Giá trị thời đại từ các tác phẩm chính luận báo chí của nhà báo Hoàng Tùng

Nhà báo Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trungương, là một trong những cây bút chính luận hàng đầu trong làng báo chí cách mạngViệt Nam. Ông đã đem hết tài năng và nhiệt huyết của mình cống hiến cho sự nghiệpbáo chí cách mạng Việt Nam, biến cây bút thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởngvăn hóa của Đảng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng nước nhà.

Nhà báo Hoàng Tùng. Ảnh: TL

Nhà báo Hoàng Tùng. Ảnh: TL

Khi mới dấn thân vào nghiệp viết, ông hay viết truyền đơn; chỉ đến khi bị bắt vào nhà tù Sơn La, ông được ở gần nhiều nhà báo nổi tiếng như Trần Huy Liệu, Văn Tân, Trần Đình Long, Khuất Duy Tiến... Ông học không chỉ bằng sách vở mà còn từ chính các nhà báo đi trước, từ đồng nghiệp trong nước, nước ngoài và cả từ những nhà báo bên kia chiến tuyến như Pháp, Mỹ. Sự nghiệp báo chí của nhà báo Hoàng Tùng cho chúng ta thấy được những giá trị thời đại từ những tác phẩm báo chí chính luận của ông.

Cổ xúy tinh thần yêu nước

Những bài báo chính luận của nhà báo Hoàng Tùng trải dài từ cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống bành trướng xâm lược cho đến sự nghiệp đổi mới đất nước. Các bài viết của ông hừng hực chất lửa, đanh thép, sắc sảo, lay động lòng người bởi lập luận chặt chẽ, giàu hình ảnh, ngôn ngữ đặc sắc, có dấu ấn riêng và thực sự là những tiếng kèn xung trận bởi tính sắc bén, sinh động và kịp thời.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), tác phẩm của Hoàng Tùng chủ yếu phản ánh những tấm gương anh hùng trong chiến đấu với kẻ địch. Bài viết “Chị Cúc sống anh dũng, chết vẻ vang” (11/5 - 15/5/1953) nói về đồng chí Bùi Thị Cúc trong một lần bị địch bắt, chị đã bị địch tra tấn dã man bằng những thủ đoạn vô cùng tàn bạo.

Sử dụng vốn ngôn từ giàu hình ảnh, sử dụng biện pháp tu từ liệt kê, sử dụng những động từ mạnh để miêu tả hình ảnh chị Cúc bị bọn giặc tra tấn, nhà báo chính luận Hoàng Tùng khiến chúng ta mường tượng như đang tận mắt chứng kiến cảnh ấy: “Chúng nó xỉa dao nát người chị. Chúng nó bơm nước vào mồm chị rồi dẫm lên bụng cho nước phòi ra; chúng ném chị xuống ao ngâm rồi lại lôi lên, cắm kim vào ngực, vào đầu ngón chân ngón tay, bắt điện vào chỗ kín, rồi tra điện, dùng lửa đốt vào chỗ hiểm”. Thật là một cảnh tượng dã man và kinh hoàng! Thế nhưng, chị vẫn một lòng dũng cảm, trung thành đi theo Đảng, bảo vệ dân làng. Cho đến những giây phút cuối cùng, chị vẫn kêu gọi đồng bào đoàn kết kháng chiến.

Viết về những lần giặc tra tấn chị Cúc dã man, tác giả sử dụng những câu khẩu hiệu như: ‘’Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Những câu nói ấy càng khẳng định thêm ý chí không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược. Hoàng Tùng viết mà như kể, ngôn ngữ chân thực giàu tính biểu cảm trong từng câu văn. Qua những trang viết xúc động mà vô cùng chân thực ấy, nhà báo Hoàng Tùng đã tái hiện một thời kì kháng chiến vô cùng gian lao, vất vả nhưng cũng vô cùng anh dũng và tràn đầy lòng tự tôn dân tộc của nhân dân ta.

