Giá trị hiện tại thuần và tỷ lệ chiết khấu trong đánh giá hiệu quả đầu tư

TRẦN HỒNG NGUYÊN (Trường đại học Điện lực)

TÓM TẮT:

Trong việc đánh giá hiệu quả đầu tư, có nhiều tiêu chuẩn được sử dụng, tuy nhiên trong phạm vi bài báo này chỉ tập trung vào giới thiệu: tiêu chuẩn giá trị hiện tại thuần (NPV). Áp dụng tiêu chuẩn này để đánh giá hiệu quả đầu tư với số liệu minh họa và sự ảnh hưởng của tỷ lệ chiết khấu đối với hiệu quả đầu tư.

Từ khóa: Giá trị hiện tại thuần, tỷ lệ chiết khấu, hiệu quả đầu tư.

1. Giới thiệu tiêu chuẩn giá trị hiện tại thuần

Có nhiều tiêu chuẩn được sử dụng để đánh giá hiệu quả đầu tư, trong phạm vi bài báo này chỉ giới thiệu tiêu chuẩn giá trị hiện tại thuần để đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án.

Theo [1], giá trị hiện tại thuần của dự án là tổng của các chênh lệch giữa số tiền thu về và số tiền bỏ ra tại các thời kỳ khác nhau của dự án được quy về hiện tại thông qua tỷ lệ chiết khấu, được biểu thị ở công thức sau:

Ở đây: At: lãi hay là chênh lệch giữa số tiền thu về (Bt) và số tiền bỏ ra (Ct) ở thời kỳ t;

i: Tỷ lệ chiết khấu (discount rate) hay là tỷ lệ lãi (rate of interest) có thể kiếm được của đầu tư;

n: Số các thời kỳ tính toán.

Với dự án đầu tư, thời kỳ tính toán là năm, n là tuổi thọ tính toán của dự án.

Tỷ lệ chiết khấu i được xác định là tỷ lệ lãi phản ánh giá trị của đồng tiền theo thời gian, được dùng ở công thức trên để quy các khoản thu được và bỏ ra tại các năm khác nhau thành các giá trị tương đương về cùng một mốc thời gian (năm 0 của dự án). Về lý thuyết, tỷ lệ i phản ánh chi phí cơ hội của đồng tiền đối với một chủ đầu tư riêng biệt hoặc là nói rộng ra với một quốc gia nói riêng. Bởi vì chi phí cơ hội của đồng tiền sẽ được gắn liền với các điều kiện kinh tế đang phổ biến trong phạm vi một quốc gia nào đó như tỷ lệ lạm phát, do vậy tỷ lệ i có xu thế thay đổi đáng kể giữa các nước có điều kiện kinh tế khác nhau. Các nước đang phát triển thường sử dụng tỷ lệ i cao hơn so với ở các nước công nghiệp, nhằm phản ánh cả sự khan hiếm vốn đầu tư và lợi nhuận lớn hơn nhiều của các dự án đầu tư mới để mà cạnh tranh đối với các nguồn tài chính có hạn. Cụ thể tỷ lệ i được tính theo tỷ lệ lạm phát theo công thức sau:

(1+i) = (1+i’)(1+f) (2)

Trong đó: i’ là tỷ lệ chiết khấu thực; f là tỷ lệ lạm phát

Việc xác định i’ là không thật sự dễ dàng, tỷ lệ f thay đổi theo năm thậm chí theo quý tùy vào tình hình sản xuất và phát triển kinh tế của từng quốc gia. Do vậy, việc xác định hay lựa chọn tỷ lệ i để tính toán hiệu quả đầu tư dự án là rất quan trọng, nhằm đảm bảo đầu tư có hiệu quả thực và đáp ứng mong muốn của chủ đầu tư cũng như quốc gia.

Sử dụng tiêu chuẩn NPV để đánh giá hiệu quả đầu tư dự án có các điều kiện cụ thể sau đây:

- Nếu dự án được đánh giá có NPV>0 thì được quyết định đầu tư vì có hiệu quả;

- Nếu NPV<0 thì loại bỏ dự án vì không có hiệu quả;

- Trường hợp NPV=0 sẽ xem xét quyết định đầu tư với các dự án đem lại phúc lợi cho xã hội.

