Giá trị của Văn Lâm

Nuối tiếc là rất lớn khi không một CLB V.League nào được góp mặt trong thương vụ Văn Lâm tới Osaka, vụ chuyển nhượng sẽ đánh dấu bước tiến mới của bóng đá Việt Nam.

Hơn 10 ngày đã qua kể từ khi thương vụ Văn Lâm và Cerezo Osaka được công bố. CLB Muangthong và người đại diện Andrey Grushin càng ồn ào, thì tiếng vang của thương vụ càng lớn hơn. Đôi bên càng quyết tâm tranh giành thì giá trị của Văn Lâm càng được khẳng định.

Giá trị của Văn Lâm

Thương vụ Văn Lâm tới Cerezo Osaka không phải vụ chuyển nhượng ồn ào, tốn nhiều giấy mực đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Trước đó, V.League từng chứng kiến những thương vụ phức tạp không kém mà điển hình là vụ Lê Công Vinh “bẻ kèo” gia nhập Hà Nội ACB. Nhưng vụ Văn Lâm khác tất cả. Đây có lẽ là lần đầu tiên, một tuyển thủ Việt Nam được tranh chấp bởi hai đối tác nước ngoài.

Mấu chốt của thương vụ nằm ở quyền sở hữu và đàm phán với Cerezo Osaka. Người đại diện Andrey Grushin khẳng định Văn Lâm đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với Muangthong và do đó, họ có toàn quyền đàm phán với Osaka hay bất kỳ đối tác nào khác. Ngược lại, Muangthong cho rằng phía Văn Lâm phá luật, anh vẫn là người của CLB và vì thế, họ muốn có quyền đàm phán với Osaka. Căng thẳng lớn đến mức đôi bên đòi lôi nhau lên Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA).

Hai bên phải căng thẳng với nhau như thế vì giá trị hiện tại của Văn Lâm là rất lớn. Tuyển thủ Việt Nam gia nhập Muangthong đầu năm 2019 với phí chuyển nhượng hơn 500.000 USD, nhận lương hơn 10.000 USD mỗi tháng. Giá trị của anh chắc chắn đã tăng lên rất nhiều sau hai mùa giải thành công trên đất thái Lan.

Văn Lâm là thủ môn hay nhất Đông Nam Á, còn Kawin Thamsatchana đã 2 năm không thi đấu, thậm chí có thể là 3 năm.

Người đại diện Văn Lâm, Andrey Grushin

Giá trị của tuyển thủ Việt Nam càng được chứng minh khi Cerezo Osaka không phải CLB duy nhất muốn có anh. Hai đội bóng khác là Dynamo Moscow (Nga) cùng Sporting Braga (Bồ Đào Nha) cũng đã xác nhận. Từng ấy CLB vào cuộc đủ khiến Muangthong và Grushin phải nghiêm túc trong cuộc chiến pháp lý. Muangthong vốn quá hiểu các vụ chuyển nhượng giữa Thái Lan, Nhật Bản, từng có kinh nghiệm qua nhiều thương vụ của Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan hay Teerasil Dangda.

Grushin cũng là một người đại diện nhiều kinh nghiệm, có chứng nhận FIFA. Công ty Young Football Talents của ông đã thực hiện nhiều thương vụ ở châu Á, châu Âu và Mỹ. Hợp đồng của Văn Lâm và Muangthong năm 2019 không phải thương vụ duy nhất của ông tại Thái Lan.

So với những hợp đồng cho mượn của Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Công Phượng hay Lương Xuân Trường, các thương vụ của Văn Lâm đều theo hình thức “mua đứt”. Giá trị hợp đồng của Văn Lâm lớn hơn, thời gian hợp đồng được công khai, mức lương, thưởng đều cao hơn, nghĩa là mang tính “làm ăn” sòng phẳng, mang tới quyền lợi kinh tế thực sự chứ không còn là dạng hợp đồng cho mượn đẹp lòng cả đôi bên.