Đồng thời, Hoàng Tùng khẳng định ý chí, nghị lực gan dạ, quật cường của những chiến sỹ cách mạng hoạt động bí mật trong điều kiện và hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của đất nước lúc bấy giờ. Và bằng chính ngòi bút của mình, gương anh dũng của chị Cúc được truyền đi khắp mọi nơi, mọi người dân thấy được tội ác của bọn giặc Pháp, bọn Việt gian, từ đó đứng dậy đấu tranh, phong trào du kích, phong trào trong quần chúng phát triển, một phần chính nhờ vào ngòi bút của nhà báo Hoàng Tùng.

Nhà báo lão thành Hoàng Tùng trả lời phỏng vấn các nhà báo trẻ tại Thái Nguyên. Ảnh: TL

Định hướng nhân dân tin theo Đảng

Bằng bút pháp độc đáo, khúc triết, lập luận vững vàng, lời văn hào hùng, điêu luyện, các bài chính luận của Hoàng Tùng trình bày sinh động quan điểm của Đảng và Nhà nước ta cùng nhiều vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống, làm cho người đọc thấy được xu thế và triển vọng của cách mạng, tin tưởng ở Đảng, ở thắng lợi của cuộc kháng chiến và tiền đồ tươi sáng của đất nước ta.

Trong bài báo “Nữ anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên một trong số những người tiêu biểu sức quật cường của dân tộc ta”, cách sử dụng những biện pháp tu từ ẩn dụ trong câu “chị thấy ánh mặt trời đã mọc sau một đêm dài tối tăm” giúp độc giả thấy được ý nghĩa của thắng lợi cách mạng tháng Tám đối với chị Chiên. Trước Cách mạng tháng Tám, chị sống trong khổ cực, bị những kẻ bóc lột coi như thứ giẻ rách, sinh ra là để bị bóc lột, làm nô lệ. Nhưng khi Cách mạng tháng Tám diễn ra và thành công vang dội, chúng ta đã nắm về cơ bản chính quyền tại các thành phố, tỉnh thành trong cả nước, một kỷ nguyên mới được mở ra không chỉ với nhân dân cả nước nói chung và chị Chiên nói riêng như cách mà nhà báo đã viết “Cách mạng tháng Tám thành công mở ra cho dân tộc ta một giai đoạn mới; nó cũng mở ra cho chị Chiên của chúng ta những hy vọng mới”.

Qua bài viết, hình ảnh chị Chiên như đại điện cho toàn nhân dân ta, chị Chiên thoát khỏi cảnh áp bức bóc lột, nhân dân ta thoát khỏi cảnh áp bức bóc lột. Chị Chiên càng tin theo Đảng, nhân dân cũng tin theo Đảng. Với cách dùng các từ ngữ như gọi “chị Chiên”, hay “chị Chiên của chúng ta”, càng làm cho độc giả thêm cảm giác tin tưởng, gần gũi thân mật. Hơn thế nữa, qua bài viết này, tác giả còn hướng người đọc đến một tư duy nhận thức đúng về Đảng, rằng đi theo Đảng cuộc sống của chúng ta sẽ ấm no, rồi chúng ta sẽ được hưởng độc lập, tự do.

Nhà báo Hoàng Tùng (ngoài cùng bên trái) và các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, tháng 12/2000. Ảnh: TL

Lên án và đả kích quân xâm lược

Viết về kẻ địch, nhà báo chính luận Hoàng Tùng thường dùng lối văn châm biếm ý nhị, nhưng ý tứ sâu sắc lên án và đả kích quân xâm lược.

Trong bài báo “Nữ anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên một trong số những người tiêu biểu sức quật cường của dân tộc ta”, Hoàng Tùng đã lên án tội ác dã man của giặc: “Chúng đốt làng, giết dân, cướp bóc và hãm hiếp phụ nữ”; “Chúng treo chị lên xà nhà, dùng kìm rút từng miếng thịt, lấy búa đập vào khớp xương chân tay. Một bọn người lực lưỡng súng ống đầy nhà, dùng đủ mọi cực hình, kể cả những hình thức man rợ nhất, hòng áp đảo tinh thần một người con gái hơn 20 tuổi thân hình nhỏ bé... Chúng đánh chị chết đi sống lại nhiều lần...”.

