Giá trị đồng hồ xa xỉ vượt qua cổ phiếu

Theo một báo cáo mới, giá đồng hồ của các thương hiệu như Rolex, Patek Philippe và Audemars Piguet tăng nhanh hơn cả chỉ số chứng khoán Mỹ (S&P 500 Index).

 Đồng hồ đeo tay ngày càng được coi trọng và đầu tư. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Đồng hồ đeo tay ngày càng được coi trọng và đầu tư. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Cụ thể, báo cáo của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) và nhà buôn bán đồng hồ đã qua sử dụng WatchBox cho biết giá sản phẩm của Rolex, Patek Philippe và Audemars Piguet (AP) tăng trung bình 20% mỗi năm kể từ giữa năm 2018.

Con số này vượt xa cả chỉ số S&P 500 (chỉ số chứng khoán được dựa trên vốn hóa của 500 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ). Lý do là giá trị của những chiếc đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ.

Chỉ số S&P 500 đạt lợi nhuận trung bình hàng năm là 8% từ tháng 8/2018 đến tháng 1/2023. Trong khi đó, các mẫu đồng hồ đã qua sử dụng từ các thương hiệu hàng đầu của Thụy Sĩ phát triển với tốc độ gấp đôi.

Kết quả này còn chưa tính đến việc giá thành của một số thiết kế đã qua sử dụng như Rolex Daytona, Patek Philippe Nautilus và Audemars Piguet Royal Oaks đã giảm tới 1/3 kể từ khi thị trường đạt đỉnh vào quý đầu tiên của năm 2022, SCMP đưa tin.

Đồng hồ không còn chỉ là vật dụng xem giờ thông thường. Ảnh minh họa: Sam Lion/Pexels.

Tài sản đầu tư

Giá của nhóm đồng hồ thuộc các thương hiệu độc lập bao gồm FP Journe, H. Moser & Cie và De Bethune, đã tăng 15% so với cùng kỳ.

Báo cáo của BCG và WatchBox còn tích cực mô tả đồng hồ xa xỉ như một loại tài sản thay thế cho cổ phiếu, trái phiếu, tác phẩm nghệ thuật và rượu vang.

Tuy nhiên, nếu cân nhắc tương lai lâu dài dưới vai trò là tài sản đầu tư, cổ phiếu vượt trội hẳn so với đồng hồ.

Cụ thể, S&P 500 có tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm là 12% từ năm 2012-2022. Trong khi đó, đồng hồ Rolex, Patek và AP đạt trung bình 7%.

Đồng hồ cũ ngày càng được ưa chuộng. Ảnh minh họa: Reuters.

Thời của đồng hồ cũ

Giá đồng hồ trên thị trường thứ cấp tăng nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch. Lý do là nhiều người tiêu dùng thuộc Gen Z và thế hệ Millennial, được cho là rủng rỉnh tiền mặt và mắc kẹt ở nhà, phát hiện ra một sở thích mới đắt tiền là sưu tập đồng hồ Thụy Sĩ.

Bên cạnh đó, sự tăng giảm của giá trị tiền điện tử cũng tương quan với giá thành của đồng hồ đã qua sử dụng.

Sarah Willersdorf, giám đốc về đối tác và điều hành của BCG ở New York (Mỹ), cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Giá trị và tính minh bạch là động lực của thị trường thứ cấp. Chúng đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến khả năng chuyển đổi thành tiền của sản phẩm trên thị trường này (liquidity)”.

Bên cạnh đó, hơn 60% giao dịch đồng hồ cũ được thực hiện online. Trong khi đó, con số này đối với đồng hồ mới là 15%. Ngoài ra, dù nam giới vẫn chiếm đa số người mua, số lượng các nhà sưu tập trẻ tuổi hay thuộc nữ giới vẫn đang tăng lên nhanh chóng.

Rolex là một trong những thương hiệu chứng kiến mức tăng trưởng cao hàng năm. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Giá trị liên tục tăng

Giá trị của thị trường đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng đã tăng lên 24 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó, thị trường bán lẻ sơ cấp trị giá 55 tỷ USD.

Theo dự báo của BCG, thị trường đồng hồ cũ dự kiến sẽ tăng 9%/năm và đạt 35 tỷ USD vào năm 2026, khi giá cả tăng và nhiều người bắt đầu sưu tập đồng hồ hơn.

Thêm vào đó, LuxeConsult, công ty tư vấn và phân tích độc lập của Thụy Sĩ, gần đây dự đoán rằng doanh số bán đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng sẽ vượt qua thị trường bán lẻ sơ cấp vào năm 2033 với doanh thu chạm mức 85 tỷ USD.

Dù thường được mệnh danh là “thị trường xám” (grey market) - hoạt động trao đổi buôn bán hàng hóa một cách hợp pháp nhưng không chính thức, ngành đồng hồ xa xỉ đang dần được củng cố hơn vào tháng 12/2022. Nguyên nhân là Rolex SA, tập đoàn đồng hồ Thụy Sĩ danh tiếng, quyết định tiếp nhận đồng hồ cũ để bán lại thông qua mạng lưới đại lý ủy quyền của mình.

Tái thương mại trong ngành thời trang

Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-tri-dong-ho-xa-xi-vuot-qua-co-phieu-post1413035.html