Điều đó cho thấy Văn Lâm không chỉ là cầu thủ Việt Nam giá trị nhất hiện tại. Anh còn là người đang tiến xa nhất trên con đường xuất ngoại, đang trải nghiệm những điều chưa cầu thủ Việt Nam nào từng biết tới trước đó.

 Văn Lâm chứng minh năng lực bằng hai năm bắt chính tại Thái Lan. Ảnh: Quang Thịnh.

Văn Lâm chứng minh năng lực bằng hai năm bắt chính tại Thái Lan. Ảnh: Quang Thịnh.

Nuối tiếc

Theo tìm hiểu của Zing, Cerezo Osaka đã gửi các giấy tờ để hỗ trợ Văn Lâm sớm hoàn thiện thủ tục visa đi Nhật Bản. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thủ môn tuyển Việt Nam chưa thể lên đường sang Nhật Bản, hoàn tất những thủ tục cuối cùng của hợp đồng. Đó là bản hợp đồng sẽ khiến anh trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử chơi bóng ở hạng đấu cao nhất Nhật Bản, giải đấu số một châu Á, nơi có trình độ gần nhất với bóng đá châu Âu.

Đấy vừa là niềm tự hào, nhưng cũng mang tới niềm tiếc nuối cho bóng đá Việt Nam.

Tiếc nuối bởi Văn Lâm mang quốc tịch Việt Nam nhưng không lớn lên từ hệ thống đào tạo trẻ của Việt Nam. Những nền tảng cơ bản của anh không được tạo nên bởi HAGL hay PVF. Tác phong sinh hoạt, sự chuyên nghiệp của anh đều là sản phẩm của bóng đá Nga. V.League với Lâm cũng chỉ là một giải đấu “ngoại”, là nấc thang kế tiếp, chứ không phải môi trường khởi nghiệp.

Tranh chấp hợp đồng giữa Văn Lâm và Osaka là câu chuyện của CLB Thái Lan và công ty quản lý từ Nga. Không có CLB Việt Nam nào, không có người đại diện Việt Nam nào xuất hiện trong thương vụ này. Điều thú vị là cả Muangthong và Grushin đều không ở bên Văn Lâm ngay từ đầu. Muangthong chỉ sở hữu Văn Lâm từ năm 2019. Grushin tới trước đó không lâu, chỉ trở thành người đại diện của Văn Lâm khi thủ môn này đặt tham vọng xuất ngoại, khi anh cảm thấy mình thực sự cần một người đại diện có thể vươn tầm quốc tế.

Văn Lâm là người Việt Nam duy nhất góp mặt trong thương vụ giữa Muangthong, Osaka và công ty của Grushin.

Điều đó nghĩa là các CLB Việt Nam sẽ không được nhận một đồng nào, không thu được lợi ích kinh tế gì. Nếu Văn Lâm tiếp tục thi đấu ở nước ngoài tới khi giải nghệ, kinh nghiệm của anh sẽ không được truyền về với cầu thủ Việt Nam, như cái cách mà Dangda hay Thitiphan Puangjan (tuyển thủ Thái Lan, chơi cho Oita Trinita hồi 2019) đang truyền lửa cho đàn em tại Thai League.

Hơn một thập niên đã qua từ cuộc cách mạng bóng đá trẻ ở Việt Nam, hàng loạt lò đào tạo đã ra đời, tuyển Việt Nam đã vô địch 2 kỳ AFF Cup, nhiều cầu thủ Việt Nam bước đầu tiến ra thế giới. Nhưng trong thương vụ lớn nhất đã ở rất gần, có quá ít dấu vết Việt Nam hiện diện.

Nói Văn Lâm vừa khiến chúng ta tự hào, vừa làm chúng ta nuối tiếc là vì thế.

HLV đội Sài Gòn giải thích việc không mua Văn Lâm HLV Vũ Tiến Thành đề cao việc Đặng Văn Lâm ký hợp đồng với Cerezo Osaka. Sau đó, ông phủ nhận CLB Sài Gòn muốn chiêu mộ thủ thành Việt kiều.

Phương Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-tri-cua-van-lam-post1175323.html