Trong bài báo “Mở rộng chiến tranh là con đường chết của Mỹ” (23/03/1965), nhà báo chính luận Hoàng Tùng đã lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ. Bằng biện pháp liệt kê các con số trong bài, tác giả đã nêu rõ tội ác của giặc Mỹ: “Từ tháng tám năm ngoái đến nay, không quân Mỹ và hải quân Mỹ đã xâm phạm nước ta ba mươi lăm lần, ném bom và bắn phá mười bốn lần”.

Với biện pháp lặp cấu trúc để nhấn mạnh sự giả tạo đáng sợ của bọn chúng, Hoàng Tùng viết: “Lúc đầu, chúng nói thi hành chính sách ăn miếng trả miếng, hễ chúng bị đánh thì chúng sẽ đánh trả. Về sau, chúng lại nói cứ đánh liên tục, không kể có bị đánh hay không. Lúc đầu, chúng nói bắn phá có giới hạn, và chỉ nhắm những mục tiêu quân sự. Về sau, chúng lại nói đánh không kể nơi nào và không nhất định chỉ hạn chế ở những mục tiêu quân sự”.

Âm mưu dã man của bọn chúng với các hành động lật tẩy bộ mặt gian xảo của chúng khiến sự khinh bỉ và căm ghét của quần chúng nhân dân cũng như của tác giả dâng lên tột độ. “Kẻ cướp” là cái tên mà Hoàng Tùng nói về chúng. Quả đúng vậy, chúng có thể dùng bất kì lý lẽ nào để biện hộ cho tội ác của mình. “Dã man, nhơ bẩn nhất thế giới” - đó là những từ ngữ mạnh khi nhắc tới những kẻ cướp ấy, vậy mà bọn kẻ cướp ấy lại tự vỗ ngực khoe khoang là những kẻ văn minh nhất thế giới.

Chúng điên cuồng bắn phá miền Bắc, nhưng sau, có vẻ mọi điều đều không như chúng hy vọng. Bọn chúng đã thất bại. Đây là một cuộc chiến tranh khó khăn không có lối ra của Mỹ và trong lịch sử nước Mỹ, một nước đế quốc khổng lồ nhưng lại không thể đánh thắng nổi một dân tộc nhỏ bé.

Một góc xã Hòa Hậu (Lý Nhân) - quê hương nhà báo Hoàng Tùng hôm nay. Ảnh: Nguyễn Điền

Cổ động phong trào xây dựng đất nước

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành được thắng lợi to lớn và vang dội, đất nước ta bước vào thời kỳ độc lập và đổi mới, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến lên xây dựng đất nước. Nhiệm vụ to lớn và cao cả ấy đã được nhà báo Hoàng Tùng nói đến qua bài xã luận “Xây dựng nước ta thành một nước Xã hội Chủ nghĩa giàu mạnh” (02/9/1976). Nhà báo Hoàng Tùng đã nêu cao tinh thần dân tộc và khích lệ, cổ vũ, động viên nhân dân tham gia vào sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.

Trong tác phẩm chính luận năm 1979 “Động lực tinh thần và lợi ích vật chất”, tác giả Hoàng Tùng nhanh chóng lôi kéo người đọc bằng những câu văn giàu hình ảnh, sử dụng nhiều từ ngữ giàu hình ảnh với biện pháp ẩn dụ, ví von tàn dư và những điều bất hạnh của chế độ cũ là “những đống tro tàn”, “những gia tài xơ xác”, “những thùng rác thối tha”. Đó là những hình ảnh rất gần gũi khiến ta hiểu một cách sâu sắc và rõ ràng những gì còn lại của một thời kì tăm tối trong lịch sử dân tộc.

Hai từ “Thiên đường” tượng trưng cho một xã hội tốt đẹp và “địa ngục” tượng trưng cho xã hội tối tăm bất hạnh được đặt ngay cạnh nhau trong biện pháp đăng đối hiệu quả làm tăng tính hấp dẫn cho câu văn và lập luận phía sau bằng “sự nghiệp sáng tạo của nhiều thế hệ lao động cần cù, vất vả, chịu đựng muôn vàn thiếu thốn” chúng ta sẽ xây đựng được một xã hội tốt đẹp. Cách dùng từ giàu hình ảnh và nghệ thuật ẩn dụ đã khiến những câu văn chính luận trở nên đầy sống động.

