Giã từ xe chạy diezel (K2): Cuộc chiến tốn kém

Kể từ sau bê bối gian lận khí thải của Volkswagen, thị trường ô tô thế giới đã có những sự dịch chuyển đáng chú ý về năng lượng, những dòng xe chạy điện hoặc đa năng lượng ngày càng được chú ý.

Nhưng để chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng sạch là cuộc chiến tốn kém.

Mất hàng ngàn tỷ USD
Tại châu Âu, hầu hết các nước đều có kế hoạch cấm bán các loại xe mới chạy bằng diezel và xăng vào năm 2040. Tuy nhiên, nhiều nhóm vận động hành lang của ngành công nghiệp ô tô tuyên bố hành động này có thể khiến các nền kinh tế thiệt hại hàng ngàn tỷ USD. FairFuelUK, một nhóm vận động đấu tranh cho giảm thuế và tăng giá xăng dầu minh bạch, cho biết nếu Chính phủ Anh ban hành lệnh cấm, chỉ riêng chi phí để dẹp bỏ các trạm xăng dầu và phế thải hàng triệu xe diezel sẽ lên tới hàng ngàn tỷ bảng. Vì vậy, cách tốt hơn là ứng dụng các công nghệ nhiên liệu mới vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của động cơ xăng dầu.

Hiện nay nhu cầu đối với các loại xe nhiên liệu thay thế đang tăng nhưng vẫn ở mức rất thấp, vì người tiêu dùng quan tâm đến khả năng chi trả, tầm hoạt động của xe và trạm sạc điện. Ngoài ra, những thách thức cần phải được giải quyết đối với xe điện, gồm thời gian sạc pin nhanh, độ phủ của hệ thống trạm sạc điện, giá thành phổ thông và phạm vi di chuyển sau mỗi lần sạc.

Ông Mike Hawes,
Giám đốc điều hành Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô

Nhưng sự điều chỉnh bằng những công nghệ có sẵn cũng khá tốn kém. Tại Đức, các hãng ô tô đã có kế hoạch cải tiến động cơ nhằm cắt giảm khí thải NOx với tổng chi phí gần 2 tỷ EUR. Audi cho biết sẽ cập nhật cải tiến phần mềm điều khiển động cơ cho 850.000 xe diezel. Tương tự Audi, Mercedes công bố kế hoạch thu hồi 3 triệu xe trong nước sử dụng động cơ diezel để sửa chữa với chi phí 255USD/chiếc. Năm 2017, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody cảnh báo: “Lệnh cấm các phương tiện diezel tại châu Âu có thể khiến các nhà sản xuất thiệt hại hàng tỷ EUR, do phải hỗ trợ các đại lý bán xe tiền thế chấp, vay mượn và tỷ lệ hoa hồng”.

Cảnh báo trên ám chỉ tới sự giảm sút rõ rệt đối với thị trường ô tô cũ. Thông thường, thay vì phải trả một khoản góp cuối cùng trị giá tới 60% số tiền mua xe, người mua xe không cần phải có tiền mặt để trả, mà chỉ việc bán lại xe để trang trải khoản mua ban đầu.

Tuy nhiên, lệnh cấm xe diezel sẽ dẫn tới việc người mua xe từ bỏ sở hữu xe diezel sẽ khiến giá trị những chiếc xe cũ rớt giá thảm hại. Doanh số bán xe cho thấy nhu cầu mua xe diezel giảm 12,7% trong tháng 7-2017. Lượng xe diezel chỉ chiếm 40,5% tổng số xe mới bán ra trên thị trường châu Âu, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2016 lượng xe diezel do Renault bán ra chiếm 45% tổng số xe mới, trong khi con số này của Daimler 38%, BMW 35% và Volkswagen 26%.

Người dân biểu tình cấm xe ôtô chạy dầu diezel.

Tương lai năng lượng sạch
Nhưng dù sao việc chuyển đổi sang năng lượng sạch là xu hướng không thể tránh khỏi của ngành công nghiệp ô tô. Và điều này đang mở ra những cánh cửa lớn cho ngành ô tô điện. Volvo, hãng xe Thụy Điển, hiện thuộc tập đoàn Geely (Trung Quốc), tuyên bố sẽ ngưng sản xuất xe dùng động cơ đốt trong, chỉ còn xe điện và hybrid (xe vừa chạy điện vừa chạy xăng) trong danh mục sản phẩm từ 2019.

