Giá vàng hôm nay 8/9/2018: Gãy đà tăng, vàng quay đầu giảm giá

Giá vàng hôm nay 8/9/2018: Do lượng bán ra mạnh, vàng gãy đà tăng và quay đầu giảm giá.

Do lượng bán ra mạnh, vàng gãy đà tăng và quay đầu giảm giá

Trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng tiếp tục giảm thêm 0,25% xuống ngưỡng 1.197,5 USD/ounce. Trong phiên, giá vàng liên tục nỗ lực bám trụ tại ngưỡng 1.200 USD/ounce và có lúc đã vượt mốc quan trọng này nhưng sau đó lại quay đầu giảm.

Nếu tiếp tục duy trì diễn biến giảm giá cho tới hết phiên cuối tuần này, dự kiến giá vàng trong nước phiên cuối tuần 8/9 cũng sẽ theo chiều hướng giảm giá.

Tính chung trong 30 phiên gần nhất, giá kim loại quý đã giảm tổng cộng 17 USD/ounce (tương đương giảm 1,40%). Còn nếu tính trong 1 năm thì giá vàng đã giảm 152,10 USD/ounce (tương đương giảm 11,28%).

Trong nước, giá vàng diễn biến phức tạp trong bối cảnh giá vàng thế giới đảo chiều. Cụ thể, giá vàng SJC thị trường TP.HCM trong cả phiên hôm qua đã giảm 10 nghìn đồng chiều mua vào về 36,59 triệu đồng/lượng, nhưng lại tăng mạnh gia bán ra thêm 60 nghìn đồng lên 36,76 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đảo chiều, vàng trong nước diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa

Với điều chỉnh mạnh này, chênh lệch giá mua vào và bán ra tại đây đã được kéo giãn mạnh từ 100 nghìn đồng mỗi lượng trước đó lên 170 nghìn đồng.

Giá vàng Doji tại Hà Nội giảm 40 nghìn đồng hai chiều về 36,63 - 36,73 triệu đồng/lượng.

Cũng giảm 40 nghìn đồng hai chiều, giá vàng miếng thương hiệu Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu chốt phiên hôm qua tại 34,44 - 34,89 triệu đồng/lượng…

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân giá vàng gãy đà tăng là do các quỹ lớn bán ra mạnh khiến thị trường rơi vào tình trạng quá bán.

Điều này xuất phát từ diễn biến Vanguard (một trong những nhà cung cấp tài chính lớn nhất của các quỹ với hơn 1,2 nghìn tỷ USD tài sản) muốn cơ cấu lại Quỹ Vanguard Precious Metal and Mining (VGPMX) công bố từ 27/7.

Chiến lược đầu tư của quỹ là chuyển từ đầu tư 80% vào các công ty khai thác và 20% trực tiếp vào kim loại quý thành chỉ còn đầu tư 25% cho các công ty khai thác và tỷ lệ còn lại 75% sẽ rót vào thị trường chứng khoán toàn cầu. Quỹ này cũng đồng thời bán ra cổ phiếu các mỏ vàng. Điều này đã khiến giá kim loại quý chao đảo kể từ đầu tháng 8.

Các chỉ báo kỹ thuật đều cho thấy khả năng tiếp tục giảm của giá vàng trong ngắn hạn.

Không dừng ở đó, giá vàng sẽ tiếp tục chịu tác động khi thời điểm cuộc họp của Ủy ban thị trường ((FOMC - thuộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ Fed) sắp tiến hành vào ngày 26/9 tới với khả năng cao là Fed sẽ quyết định tăng lãi suất trên cơ sở báo cáo kinh tế gần đây của Mỹ khá tích cực mà mới nhất là Báo cáo việc làm lĩnh vực phi nông nghiệp của nước này được công bố ngày 7/9 theo giờ địa phương với kết quả tích cực đúng như dự báo.

Kể từ khi chu kỳ tăng lãi suất của Fed bắt đầu vào tháng 12/2015, kim loại quý thường bị bán tháo mỗi khi diễn ra cuộc họp của FOMC. Nên kỳ họp lần này thị trường cũng khó tránh khỏi diễn biến bán mạnh của giới đầu tư.

Ngoài ra, thị trường vàng cũng đang chờ chính quyền Trump sớm công bố quyết định về việc có áp đặt thêm thuế nhập khẩu lên các mặt hàng trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc hay không. Nếu quyết định được trì hoãn trong khi chờ đàm phán thêm thì dự kiến đồng USD sẽ giảm, hỗ trợ cho giá vàng. Ngược lại, giá vàng sẽ bị tác động kép và giảm mạnh.

C.Sơn

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/gia-vang-hom-nay-892018-gay-da-tang-vang-quay-dau-giam-gia-d271069.html