Giá trị lịch sử của Tuyên ngôn độc lập năm 1945

Sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2-9-1945, trước gần một triệu đồng bào nhân dân thủ đô Hà Nội đại diện cho hơn 20 triệu đồng bào cả nước, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á). Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 khẳng định những căn cứ pháp lý về quyền con người, quyền dân tộc của Việt Nam để từ đó khẳng định độc lập, tự do, chủ quyền quốc gia, quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc.

Đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân là mục tiêu phấn đấu, xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời được thể hiện rõ trong mọi thời điểm và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Ra đi tìm đường cứu nước, Người đến nước Pháp để đòi những quyền tự do mà chúng ta phải được hưởng. Đó cũng chính là lý do để Người bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế thứ ba: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (1). Sau đó, năm 1922, khi gặp Anbe Xarô- Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại, Nguyễn Ái Quốc cũng khẳng định nhất quán: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập” (2). Trực tiếp chủ trì Hội nghị TW 8 (5/1941), Người viết thư Kính cáo đồng bào và chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng là cao hơn hết thảy” (3).

Tháng 8 năm 1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Người khẳng định quyết tâm: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập dân tộc”.

Với Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy giành chính quyền, kết quả của quá trình đấu tranh đó được thể hiện rõ nét qua bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945: “Pháp chạy, Nhật hàng, Vua bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm…để gây dựng lên nước Việt Nam độc lập”, “đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ Cộng hòa” (4). Bởi vậy, nước Việt Nam mới-nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa hoàn toàn có quyền “tuyên bố về quyền dân tộc tự quyết, có quyền tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký ước với Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”, “các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn (Xan Phanxixcô)”, cũng như những nước khác trên thế giới “quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”, bởi , "Một dân tộc gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập" (5).
Với những khẳng định đanh thép đó, Người long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do độc lập ấy” (6). Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập và lãnh đạo luôn luôn trung thành với mục tiêu cao cả: ĐỘC LẬP - TỰ DO –HẠNH PHÚC.

Độc lập ở đây là độc lập của một quốc gia. Nghĩa là một quốc gia được gia được gọi là độc lập khi không bị sự xâm lược, đô hộ của ngoại bang, biên cương, bờ cõi được giữ vững, khẳng định được chủ quyền. Không chỉ vậy, độc lập là không bị lệ thuộc về kinh tế, chính trị, văn hóa…của bất cứ một quốc gia nào khác.

Tự do có nghĩa là con người làm chủ chính mình, không bị lệ thuộc vào bất kỳ ai, tự do sống, tự do ngôn luận, tự do lao động sản xuất...nhưng tự do không được thái quá mà tự do trong một khuôn khổ nhất định.

Hạnh phúc, tự do theo quan điểm Hồ Chí Minh là người dân phải được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do chủ nghĩa xã hội đem lại. Đời sống vật chất là trên cơ sở một nền kinh tế cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Người dân từ chỗ có ăn, có mặc, có chỗ ở đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, đời sống sung túc. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng tư tưởng của Người về mục đích đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân và an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, 06 chữ bình dị mà thiêng liêng luôn xuất hiện cùng quốc hiệu Việt Nam trong 73 năm qua, định hướng phấn đấu của dân tộc và mỗi người dân Việt Nam cho hôm nay và cho cả mai sau. Đại Tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tướng thiên tài quân sự - của Việt Nam đã viết “Tư tưởng Hồ Chí Minh là “linh hồn”, “ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam”, “lương tâm của thời đại”. Đúng vậy, đối với lịch sử Việt Nam, Tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh mà trong đó tư tưởng độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc chiếm địa vị ưu tiên, “là linh hồn”, là “ngọn cờ lãnh đạo”, là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đấu tranh cách mạng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta” (7).