BMW đặt mục tiêu nửa triệu xe điện bán ra vào 2025, chiếm khoảng 20% doanh số. Hãng xe châu Á Honda muốn 2/3 doanh số là xe điện, hybrid trước thời điểm 2030. Liên minh Renault-Nissan thể hiện tham vọng của kẻ dẫn đầu với thị phần xe điện lớn nhất châu Âu và những năm kế tiếp. Tháng 9-2017, Uber cho biết tất cả xe chạy cho hãng ở London sẽ phải là xe điện hoặc hybrid vào 2025.

Như vậy, các hãng xe đang thực hiện những bước chuyển mình để tiếp cận công nghệ. Tuy nhiên, để sản xuất xe hybrid, xe điện tối ưu, ngoài chi phí lớn còn phải làm thế nào để người tiêu dùng chấp nhận. Theo các chuyên gia dữ liệu của hãng nghiên cứu JATO, trong năm ngoái, lượng xe mới chạy bằng động cơ diezel bán tại châu Âu giảm 7,9% còn 6,76 triệu chiếc, chiếm 43,7% trong tổng số đăng ký mới.

Đó là thị phần dầu diezel thấp nhất trong 1 thập niên, nhưng không phải là điều đáng mừng. Thay vì mua sắm các loại xe sử dụng nhiên liệu thay thế như ô tô chạy bằng điện và nhiên liệu hydro, người tiêu dùng lại mua xe hơi chạy xăng. Những dòng xe chạy xăng đã tăng doanh số 10,9% trong cùng kỳ. Thay vì bỏ động cơ diezel để mua xe điện, người tiêu dùng đang quay trở lại với xăng. Dù doanh số các loại xe điện và xe hybrid tăng 46,1%, chúng vẫn chỉ chiếm 4,8% thị trường châu Âu với tổng doanh số 438.400 chiếc.

Thị trường Việt Nam
Frost & Sullivan, một công ty tư vấn chiến lược có trụ sở tại Hoa Kỳ, vừa thực hiện nghiên cứu "Tương lai của xe điện tại Đông Nam Á" ở 6 quốc gia Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines. Kết quả được phân tích dựa trên 1.800 phản hồi từ khảo sát trực tuyến và phỏng vấn trực tiếp, cho thấy Việt Nam là một thị trường xe điện tiềm năng. Theo đó, cân nhắc đến xe điện nhiều nhất là khách hàng tại Philippines với tỷ lệ 47%, và Singapore với 23%. Việt Nam đứng ngay phía trên Singapore với 33%.

Đón đầu xu hướng này, một số nhà đầu tư nước ngoài đã lên kế hoạch đầu tư sản xuất xe điện ở Việt Nam. Hôm 15-1-2018, tại Hà Nội, Tập đoàn Mitsubishi Motors Corporation đã ký kết biên bản ghi nhớ với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) để tiến hành một nghiên cứu chung về sử dụng hiệu quả ô tô điện và các chính sách, chương trình khuyến khích nhằm hỗ trợ việc áp dụng các công nghệ ô tô bền vững tại Việt Nam.

Trước đó, vào trung tuần tháng 5-2017, trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư Thanh Hóa 2017, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Dimora Enterprises của Hoa Kỳ với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện. Theo nội dung bản ghi nhớ, tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 500 triệu USD, nhà máy dự kiến được xây dựng tại Khu kinh tế Nghi Sơn, với công suất ban đầu khoảng 10.000 xe/năm, giai đoạn tiếp theo có thể tăng lên 50.000 xe/năm, chủ yếu là các dòng xe điện 5-7 chỗ ngồi.

Không chỉ có các công ty nước ngoài, ngày 8-3 vừa qua, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VINFAST, một thành viên của Tập đoàn Vingroup, đã công bố 36 mẫu thiết kế cho ô tô dòng xe điện và xe động cơ đốt trong cỡ nhỏ tiêu chuẩn quốc tế. Đây là doanh nghiệp Việt đầu tiên tham gia sản xuất xe điện, đánh dấu bước đột phá cho sự phát triển và hội nhập của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Xe điện và xe cỡ nhỏ VINFAST dự kiến ra mắt thị trường vào cuối năm 2019. Theo VINFAST, dây chuyền sản xuất sẽ ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới tính đến thời điểm hiện nay, nhằm cho ra đời những chiếc xe chạy bằng điện thân thiện với môi trường, phù hợp với sự phát triển và xu hướng mới nhất của ngành ô tô trên thế giới.

Văn Cường

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/ho-so/ky-2-cuoc-chien-ton-kem-55388.html