Giá trị chữ ơn trong văn hóa phương Nam

Sáng 21-10, tại sân Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) đã diễn ra buổi sinh hoạt dưới cờ với chủ đề 'Giá trị chữ ơn trong văn hóa phương Nam'.

Chương trình do học sinh của trường và thực hiện.

Thầy cô và các em học sinh chăm chú theo dõi thuyết trình của diễn giả. Ảnh: NGỌC DU PHẠM

Thầy cô và các em học sinh chăm chú theo dõi thuyết trình của diễn giả. Ảnh: NGỌC DU PHẠM

Chữ ơn trong trong gia đình, nhà trường, xã hội

Tại buổi sinh hoạt, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang đã trình bày khái quát về chữ ơn trong mối quan hệ giữa con người với quê hương đất nước, gia đình, nhà trường, xóm giềng, bè bạn. Diễn giả khẳng định rằng chữ ơn không thể tính sòng phẳng theo giá trị kim tiền mà thuộc về giá trị tinh thần, vì thế người ban ơn sẵn sàng “thi ân bất cầu báo” và người thọ ơn cũng thấy trách nhiệm của mình để sống xứng đáng hơn.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang nói về giá trị chữ ơn của Nam bộ ẩn trong vành nón lá, kỷ trà, chén đĩa xưa. Ảnh: NGỌC DU PHẠM

“Các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc, họ không nghĩ đến việc tên của mình được khắc trên bia đá; mẹ cha mang nặng đẻ đau sinh con và giáo dưỡng biết bao năm tháng, họ cũng không mong sau này được con nuôi lại; thầy cô thức khuya dậy sớm chăm lo tận tụy cho việc dạy học trò nên người, họ cũng không nghĩ đến việc học trò sẽ đền đáp công ơn.

Nhưng là một công dân Việt Nam phải biết yêu nước thương nòi để không phụ lòng tổ tiên, phải hiếu kính với ông bà cha mẹ và lễ phép kính trọng cô thầy, ra sức học tập, xây dựng lý tưởng sống cao đẹp, tạo sự vẻ vang cho gia đình và quê hương, đó chính là sự đền ơn đúng nghĩa. Không có món quà nào dành cho ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 bằng chính thành quả học tập và hạnh kiểm tốt của các em. Đó cũng là phần quà báo hiếu của người con đối với công lao dưỡng dục của mẹ cha” - diễn giả Hồ Nhựt Quang khẳng định.

Ngoài ra, các em học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân còn được tìm hiểu về văn hóa tri ân của người Nam bộ xưa qua các tranh thờ Cửu Huyền Thất Tổ, tục xá đũa cảm ơn trước và sau bữa cơm, ý nghĩa kỷ trà xưa, tục dán giấy đỏ dưới gốc cây cổ thụ và miệng giếng trong dịp Tết nguyên đán để nhắc tinh thần “cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ tiên”.

Đối với những tấm gương hiếu nghĩa xưa, các em được nghe kể về người học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm thọ tang thầy ba năm, Nguyễn Đình Chiểu xin di mộ thầy Võ Trường Toản rời khỏi vùng quản lý của giặc Pháp vào năm 1862.

Sân khấu hóa tôn vinh các bậc thầy

Bằng phương pháp trực quan sinh động, thầy cô và các em học sinh được xem chương trình sân khấu hóa tôn vinh các bậc thầy có công truyền bá văn hóa và ngôn ngữ như thầy Đông Hồ, tri ân công khai khẩn đất đai, đào kinh Vĩnh Tế của đức Thoại Ngọc Hầu. Đặc biệt các em còn được hóa thân vào nhân vật lịch sử trong tiết mục cải lương bi hùng Khí tiết Bùi Thị Xuân (tác giả Hồ Nhựt Quang) để thấy được nhân vật Tây Sơn ngũ phụng thư hào hùng anh kiệt đến giây phút sau cùng mà vinh dự thay trường của các em được mang tên.

Các em học sinh tham gia trình diễn tiết mục Khí tiết Bùi Thị Xuân cùng các nghệ sĩ Diệu Thanh, Minh Hòa. Ảnh: NGỌC DU PHẠM

Nghệ sĩ Minh Hòa – thành viên của cho biết: “Các em rất bận cho việc học thi giữa kỳ nên phải đợi các em thi xong thì tôi mới dám qua trường hướng dẫn các em học vũ đạo cho vở diễn này. Nhưng điều đáng khen các em là chỉ học đúng hai buổi thôi mà khi ra diễn, các em làm rất chuẩn. Nhờ có sự phụ diễn của các em mà nhân vật chính là nghệ sĩ Diệu Thanh vai nữ tướng Bùi Thị Xuân và tôi vai vua Gia Long đã có thêm nhiều động lực, dễ nắm bắt ăn ý để diễn tác phẩm thành công hơn mong đợi”.

Chụp ảnh giao lưu giữa CLB và BGH Trường THPT Bùi Thị Xuân. Ảnh: NGỌC DU PHẠM

Thầy Nguyễn Duy Tâm – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ đây là lần đầu tiên chương trình vinh danh văn hóa Nam bộ được tổ chức tại trường, đã đem lại sự hứng thú tuyệt vời cho cả thầy cô và các em học sinh. “Chương trình mang đến thật nhiều kiến thức về phong tục tập quán, lễ nghĩa xưa và nay, giúp học sinh biết thêm về âm nhạc truyền thống, ngữ khí trong biểu diễn, sân khấu hóa văn học và lịch sử như thế này thì hấp dẫn vô cùng. Đã có nhiều thầy cô và học sinh quan tâm muốn được tham dự nhiều nữa những chương trình như thế này, mong sao chương trình ngày càng được lan tỏa tích cực hơn nữa” – thầy Tâm nhấn mạnh.

NG.BÍCH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thi-truong-tieu-dung/gia-tri-chu-on-trong-van-hoa-phuong-nam-865620.html