Giá vàng tuần từ 20 - 25/8: Không còn sức ép, lý gì không tăng?

Giá vàng tuần tới tiếp tục được hỗ trợ từ việc đồng USD giảm giá, trong khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt và những lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ từng bước được đẩy lùi.

Ảnh minh họa.

Tuần qua, thị trường đã chứng kiến sự lép về hoàn toàn của vàng trước sức mạnh của đồng USD. Trong tuần có những thời điểm, vàng thế giới được ghi nhận ở mức thấp nhất 19 tháng trở lại đây, giao dịch ở mức 1.174 USD/Ounce, tức giảm tới gần 40 USD/Ounce so với giá mở cửa phiên giao dịch đầu tuần.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khi lần lượt các bên có tuyên bố cứng rắn về việc sẽ đánh thuế lên hàng hóa của nhau; việc Thổ Nhĩ Kỳ có động thái đáp trả Mỹ nhưng không được đánh giá là cách làm không ngoan khiến quốc gia này đứng trước nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính và có thể lan rộng ở các quốc gia châu Âu. Đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm giá mạnh, trong khi một số đồng tiền khác trong rổ tiền mất giá so với đồng USD. Phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Mỹ khi quyết định đánh thuế 50 – 140% hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ đang gây hiệu ứng tiêu cực lên thị trường tài chính toàn cầu. Không mấy nhà đầu tư có lòng tin với quyết định này của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo hiệu ứng tích cực mà chỉ thấy lo lắng.

Giữa lúc kinh tế toàn cầu có nhiều biến động thì những chỉ báo về kinh tế Mỹ lại được giới phân tích nhận định có nhiều triển vọng. Đồng USD bỗng nhiên trở thành kênh trú ẩn, hút vốn của giới đầu tư, vị thế trước đây vốn dĩ thuộc về vàng, khi thị trường xuất hiện rủi ro.

Phiên giao dịch ngày 15/8, theo ghi nhận của Petrotimes, mở cửa phiên giao dịch, theo giờ Việt Nam, vàng thế giới giao ngay là 1.176,29 USD/Ounce, giảm 20 USD so với đầu phiên giao dịch ngày 15/8. Đến đầu giờ sáng 16/8, vàng thế giới chỉ còn 1.174,55 USD/Ounce.

Vàng giao tháng 12 sàn Comex New York cũng giảm mạnh trong các phiên 15 – 16/8, xuống còn 1.186 USD/Ounce.

USD index, chỉ số đo lường sức mạnh đồng đôla so với rổ 6 loại tiền tệ, ngày 16/8 tăng 0,18% lên 96,72 điểm – ngay dưới mức cao nhất 13 tháng là 96,794, đạt được hôm 15/8.

Một cảnh báo về ngưỡng nhạy cảm mới, 1.1.70 USD/Ounce, đã được giới phân tích đề cập tới về xu hướng giá vàng.

Nhưng cũng từ thời điểm này, một loạt các tín hiệu tích cực từ thị trường đã xuất hiện hỗ trợ giá vàng. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt khi các bên đồng loạt lên tiếng về một cuộc gặp trong vào cuối tháng 8 để giải quyết các vấn đề thương mại mà cả 2 quan tâm. Đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ tạm thời thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng khi Qatar tuyên bố sẽ bơm vào hệ thống tài chính quốc gia này 16 tỷ USD, cộng với đó là quyết tâm của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện nhiều giải pháp để giữ giá đồng Lira.

Phản ứng gần như ngay lập tức với những thông tin trên, đà giảm của vàng thế giới bị chặn lại, neo theo sự hạ nhiệt của đồng USD, để bật tăng mạnh trong các phiên 17 – 18/8 để chốt tuần ở mức 1.184,62 USD/Ounce, dù vẫn còn xa ngưỡng nhạy cảm 1.200 USD/Ounce nhưng đã cao hơn nhiều mức đáy trong tuần 1.174 USD/Ounce.

Diễn biến tương tự, vàng trong nước tuần qua cũng có những biến động mạnh, có phiên giảm tới 50.000 đồng/lượng (phiên 13/8) và có thời điểm giảm tới 100.000 đồng/lượng so với giá mở cửa đầu tuần. Nhưng cũng như vàng thế giới, vàng trong nước đã đón nhận những tín hiệu lạc quan từ thị trường thế giới để khép lại tuần giao dịch với mức giảm 10.000 đồng/lượng.

Khép lại tuần giao dịch, vàng SJC chốt phiên ở mức 36,62 – 36,80 triệu đồng/lượng (mua/bán). Tại DOJI, vàng SJC cuối phiên được niêm yết là 36,64 – 36,74 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, vàng SJC được Phú Quý SJC niêm yết ở mức 36,66 – 36,74 triệu đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 35,66 – 36,74 triệu đồng/lượng.

Giá vàng được dự báo sẽ tăng trong tuần tới.

Sự hồi phục của vàng thế giới trong những phiên giao dịch cuối tuần được giới phân tích nhìn nhận rất tích cực và được xem là cơ sở để vàng quay lại ngưỡng nhạy cảm 1.200 USD/Ounce trong tuần từ 20 – 25/8.

Nhận định về diễn biến giá vàng thế giới, Shin Kadota, nhà phân tích chiến lược cấp cao tại Barclays nói: Tâm lý ‘thích rủi ro’, có được do thông tin về cuộc gặp giữa Mỹ và Trung Quốc, đã tác động lên USD, trong khi thúc giục một số người mua Euro, đồng tiền đã bị giảm hồi đầu tuần do lo ngại liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuần tới, mọi sự chú ý sẽ chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang cuộc đàm phán Trung – Mỹ với phái đoàn Trung Quốc sẽ đến Washington và 16 tỷ USD thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực.

Trong khi đó, khủng hoảng đồng Lira đã giảm bớt khi Berat Albayrak, Bộ trưởng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng tình thế hiện tại như một “sự bất thường của thị trường” và ông cũng tin tưởng Thổ Nhĩ Kỳ vươn dậy mạnh mẽ hơn.

Nhà kinh tế cấp cao của ABN, Casper Burgering thì cho rằng: Ngay sau khi các yếu tố cơ bản tăng trưởng một lần nữa và căng thẳng thương mại được tháo gỡ, một xu hướng giá tích cực có thể sẽ tái xuất hiện. Từ góc độ cơ bản – với thị trường chặt chẽ hơn trong hầu hết các kim loại cơ bản trong quý IV và tiếp tục tăng trưởng kinh tế toàn cầu – giá kim loại cơ bản (đặc biệt là nhôm, đồng và niken) dự kiến sẽ được đánh giá cao trong quý IV một lần nữa.

Như vậy có thể thấy, giá vàng tuần tới vẫn sẽ sống dưới “bầu không khí” của được tạo lên bởi mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, những động thái “giải cứu” đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ… Theo những diễn biến gần đây, khi tất cả các bên đều cho thấy không cần thiết cần phải có một sự leo thang trong quan hệ thương mại, và khi các vấn đề được giải quyết, đồng USD sẽ hạ nhiệt (bản thân Mỹ cũng không muốn đẩy giá đồng USD lên cao vì sẽ gây khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu của quốc gia này), vàng thế giới sẽ được cởi trói và trở lại ngưỡng 1.200 USD/Ounce trước khi nghĩ đến những bứt phá mới.

Minh Ngọc

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/gia-vang-tuan-tu-20-258-khong-con-suc-ep-ly-gi-khong-tang-512011.html