Giá trị lịch sử từ sự kiện Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Ngày 15/6/1957, Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh là sự kiện đặc biệt đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh. Đặc biệt ở thời điểm lịch sử và đặc biệt từ giá trị lý luận và thực tiễn về những lời căn dặn của Người.

Kỷ niệm 63 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15/6 1957 - 15/6/2020)

Bác Hồ nói chuyện tại hội nghị cán bộ nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh ngày 15/6/1957. Ảnh tư liệu

Sau chiến thắng chống thực dân Pháp xâm lược, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Hà Tĩnh đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Chủ trương đúng đắn này nhằm tạo điều kiện phát triển sức sản xuất để Hà Tĩnh góp phần vào công cuộc củng cố miền Bắc, phát triển đất nước. Tuy vậy, giống như nhiều địa phương khác, trong cách thức tiến hành, Hà Tĩnh cũng mắc phải những sai lầm, khuyết điểm.

Với phương châm trong trước ngoài sau, trên trước dưới sau, Hà Tĩnh đã nghiêm túc sửa sai. Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo dõi chặt chẽ tình hình ở Hà Tĩnh.

Ngày 15/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp về thăm Hà Tĩnh. Chuyến thăm của Người tuy chưa đầy một ngày nhưng đã để lại nhiều ấn tượng đối với Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà; là nguồn động viên to lớn, củng cố, tăng cường niềm tin của của Nhân dân đối với Đảng và Chính phủ; động viên, khích lệ kịp thời cán bộ, đảng viên, Nhân dân Hà Tĩnh vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ sửa sai; cùng nhau đoàn kết, chỉnh đốn tổ chức, ổn định tình hình và phát triển KT-XH.

Bác Hồ với thiếu niên Hà Nội năm 1956. Ảnh tư liệu

Trong chuyến thăm này, Bác đã gặp và nói chuyện với đại biểu Nhân dân, với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, bộ đội và người dân Hà Tĩnh. Với tình cảm thân ái, bao dung, Bác đã chỉ ra nhiều vấn đề sâu sắc và toàn diện.

Đó là cố gắng sửa sai “cho tốt, gọn”; phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng đội ngũ đảng viên; xây dựng khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong nội bộ Đảng, giữa Đảng với dân; phát huy tinh thần sáng tạo trong sản xuất nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; bài trừ hủ tục, những thói hư tật xấu; bảo vệ của công; ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động...

Bác còn nêu một số tấm gương điển hình của con em Hà Tĩnh trong chiến đấu, trong lao động sản xuất.

Học tập và làm theo Bác sẽ giúp con người luôn mạnh mẽ, sáng trong, tràn đầy tình yêu cuộc sống, con người, tình yêu đất nước, quê hương. Ảnh Internet

Những chỉ bảo của Bác (gồm cả khen, chê; cả biểu dương, phê bình nghiêm túc, thẳng thắn) không chỉ có giá trị thời sự ở thời điểm Người về Hà Tĩnh, mà đến nay đó vẫn là ánh sáng soi đường, chỉ lối, nhắc nhở, động viên cán bộ, đảng viên và quân dân Hà Tĩnh phát huy truyền thống, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.

Trước hết, nhận thức đúng đắn về vai trò lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ đã ra sức nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, đề cao vai trò nêu gương người đứng đầu; thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật; phòng, chống hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện tốt cần, kiệm để phát triển.

Người dân Hà Tĩnh luôn thành kính tưởng nhớ Bác Hồ, đặc biệt là vào dịp sinh nhật Người. (Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Mão ở tổ dân phố 5, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh - nhân chứng may mắn sống sót trong vụ đế quốc Mỹ thảm sát tại Trường cấp 2 Hương Phúc (Hương Khê) vào chiều 9/2/1966 khiến 33 học sinh chết, 24 em khác và thầy giáo bị thương. Bà Mão sau này được ra thủ đô gặp Bác Hồ để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ sau vụ thảm sát kinh hoàng đó).

Thực hiện lời Bác dạy: “Phải đoàn kết. Đó là cái gốc”, Đảng bộ đã tăng cường xây dựng và phát huy hiệu quả sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân do Đảng lãnh đạo. Thực hiện tốt đoàn kết “trên - dưới” trong Đảng để làm gương, đoàn kết mật thiết “trong - ngoài” giữa Đảng với dân làm cho dân tin và đi theo Đảng; thực hiện đoàn kết nội bộ Nhân dân, đoàn kết lương - giáo, quân - dân, để tạo sức mạnh ổn định và phát triển.

Đặc biệt, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác: “Đảng ta không phải là Đảng làm quan mà Đảng phải lo đời sống cho Nhân dân”, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để hoạch định chính sách phù hợp và kịp thời. Thường xuyên chăm lo phát triển kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; chăm lo đời sống văn hóa, bài trừ các hủ tục, những thói hư tật xấu. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân với quyết tâm dân có giàu thì tỉnh mới mạnh…

Thành Sen ngày càng giàu đẹp, văn minh (Ảnh: Thanh Hải).

Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập, Hà Tĩnh đang nỗ lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đảng bộ đang tiếp tục vững tay chèo lái, Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục khơi sâu nguồn sức mạnh của ý chí cần cù, sáng tạo, tinh thần đoàn kết... “Cẩm nang” cho chúng ta không phải ở đâu xa mà vẫn chính ở trong từng lời dạy của Bác, trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

63 năm trôi qua vẫn vẹn nguyên trong tâm trí mỗi người dân Hà Tĩnh hình ảnh, tình cảm và những lời dạy của Bác. Điều đó tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh biến thành ý chí, quyết tâm bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng nổi bật lên như mong ước của Người.

Phan Bá Linh

(Trường Chính trị Trần Phú)

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/xay-dung-dang/gia-tri-lich-su-tu-su-kien-bac-ho-ve-tham-ha-tinh/193744.htm