Giá trị đích thực của tấm bằng…

Xã hội luôn công bằng trong việc đánh giá chất lượng lao động và như vậy, gián tiếp định giá lại giá trị của tấm bằng tốt nghiệp và cũng gián tiếp định giá chính trường đại học đó.

Nếu không có xếp loại bằng cấp, nhà tuyển dụng sẽ căn cứ vào đâu để tìm ra ứng viên phù hợp?

Trong tuần qua, Dự thảo Thông tư của Bộ Giáo dục về quy định những thông tin ghi trên bằng tốt nghiệp (từ cử nhân đến tiến sĩ) sẽ không ghi xếp loại (xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá hay trung bình), không phân biệt chính quy hay vừa làm vừa học, đã gây chú ý đặc biệt tới dư luận.

Nhiều ý kiến đã bình luận ủng hộ hoặc phản đối, mặc dù Dự thảo hoàn toàn phù hợp với Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2019.

Trong khi đó, câu hỏi “Giá trị đích thực của một tấm bằng” là gì, thì dường như chưa ai bàn đến. Suy cho cùng, tấm bằng là sự xác nhận việc một cá nhân đã tham gia và hoàn thành khóa học đó, của trường đại học đó. Danh giá của tấm bằng đi cùng với danh tiếng của trường đại học. Việc cấp bằng tùm lum không đảm bảo chất lượng sẽ làm tổn hại uy tín của chính trường đại học đó. Nhưng chính ngôi trường không thể thuyết phục công chúng về danh tiếng của mình, nếu như chất lượng sản phẩm mà họ làm ra không được xã hội thừa nhận. Vì vậy chỉ có thị trường, đơn vị sử dụng lao động mới là những người sử dụng và “định giá” đích thực một tấm bằng.

Khi sử dụng lao động, xã hội luôn công bằng trong việc đánh giá chất lượng lao động và như vậy, gián tiếp định giá lại giá trị của tấm bằng tốt nghiệp và cũng gián tiếp định giá chính trường đại học đó.

Hầu hết người sử dụng lao động ngày nay đều cho biết, xếp hạng học lực của một cá nhân không hoàn toàn quyết định việc người đó có được tuyển hay không. Một cá nhân cần có nhiều kỹ năng khác để chứng tỏ năng lực, chứ không chỉ bằng việc thông qua điểm số. Việc ghi hay không ghi thông tin xếp hạng bằng tốt nghiệp không ảnh hưởng tới chất lượng lao động hay sự nhầm lẫn gì của xã hội đối với trình độ, khả năng của người mang bằng. Bởi kèm theo bằng tốt nghiệp luôn có bảng điểm chi tiết hóa kết quả một ứng viên đạt được trong suốt khóa học. Chưa kể, ngay cả khi một cá nhân rất xuất sắc về điểm số, không ai dám khẳng định họ sẽ làm việc xuất sắc tương tự.

Năng lực cá nhân khi làm việc là sự kết hợp tổng hợp của nhiều kỹ năng, bao gồm cả kỹ năng cá nhân và kỹ năng tổ chức, làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp với xung quanh... là những kỹ năng mà mỗi cá nhân phải học tập suốt đời. Những kỹ năng đó thường không có điểm số được ghi vào bằng hay bảng điểm.

Nếu không có xếp loại bằng cấp, nhà tuyển dụng sẽ căn cứ vào đâu để tìm ra ứng viên phù hợp? Xin thưa, thông qua các cuộc sát hạch, phỏng vấn trực tiếp, và cũng dựa trên danh tiếng của trường đại học – một thứ giá trị vô hình mà ứng viên mang theo trong tấm bằng tốt nghiệp của họ, bên cạnh các kỹ năng khác...

Nhìn nhận những giá trị đó, hơn 60 năm đào tạo Học viện Ngoại giao có lẽ là trường đại học khắt khe bậc nhất trong nước về việc cấp bằng tốt nghiệp. Mang theo một tấm bằng tốt nghiệp là cả một hành trình rất gian khổ của sinh viên, nên gần như không thấy sinh viên Học viện Ngoại giao quan tâm nhiều lắm đến việc có hay không ghi xếp hạng trên bằng tốt nghiệp. Đối với họ, tốt nghiệp Học viện Ngoại giao là một niềm vinh hạnh, có cả vinh quang và khổ ải “trần ai” của những ngày thi với “cái chết không báo trước”. Nên cuối năm rồi, chỉ thấy sinh viên năm thứ 4 lao vào học và nghĩ xem làm gì khi sắp bị đẩy ra trường rồi...

Lý Yến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-tri-dich-thuc-cua-tam-bang-102534.html