Giá vàng thế giới tăng nhẹ, biên độ mua - bán trong nước vẫn rộng

Giá vàng thế giới trên sàn Kitco giao dịch đầu giờ ngày 14/8 mức 1.959 - 1.960 USD/ounce, tăng nhẹ so với hôm qua. Vàng SJC mua – bán ở mức 54,95-57,72 triệu đồng/lượng, tăng 2 triệu đồng.

Giá vàng kỳ hạn tháng 10/2020 cũng tăng gần 7 USD/ounce ở mức trên 1.947 USD/ounce.

Các nhận định đưa từ giới phân tích lĩnh vực vàng cho biết, vàng đã có một đợt tăng giá mạnh kéo dài trong thời gian ngắn trở lại đây lên trên 2.070 USD/ounce. Do vậy, việc nhà đầu tư lớn trên thế giới chốt lời kiến vàng điều chỉnh là tất yếu.

Mặc dù đà tăng đối với vàng dựa trên các yếu tố kinh tế vĩ mô, như đồng đô la Mỹ suy yếu và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) rất ôn hòa, nhưng sự điều chỉnh trong tuần này của vàng được cho là chủ yếu là do nhà đầu tư chốt lời chứ không phải bất kỳ sự thay đổi cơ bản nào trong nền kinh tế.

Tuy các thông tin tích cực tới từ công cụ điều chỉnh kinh tế lạm phát, tâm lý các nhà đầu tư vẫn u ám do ảnh hưởng của việc trì trệ gói quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ Hoa Kỳ, điều này đã đẩy đồng USD giao dịch ở mức thấp hơn trong ngày 13/8.

Chỉ số Dolla Index giảm 0,17%; Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm giảm 3bps xuống 1,34% trong khi lợi suất kỳ hạn 10 năm giảm 1 bp xuống 0,66%.

Quỹ đầu tư vàng lớn thế giới SPDR đã tiếp tục bán ra lượng vàng khủng khi giá kim loại quý tăng cao trong ngày 12/8 vừa qua. Với 7,3 tấn vàng bán ra trong phiên giao dịch Mỹ trong đêm 12/8, khối lượng vàng nắm giữ của Quỹ đầu tư SPDR còn 1.250,63 tấn.

Đây là phiên bán mạnh nhất của quỹ đầu tư này từ nhiều tháng trở lại đây và cũng là ngày thứ 3 từ cuối tuần trước đến nay, quỹ đầu tư này bán vàng khi giá đạt những mức cao nhất với tổng cộng khối lượng vàng đã bán ra 17,33 tấn.

Chính điều này đã khiến vàng nhanh chóng đảo chiều trong phiên giao dịch cùng ngày, mất mốc 2.000 USD/ounce, thậm chí về ngưỡng 1.899 USD/ounce.

Vàng SJC được Công ty SJC niêm yết 9 giờ sáng ngày 14/8 ở mức 54,95-57,72 triệu đồng/lượng (mua – bán). Mức chênh lệch giữa giá mua vào – bán ra vẫn được các tiệm vàng nới rộng đến 2,77 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, so với 2 ngày trước khi giá vàng biến động mạnh trong ngày 12/8 thì chênh lệch giữa mua và bán được các nhà vàng giãn cách n đến 4,7 triệu đồng/lượng.

Mặc dù vàng tăng giảm trái chiều trong thời gian gần đây, song nhiều người trong nước chưa nắm được vàng trong tay cũng “đứng, ngồi” không yên nên đã sẵn sàng mua một ít vàng.

Đặc biệt là trong vùng giá 54-57 triệu đồng/lượng hiện nay, vì kỳ vọng vàng sẽ lập lại đỉnh trên 62 triệu đồng/lượng.

Mùa vàng trong lúc này cũng được các chuyên gia tài chính – vàng khuyến nghị nên có tầm nhìn dài hạn, không thể kỳ vọng “lướt” sóng để kiếm lời, rủi ro sẽ gia tăng.

Ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị SJC Phú Thọ cho rằng, thực tế nhiều người mang vàng đi bán trong ngày giá vàng biến động 12/8 vừa qua đã không tránh khỏi thua lỗ.

Do giá vàng buổi sáng giảm về 47 triệu đồng/lượng (mua vào của các tiệm vàng), nhưng đã nhanh chóng lấy lại mốc 53 triệu đồng/lượng (mua vào của các tiệm vàng) trong chiều cùng ngày. Như vậy, nếu bán trong buổi sáng đã lỗ 5 triệu đồng/lượng.

Các nhận định đưa ra, khả năng mặt hàng kim quý này còn cơ hội tăng trong thời gian tới. Vì còn nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực cho sự tăng trưởng của vàng.

Trong đó, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung được cho là khó sớm lắng dịu, đồng thời tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cho dù Nga đã công bố có vắc – xin phòng ngừa.

Nhu cầu tìm đến hầm trú ẩn an toàn vàng vẫn gia tăng trong đại dịch Covid-19. Điển hình như Thụy Sĩ, cầu mua vàng của nước này tăng gấp 4-5 lần trong mùa dịch.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Thụy Sĩ đang thứ 8 trong 10 quốc gia nắm giữ nhiều vàng nhất thế giới với 1.040 tấn. Dân số ít nhưng Thụy Sĩ lại có lượng vàng dự trữ rất lớn.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gia-vang-the-gioi-tang-nhe-bien-do-mua---ban-trong-nuoc-van-rong-d127707.html