GIÁ TRỊ UY TÍN DOANH NHÂN

Giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành khiến hàng nghìn doanh nghiệp phải dừng hoạt động, hàng chục vạn người lao động phải tạm nghỉ việc, mất việc, cuộc sống khó khăn... thì khắp cả nước đã xuất hiện nhiều doanh nhân tỏ rõ tấm lòng với cộng đồng xã hội với những việc làm thiết thực, như: Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch; mở những cây ATM gạo, cung cấp khẩu trang và các suất ăn miễn phí... Không ít doanh nhân dù phải bán nhà cũng quyết không bỏ công nhân trong lúc khó khăn nhất, dốc những đồng vốn cuối cùng để hỗ trợ người lao động.

Và không chỉ trong đại dịch Covid-19, bao năm qua chúng ta vẫn thấy nhiều doanh nhân dành hàng tỷ đồng để giúp các em nhỏ được mổ tim, chữa bệnh hiểm nghèo hay có thêm cơ hội học tập; dốc tiền của ủng hộ các quỹ vì người nghèo, chăm lo người có công, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai... Có thể nói, bất cứ lúc nào đất nước gặp khó khăn, các doanh nhân càng thể hiện trách nhiệm cao với xã hội, với cộng đồng. Qua hoạn nạn càng hiểu lòng nhau. Thực tế chứng minh, những doanh nghiệp, doanh nhân càng có đạo đức, trách nhiệm với xã hội thì càng kinh doanh hiệu quả, bền vững (và ngược lại).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng hoa cho các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2016. Ảnh minh họa/vtv.vn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng hoa cho các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2016. Ảnh minh họa/vtv.vn

Trong thời đại toàn cầu hóa và bùng nổ thông tin như hiện nay thì kinh doanh có trách nhiệm càng là điều kiện tiên quyết để phát triển, bởi "tiếng thơm" hay tiếng xấu đều lan rất nhanh. Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân khi thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội cũng chính là thể hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa. Đây cũng là thước đo đánh giá uy tín, sự thành đạt của các doanh nhân, doanh nghiệp.

Vẫn biết, với các doanh nhân, lợi nhuận được đặt lên hàng đầu. Song, để có lợi nhuận bền vững thì phải giải quyết hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp, người lao động, người tiêu dùng, đất nước và cộng đồng xã hội. Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng của sản phẩm mà còn quan tâm đến cách thức tạo ra sản phẩm, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Đã có nhiều bài học cảnh tỉnh khi làn sóng tẩy chay các doanh nghiệp kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường, coi thường cộng đồng... Vì thế, trong tiến trình đổi mới và hội nhập, trách nhiệm xã hội trở thành một yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp, doanh nhân-yếu tố có vai trò quyết định đến giá trị thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp. Sẽ thật đáng tiếc nếu còn doanh nhân, doanh nghiệp nào chưa nhận thức rõ điều đó.

Có lẽ chưa bao giờ vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân được xã hội nhìn nhận, đánh giá cao như hiện nay. Đảng, Nhà nước ta đã và đang cố gắng tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Là lực lượng tiên phong trong lĩnh vực kinh tế, được xã hội tôn vinh và kỳ vọng, rất mong các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục đề cao trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng, qua đó bản thân doanh nghiệp, doanh nhân được nâng tầm, phát triển bền vững, đóng góp xứng đáng vào uy tín chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và sự phát triển của đất nước ta.

NGUYỄN HÒA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/gia-tri-uy-tin-doanh-nhan-640657