Ngoài ra, Hoàng Tùng cũng là “nhạc trưởng” tài ba của Báo Nhân Dân trong suốt hơn 30 năm (1951 - 1982), người lĩnh xướng dàn đồng ca báo chí cách mạng nước nhà. Báo Nhân Dân với sự tiếp sức của nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng đã sôi nổi cổ vũ nhiều phong trào hành động cách mạng như Thanh niên “Ba sẵn sàng”, Phụ nữ “Ba đảm đang”, “Đại phong” trong nông nghiệp; “Duyên hải” trong công nghiệp, “Ba nhất” trong quân đội.

Ngày 20/4/2005, nhà báo Hoàng Tùng (khi ấy 85 tuổi) dự lễ khánh thành bia di tích nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh: TL

Khát vọng của nhân dân

Những tác phẩm chính luận của nhà báo Hoàng Tùng còn mang hơi thở của thời đại và giá trị thời đại qua những khát vọng của nhân dân trong thời chiến; những tâm tư, tình cảm và những băn khoăn của nhân dân trong thời bình. Các tác phẩm chính luận của ông thực sự gần gũi và dễ hiểu với nhân dân, với những ngôn từ hết sức giản dị, thẳng thắn và mộc mạc như cách nghĩ của nhân dân.

Trong những năm tháng chiến tranh, ông viết những tác phẩm thể hiện được khát vọng của nhân dân về một cuộc sống ấm no và quyền được hưởng độc lập, tự do của dân tộc như: “Cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của đồng bào ta ở miền Nam nhất định thắng lợi” (18/7/1963), “Đồng bào miền Nam nhất định thắng” (20/7/1963), “Ba năm thắng lợi oanh liệt” (20/12/1963), “Tiến lên với khí thế mới” (02/02/1965), “Ngọn lửa cách mạng” (17/01/1975), “Khí tiết cách mạng” (24/5/1974),...

Trong bài “Cách mạng và đổi mới” được Hoàng Tùng viết vào năm 1988, ông đã không ngừng suy nghĩ, tìm chân lý ở thực tiễn. Ông đặt ra một câu hỏi gay gắt: “Vì sao bước vào thời kỳ mới, sự phấn khởi cách mạng lại mất đi hoặc giảm sút khi đất nước bước vào cuộc cách mạng mới?”.

Ông cho rằng, hiểu rõ động lực, người ta sẽ thấy nguy cơ to lớn như thế nào khi để mất hoặc làm suy yếu chúng. Đây là một chân lý sơ đẳng nhưng người hiểu sai, làm sai nhiều hơn người hiểu đúng, làm đúng. Đây là lúc cho phép ông nghĩ đến con người cá nhân hài hòa trong tập thể; tập thể cũng phải vì cá nhân; đó mới là nhân văn, mới khơi dậy nguồn động lực: “Giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội là sự thống nhất giữa lý tưởng và lợi ích của cả cộng đồng và từng người”.

Và ông khẳng định, làm gì thì làm, nói gì thì nói “Điều quan trọng nhất là ngày nay nhân dân lao động phải thật sự nắm quyền cai quản đất nước, cai quản mọi hoạt động xã hội với tư cách người chủ thật sự”. Ông nhấn mạnh: “Nhân dân là đối tượng để phục vụ chứ không phải là đối tượng tuyên truyền những điều rỗng tuếch”. Ở tầm vĩ mô, ông khẳng định tư tưởng độc lập, sáng tạo mà Đảng và Bác Hồ đã chỉ ra: “Mỗi dân tộc phải xuất phát từ những đặc điểm kinh tế xã hội, lịch sử của mình, tìm ra con đường riêng đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Có thể nói, với những giá trị thời đại từ các tác phẩm chính luận của nhà báo Hoàng Tùng, ngày nay, khi đọc lại những tác phẩm của ông, chúng ta vẫn luôn cảm thấy tự hào và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc./.

Trần Thị Vân Anh

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/gia-tri-thoi-dai-tu-cac-tac-pham-chinh-luan-bao-chi-cua-nha-bao-hoang-tung-n14960.html