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, việc tăng giá thu phí này phù hợp với thông tư của Bộ GTVT và trên cơ sở hợp đồng đã ký kết.

Ngày 16/4, Bộ GTVT đã có văn bản đồng ý việc điều chỉnh giá vé tại trạm thu phí Bắc Hải Vân để có nguồn kinh phí duy trì công tác quản lý vận hành và hoàn vốn cho hầm Hải Vân 2 mới đưa vào khai thác.

Trạm thu phí phía Bắc Hải Vân.

Ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, sau khi hầm Hải Vân 2 đi vào hoạt động, nhà đầu tư đã gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Nếu không tăng giá thu phí thì nhà đầu tư không còn vốn vận hành cũng như tiền trả lãi ngân hàng.

Cũng theo ông Thế, nhà đầu tư không được Bộ GTVT hỗ trợ tiền như cam kết trước đó. Trạm thu phí Bắc Hải Vân không phải chỉ thu cho một dự án hầm Hải Vân mà còn thu cho dự án hầm Phú Gia - Phước Tượng. Nếu các phương tiện muốn di chuyển không mất phí thì có thể đi đường đèo Hải Vân hoặc tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan sắp thông xe.

Với mức phí qua hầm Hải Vân tăng vọt như vậy, nhiều doanh nghiệp vận tải tỏ ra lo lắng. Ông P.V.M., chủ nhà xe vận tải hành khách tuyến Đà Nẵng - Quảng Trị cho rằng, theo mức giá mới qua hầm Hải Vân, doanh nghiệp phải gánh thêm vài chục triệu chi phí mỗi tháng.

“Với số lượng đầu xe hiện có, chúng tôi nhẩm tính mỗi tháng phải chi phí thêm gần 50 triệu tiền vé qua hầm Hải Vân. Đây là con số không hề nhỏ. Chúng tôi thực sự lo lắng” - ông M. nói.

Quang Hải

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gia-ve-qua-ham-hai-van-tang-vot-417003.html