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, quyền con người cũng là một trong những nội dung đặc biệt sâu sắc và có ý nghĩa vượt thời đại. Mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn ngay điều khẳng định đó trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 rằng: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được ; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" (8). Và trong "Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền" của cách mạng Pháp năm 1791 cũng viết "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi" (9). Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến khẳng định những quyền chính đáng ấy cũng hoàn toàn chính đáng đối với mọi người dân Việt Nam sống trên đất nước Việt Nam. Người nhấn mạnh, đã là quyền chính đáng thì không ai có quyền cướp đoạt nó đi, cũng như không dễ dàng cam chịu để kẻ khác cướp mất. Cho nên, mọi người dân Việt Nam sẵn sàng kề vai sát cánh hy sinh chiến đấu đến cùng để giành lại và bảo vệ những quyền chính đáng ấy. Đây là một chân lý mãi mãi sáng ngời đối với mọi quốc gia dân tộc, cũng như đối với dân tộc ta.

Với Người, quyền độc lập dân tộc là thiêng liêng, nhưng phải hướng tới quyền tự do, sung sướng, hạnh phúc cho nhân dân, cho mỗi con người. Quyền dân tộc là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; là con đường tự chủ phát triển đất nước giàu mạnh “sánh vai với các cường quốc năm châu”, tiến lên chủ nghĩa xã hội; là quyền được sống trong hòa bình, dân chủ, tự do, thân thiện và làm bạn với tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền sống không chỉ là được tồn tại, mà còn là quyền làm người. Quyền con người không chỉ là có cái ăn, cái mặc, đi lại tự do...mà còn là những giá trị cao hơn như: quyền được sống trong danh dự, con người được đối xử công bằng, có đời sống hạnh phúc. Ở Hồ Chí Minh, quyền dân tộc và quyền con người là thống nhất trong cả nhận thức và hành động, trong quan điểm, đường lối, chính sách và pháp luật mà Người mong muốn thực hiện.

Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào rằng: Tuyên ngôn Độc lập - áng hùng văn lập quốc vĩ đại - đã được cả dân tộc Việt Nam ta viết nên bằng xương máu, bằng nghị lực, quyết tâm giành lại và bảo vệ, giữ gìn cho bằng được quyền được sống, quyền tồn tại trong độc lập, tự do, bình đẳng và dân chủ, trong hòa bình hạnh phúc của cả cộng đồng dân tộc và của mỗi người dân nước Việt Nam.

Tuyên ngôn độc lập chính là sự kết tinh, thể hiện và phản ánh truyền thống hào hùng, giá trị tinh thần bền vững, bản lĩnh và phẩm giá cao đẹp của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Thực tiễn lịch sử nhân loại nhiều thế kỷ qua cũng đã cho thấy, một dân tộc không có chủ quyền thì ở đó, cũng không thể có con người tự do, dân chủ, bình đẳng, hạnh phúc.

Sợi chỉ đỏ chủ đạo xuyên suốt hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và quan niệm của Hồ Chí Minh về con người nói riêng đó là sự đấu tranh thực hiện quyền con người và giải phóng con người. Con người được sống với tất cả các quyền cơ bản của quyền con người: quyền sống, quyền được tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được tự do sáng tạo và phát triển hết khả năng của mình. Thực hiện cam kết của cả dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta có thể tin rằng, sự nghiệp xây dựng đất nước với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; chủ quyền quốc gia được vững chắc; và hội nhập quốc tế với vị thế quốc gia ngày càng cao sẽ thành công.

Nguyễn Văn Thanh

(1) -Hồ Chí Minh:Biên niên tiểu sử, NXB CTQG Hà Nội, 1993, t.1, trang 94.
(2)-T.Lan: vừa đi đường vừa kể chuyện, NXB Sự thật, Hà Nội, trang 15.
(3)-Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXB CTQG,H, 2011, trang 198.
(4,5,6,8,9)-Bản Tuyên độc lập, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB CTQG,H, 2011, trang 3, 4.
(7)-Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2006), Nghiên cứu học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB. Công an nhân dân, Hà Nội.

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gia-tri-lich-su-cua-tuyen-ngon-doc-lap-nam-1945/