Giã từ tàu... giã cào

Tàu càng lớn thì ngư dân vươn khơi khai thác hiệu quả. Nhưng lý thuyết trên chỉ đúng đối với các ngành nghề khai thác bền vững và bảo vệ môi trường, giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Riêng ngư dân cửa biển Cửa Đại Cổ Lũy ở tỉnh Quảng Ngãi đang lâm cảnh sạt nghiệp, rao bán tàu, vì lý do tàu quá to, nhưng làm loại nghề lưới cào, gom, vét cá (tàu giã cào).

Nhà đóng, điện thoại tắt

“Nếu như mọi năm, tới giờ này thì mỗi tàu cá ít ra phải thu về được 3-5 tỷ đồng, còn năm nay thì….” – lão ngư dân tên Hải bỏ dở câu nói giữa chừng và đoạn kết của câu nói đó hiện lên trên khuôn mặt nhăn nhúm, buồn rầu cùng tiếng thở dài, ánh mắt thảng thốt. Làng chài Cửa Đại Cổ Lũy ở Quảng Ngãi có hơn 1000 tàu làm nghề lưới giã cào và rất nổi tiếng, vì cuối năm thuyền trưởng, chủ tàu khiêng bao tiền về nhà đổ ra đếm. Trong khi gần 2 năm nay, làng chài liêu xiêu trong nợ nần, những chiếc tàu to nhất biến thành núi nợ.

Tàu ngư dân phủ bạt, hàng ngày được tưới nước để rao bán tại cảng Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi

Tại cửa biển Sa Kỳ cách đó không xa, nhiều tàu cá giã cào của Cửa Đại Cổ Lũy đã rời ngư trường truyền thống Vịnh Bắc Bộ quay về quê neo nghỉ vì không còn bạn chài và cứ ra khơi là lỗ. Đoàn tàu hiện ra màu xám mốc. Tàu lâu ngày không hoạt động nên gỗ ván nứt nẻ dưới cái nắng thiêu đốt. Anh Hùng, một ngư dân chỉ vào bụng tàu giã cào được thiết kế to hơn các loại tàu cá khác và cho biết, “cái bụng này nó nuốt tổn mỗi phiên 600-700 triệu, chỉ cần lỗ 3 phiên là muốn bán nhà ra trả nợ”.

Ngay tại con đường dẫn cừ cầu Nghĩa An xuống khu vực Cửa Đại Cổ Lũy có vài căn nhà chủ tàu đóng chặt cửa, vắng bóng người đã lâu. Ông T, một ngư dân dẫn tôi đi và kể ra hoàn cảnh của những gia đình này cũng từng thu về 1-2 tỷ đồng/năm, nhưng gần 2 năm nay thì các chủ tàu tắt điện thoại, bỏ nhà hoang, vì nợ mỗi ngày một chồng chất, trong đó có nợ các đường dây tín dụng đen với lãi suất lên đến hơn 100%/năm.

Bà Võ Thị Lệ Thu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An (nằm phía bờ đông của Cửa Đại Cổ Lũy) chia sẻ: “Có thể là do lượng cá suy giảm tạm thời nên ngư dân gặp khó khăn trước mắt”. Nhận định trên như một cách an ủi và mở ra khoảng trống cho ngư dân địa phương kiên nhẫn chờ đợi mà không bị suy sụp. Đến tháng 10, nhiều chủ tàu từ ngoài Bắc điện về cho biết, mới kiếm đủ ăn, nhưng nhiều tàu vẫn lỗ.

Mỗi năm kiếm vài tỷ, nhưng tại sao mới chỉ làm ăn đói kém 2 năm thì đã lâm vào cảnh vỡ nợ? Có 3 nguyên nhân chính và trở thành bài học cho các làng chài khác, đó là mức khai thác quá mạnh bên cạnh hàng loạt nguyên nhân phụ như lắp máy thủy kém chất lượng và bị tàu cá cũng làm nghề giã cào của Trung Quốc lấn át.

Đối tượng bị truy đuổi

Một chiếc tàu làm nghề câu, mỗi năm thu về khoảng 50 – 60 tấn cá; tàu làm nghề lưới chuồn khơi thu về khoảng 60 – 70 tấn cá; tàu làm nghề lưới vây rút loại lớn, thu về chừng 300 tấn cá/năm. Còn tàu làm nghề giã cào cao tốc loại lớn, mỗi năm gom, vét dưới đáy biển thì số lượng gấp nhiều lần. Tuy nhiên, đáng lưu ý, chỉ khoảng 40% sản phẩm là bán được trên thị trường, còn lại 60% là loại cá nhỏ, vụn, chỉ bán để làm thức ăn cho gia súc.

Chuyện tàu giã cào cao tốc tận diệt, làm trơ đáy biển thì báo chí đã từng viết cách đây 15 năm. Nhiều địa phương như Vũng Tàu, Kiên Giang, đoàn tàu giã cào đã biến đáy biển thành sa mạc. Nhưng vào thời đó, tàu giã cào vẫn còn nhỏ so với hiện nay và giàn lưới cào thả trôi ở độ sâu khoảng 50 mét. Còn hiện nay, có những tàu dài 26 mét, trên tàu gắn những cỗ máy “trâu” để kéo giàn lưới sâu 150 mét. Khả năng "càn quét" là rất lớn.

Ngư trường chính của hơn 1000 chiếc tàu ở Cửa Đại Cổ Lũy là khu vực Vịnh Bắc Bộ. Nhưng chỉ sau một thời gian làng chài Cửa Đại Cổ Lũy nâng cấp đoàn tàu cao tốc có chiều dài thân vỏ từ 19 và 21 mét lên chiều dài 24 đến 26 mét để lắp máy lớn, kéo lưới sâu thì ngư trường ở nơi đây cạn kiệt đi rất nhanh. Khi không còn nhiều cá để khai thác, các tàu đi dần vào các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị để đánh bắt và liên tục trở thành mục tiêu bị Bộ đội biên phòng và Kiểm ngư địa phương bắt giữ, xử phạt tiền. Lý do là tàu đi sai tuyến, đánh cá sát bờ. Các loại lưới nhỏ của ngư dân nghèo đánh cá gần bờ bị miệng lưới giã cuốn sách viết đơn kêu cứu và đốc thúc lực lượng tuần tra biển ra truy đuổi, bắt giữ tàu đi sai tuyến.

Ông Lê Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phú (xã nằm ở bờ tây Cửa Đại Cổ Lũy) chia sẻ, mấy tháng trước, có ngư dân đã 80 tuổi cũng xuống tàu đi bạn cho con trai, vì bạn rời tàu bỏ trốn khi thấy thu nhập không đạt.

HÀ ANH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/gia-tu-tau-gia-cao-post231576.html