2. Áp dụng tiêu chuẩn npv tính toán minh họa với tỷ lệ chiết khấu khác nhau

Để đánh giá hiệu quả đầu tư của một dự án nào đó, khi sử dụng tiêu chuẩn NPV cần làm các việc sau:

- Xác định tuổi thọ dự án (n): tùy thuộc vào công nghệ, đặc tính kỹ thuật và thị trường tiêu thụ sản phẩm,…;

- Đánh giá dòng của các khoản thu về (Bt) và các chi ra (Ct) của dự án trong suốt thời gian khai thác dự án: tùy vào sản lượng sản phẩm, giá bán và chất lượng của sản phẩm dự án, mức độ cạnh tranh trong thị trường đối với sản phẩm dự án, khả năng quản trị dự án,…;

- Xác định tỷ lệ i để phù hợp với điều kiện kinh tế của quốc gia, đáp ứng mong muốn của chủ đầu tư về hiệu quả đầu tư dự án.

Giả sử có một dự án với chi phí đầu tư ban đầu là 400 triệu đồng, dự kiến khoản lãi thu về hàng năm khi dự án đưa vào khai thác là 110 triệu đồng/năm trong suốt tuổi thọ dự án là 10 năm. Trong phạm vi bài báo này, chỉ xem xét đến sự bất định của tỷ lệ i, cụ thể i có thể được xác định với các tình huống giả định sau:

- là 8%: tỷ lệ lãi của tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn là 7%.

- là 10%: tỷ lệ lạm phát trong nền kinh tế là 6,5% (sử dụng công thức 2 nêu trên để xác định tỷ lệ i).

- là 12%: vay vốn ngân hàng để kinh doanh.

Sử dụng công thức (1) nêu trên và số liệu về Ct và Bt ở Bảng 1, ta có kết quả tính toán NPV với 3 tình huống của tỷ lệ i ở như sau: (Bảng 1)

Theo kết quả tính toán NPV ở Bảng 1 cho thấy dự án có hiệu quả cao nhất với tình huống i là 8%, nếu i là 10% thì hiệu quả đầu tư giảm đi hơn một nửa, nhưng với i là 12% thì dự án không còn hiệu quả nữa.

3. Nhận xét

- Số liệu minh họa ở Bảng 1 cho thấy, kết quả NPV thay đổi khá nhạy theo các số liệu giả định về tỷ lệ i được xác định theo các điều kiện cụ thể của nền kinh tế và chủ đầu tư, cụ thể: i thay đổi từ 8% đến 10% và 12% thì NPV thay đổi theo chiều hướng từ lãi nhiều (39,2 triệu đồng) đến lãi ít hơn (16,99 triệu đồng) và thậm chí lỗ (3,47 triệu đồng).

- Việc xác định hay lựa chọn tỷ lệ i phù hợp cho việc đánh giá hiệu quả đầu tư dự án là không dễ dàng như đã đề cập ở trên, vì thế, xác định tỷ lệ i là rất có ý nghĩa vì lựa chọn i không hợp lý có thể cho thấy là dự án có hiệu quả đầu tư nhưng thực tế thì chưa chắc;

- Vì đầu tư mang tính rủi ro, các số liệu dự kiến dùng để đánh giá hiệu quả đầu tư dự án như Bt, Ct, i có nhiều bất định do vậy cần sử dụng các tiêu chuẩn khác như hệ số hoàn vốn nội tại, thời gian hoàn vốn, tỷ số lợi ích và chi phí để làm cơ sở cân nhắc ra quyết định đầu tư dự án.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

IAEA (1984),Technical Reports Series N0241.
Trường Đại học Điện lực (2015),Giáo trình môn học Quản lý dự án.

Evaluating the investment efficiency with the use of net present

value and discount rate

Ph.D Tran Hong Nguyen

Electric Power University

ABSTRACT:

There are some criteria which are used to evaluate the investment efficiency and this paper presents the net present value (NPV). This paper also introduces how to use this criterion to evaluate the investment efficiency with calculated figures and the impacts of the discounte rate on the investment efficiency.

Keywords: Net present value, discounte rate, investment efficiency.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2020]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/gia-tri-hien-tai-thuan-va-ty-le-chiet-khau-trong-danh-gia-hieu-qua-dau-tu-75159.htm