Giá trị trường tồn của một tư tưởng lớn

Tròn 75 năm trước, ngày 19-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền nam, tổ chức tại Pleiku (Gia Lai), trong đó có câu: 'Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau' (1). Đường lối cách mạng và tình cảm yêu thương ấm áp của Người đối với đồng bào các dân tộc thiểu số đã thể hiện đầy đủ trong câu viết chân tình, mộc mạc đó.

Đoàn cán bộ và nhân dân TP Pleiku (Gia Lai) bên Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại đoàn kết. Ảnh: THANH NHẬT

Đoàn cán bộ và nhân dân TP Pleiku (Gia Lai) bên Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại đoàn kết. Ảnh: THANH NHẬT

Tròn 75 năm trước, ngày 19-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền nam, tổ chức tại Pleiku (Gia Lai), trong đó có câu: “Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau” (1). Đường lối cách mạng và tình cảm yêu thương ấm áp của Người đối với đồng bào các dân tộc thiểu số đã thể hiện đầy đủ trong câu viết chân tình, mộc mạc đó.

Trong lịch sử giữ nước, các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều tương đối thống nhất trong chính sách đối với những vùng dân tộc thiểu số. Chính sách “Nhu viễn” được thực thi từ thời Lý và được các triều đại sau tiếp tục áp dụng với một vài điều chỉnh thể hiện sự đánh giá cao vai trò của các bộ tộc thiểu số trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh quốc gia. Những ưu đãi của triều đình với những vùng biên cương mới chỉ dừng ở các thủ lĩnh chứ chưa mang lại sự phát triển đời sống kinh tế hay văn hóa cho số đông đồng bào các dân tộc. Đây chính là điều khác biệt về bản chất so với chiến lược đại đoàn kết dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và lãnh đạo thực hiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Người khẳng định truyền thống đoàn kết giữa đồng bào miền núi và đồng bào miền xuôi. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập và chống kẻ thù xâm lược, miền núi là căn cứ địa cách mạng, là phên giậu chống kẻ thù, bảo vệ cách mạng. Người cũng coi việc phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa miền núi là bộ phận hợp thành quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Người nêu vấn đề: “Chúng ta phải làm cho miền núi và trung du thành một nơi giàu có về nông nghiệp để nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân, để thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà”(2). Đây là công việc to lớn và lâu dài nhưng Người tin vào khả năng vươn lên của đồng bào, tin rằng “cái gì miền xuôi làm được thì miền ngược cũng làm được”. Những nhiệm vụ cụ thể mà Người nêu lên vừa mang tính cấp thiết vừa là những vấn đề có tính chiến lược lâu dài. Đó là việc phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp, “phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng”, phát triển giao thông, xây dựng đời sống văn hóa mới, cải tạo dần những phong tục tập quán cũ lạc hậu, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, y tế... Đó không phải là những việc “làm một ngày, một buổi mà phải làm từng bước, làm bước nào chắc chắn bước ấy”.

Cũng trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền nam, Người viết: “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”. Mỗi dân tộc có phong tục, truyền thống riêng, có tâm lý, tính cách riêng, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc cũng không đồng đều nhau. Công cuộc xây dựng miền núi cần có những biện pháp, những bước đi thích hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể của từng dân tộc, trong đó phải đặc biệt chú ý tới những nét đặc thù của mỗi dân tộc. Những kế hoạch đó cần phải thiết thực. Những chủ trương chính sách phải xuất phát từ cơ sở tư tưởng tôn trọng quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn trọng và bảo vệ những giá trị văn hóa khác nhau của các dân tộc, bảo vệ sự toàn vẹn của khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Chính tư tưởng Hồ Chí Minh về các dân tộc thiểu số Việt Nam đã trở thành đường lối chiến lược cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kiên trì thực hiện đường lối đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo xây dựng thành công khối đoàn kết dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đây là nhân tố góp phần làm nên những thành công của cách mạng Việt Nam. Cùng với việc giành được độc lập dân tộc, mỗi dân tộc cũng được giải phóng, quyền bình đẳng giữa các dân tộc được khẳng định, đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế... của các dân tộc thiểu số được nâng cao từng bước, an ninh chính trị và toàn vẹn lãnh thổ được bảo đảm vững chắc. Đó là những thành tựu không thể phủ nhận của cách mạng Việt Nam trong hơn 75 năm qua.

(1) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, tập 4, tr.249.

(2) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 14, tr.293

Ngô Vương Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dan-toc-ton-giao/gia-tri-truong-ton-cua-mot-tu-tuong-lon-642717/