Giá vàng còn tiếp tục đà tăng trong tuần tới?

Tuần qua, thị trường vàng trong nước chứng kiến giá vàng tăng vọt khi đạt mức cao nhất từ trước đến nay, trong khi giá vàng thế giới cũng lập đỉnh của gần 9 năm qua.

 Giá vàng trong nước có xu hướng tăng theo đà tăng của giá vàng thế giới. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Giá vàng trong nước có xu hướng tăng theo đà tăng của giá vàng thế giới. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Giá vàng xác lập kỷ lục

Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 4/7), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 49,50 - 49,88 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch giá mua - bán là 380.000 đồng/lượng. Tập đoàn DOJI niêm yết giá bán lẻ vàng miếng ở ngưỡng 49,50 - 49,70 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán chỉ ở mức 200.000 đồng/lượng.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng trong nước có xu hướng tăng theo hướng của giá vàng thế giới trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng ở một số quốc gia khiến các nhà đầu tư lo lắng về triển vọng phục hồi nền kinh tế và chuyển sang giữ vàng để bảo toàn tài sản. Theo đó, giá vàng trong nước áp sát mốc 50 triệu đồng/lượng.

Sang phiên giao đêm 6/7, giá vàng thế giới tiến sát mức cao nhất trong gần 9 năm và tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản an toàn, dù thị trường chứng khoán khởi sắc và dữ liệu tích cực về lĩnh vực dịch vụ của Mỹ hạn chế đà đi lên của giá vàng. Theo đó, giá vàng trong nước cũng vượt mốc 50 triệu đồng/lượng và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Kim loại quý trong nước tiếp nối đà tăng ở những phiên tiếp theo và liên tục xác lập kỷ lục. Giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce trong phiên 8/7, mức cao nhất kể từ tháng 9/2011. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.811,01 USD/ounce.

Tuy nhiên, phiên cuối tuần 10/7, giá vàng trong nước quay đầu giảm theo giá vàng thế giới trong bối cảnh đồng USD mạnh lên.

Khách hàng đến giao dịch vàng chủ yếu bán ra chốt lời. (Ảnh: Dân trí)

Sáng 12/7, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 50,15 - 50,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Trong khi đó, Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 50,1 - 50,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tính chung cả tuần, các doanh nghiệp vàng đã điều chỉnh giá vàng SJC tăng khoảng 600.000 - 700.000 đồng/lượng.

Trong tuần qua, tại các cửa hàng vàng bạc lớn ở Hà Nội, khách đến chủ yếu bán ra chốt lời, không thấy sự xuất hiện của khách đầu tư. Các cửa hàng nhỏ lẻ đìu hiu, hầu như không có khách giao dịch.

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết, trong tuần qua giá vàng tăng mạnh nhưng chủ yếu là khách nhỏ lẻ bán ra, các nhà đầu tư còn lo ngại, nghe ngóng nên không tham gia vào thị trường. Nhiều người e dè và thận trọng khi nhìn lại bài học những năm 2011 - 2012, giá vàng lên tới hơn 49 triệu đồng/lượng nhưng lại "rớt thảm" xuống 35 - 36 triệu đồng/lượng.

Theo đại diện một công ty vàng, nguyên nhân đẩy giá vàng leo dốc không ngừng là do số ca mắc COVID-19 và tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu tăng cao. Nếu tình hình dịch còn diễn biến phức tạp và kéo dài, khả năng giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các nhà tư nên thận trọng trong ngắn hạn vì biến động vàng sẽ còn lớn.

Môi trường "hoàn hảo" cho giá vàng

Mặc dù giảm trong hai phiên cuối tuần nhưng tính chung cả tuần, giá vàng thế giới tăng khoảng 0,7%. Giá vàng có tuần tăng thứ năm liên tiếp và tăng hơn 18% kể từ đầu năm.

Các nhà phân tích cho rằng, giá vàng tăng một phần do lãi suất trái phiếu của Mỹ tiếp tục giảm khi nhà đầu tư ít hoặc không phải chịu chi phí cơ hội cho việc nắm giữ các tài sản không sinh lời như vàng. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm trong tuần qua, xuống 0,619% trong phiên cuối tuần, một ngày sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24/4. Vàng cũng giữ được sức hấp dẫn nhờ những lo ngại các nỗ lực kích thích mạnh mẽ có thể gây sức ép lạm phát.

Theo các nhà phân tích tại Goldman Sachs, vàng chịu tác động từ hai yếu tố chính: sự lo ngại khiến nhu cầu đầu tư tăng tại các thị trường phát triển và sự phục hồi đang thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường mới nổi.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho rằng, vàng đang có một môi trường lý tưởng khi đà phục hồi tại Mỹ chậm lại do làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 2, trong khi Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng bán lẻ lớn nhất thế giới đang phục hồi mạnh. Tình hình tại Mỹ cũng khiến đồng USD giảm, giúp tăng sức mua vàng từ những người tiêu dùng bên ngoài nước Mỹ.

Một cửa hàng kim hoàn tại Yangon, Myanmar. (Ảnh: THX)

Giám đốc phụ trách bộ phận chiến lược tiền tệ tại công ty môi giới đầu tư BK Asset Management Vladimir Schlossberg cho rằng, giá vàng sẽ chưa dừng đà tăng sau khi đã vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce trong phiên 8/7.

Chuyên gia của BK Asset Management khẳng định ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trung ương vào thời điểm này là duy trì động lực và đà tăng trưởng hết mức có thể trong một thế giới hậu COVID-19. Vì vậy, họ sẽ giảm lãi suất, lạm phát khi đó sẽ tăng cao hơn và điều này càng củng cố đà đi lên cho giá vàng.

Ông cho biết thêm, môi trường này nhiều khả năng sẽ giúp vàng "thử sức" ở mức cao nhất mọi thời đại, với 1.920,3 USD/ounce mà kim loại quý này từng thiết lập vào năm 2011.

Theo nhà phân tích Daniel Moss của Bloomberg, giá vàng có thể tiếp tục tăng cao hơn sau khi phá vỡ mốc 1.800 USD/ounce. Ông chỉ ra rằng, các nhà giao dịch cũng đang chờ đợi báo cáo kinh doanh của các công ty Mỹ trong quý II/2020, với đa số đều nhận định chúng sẽ ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Chính sách tài chính và tiền tệ hỗ trợ đã cung cấp môi trường hoàn hảo cho giá vàng, với lợi suất thực tế ở mức thấp kỷ lục và đồng USD suy yếu đáng kể do nguồn thanh khoản dồi dào chưa từng có.

Theo VTV

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gia-vang-con-tiep-tuc-da-tang-trong-tuan-toi-389658.html