Giá trị bảo tàng lịch sử ở một ngôi chùa cũ

Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên nằm cuối tuyến đường bộ Quốc lộ 80 tại xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Trước đây, cửa khẩu này được gọi cùng tên với ấp Xà Xía giáp biên và trong vòng bán kính 1km từ cửa khẩu, một ngôi chùa Khmer cũng được mang tên này.

Bức tượng Phật còn lại trong ngôi chùa Xà Xía cũ vẫn được gìn giữ, chiêm bái. Ảnh: TTH

Bức tượng Phật còn lại trong ngôi chùa Xà Xía cũ vẫn được gìn giữ, chiêm bái. Ảnh: TTH

Đặc biệt ở chỗ, mặc dù hiện tại Phật tử trong vùng vẫn lưu luyến với ngôi chùa cổ, nhưng chùa Xà Xía cũ đã trở thành Di tích chứng tích chiến tranh, một phần không thể thiếu trong lịch sử vùng đất biên thùy cuối trời Tây Nam.

Khu Di tích chứng tích chiến tranh chùa Xà Xía được cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 2003. Từ đó, cộng đồng Phật tử, chính quyền địa phương và các mạnh thường quân khắp nơi đã quyên góp để xây dựng một ngôi chùa mới cách đó không xa, với kiến trúc tương đồng với ngôi chùa cũ trên phần đất rộng rãi hơn.

Thế nhưng, vào các ngày lễ lớn, Phật tử trong vùng vẫn ghé lại ngôi chùa cũ. Nhất là những người con xa quê, người dân từng sinh ra và lớn lên trên vùng đất này, hiểu rõ lịch sử của Hà Tiên khi về lại quê nhà đều ghé đến ngôi chùa cũ. Dường như, có một sức hút từ sâu trong tiềm thức, đó vẫn là nơi chứng kiến nỗi đau thương và sức bật kiên cường của đất và người là nơi gửi gắm tâm niệm về 2 tiếng quê hương, mặc dù giờ đây chỉ còn là phế tích.

Cách con lộ lớn chỉ một đoạn đường qua cánh đồng rất ngắn, chùa Xà Xía cũ nằm trên một mỏm đất hình mu rùa hơi cao hơn so với khu vực xung quanh, thường gọi là đồi Bà Lý. Phần lớn các ngôi chùa Khmer đều được chọn xây dựng trên các giồng đất cao để tránh mùa lũ ngập.

Với người Khmer, chỗ đất tốt nhất dành cho việc xây chùa, sau mới tính tới việc xây nhà. Chính vì vậy, đa số các vụ thảm sát dân thường trong chiến tranh đều diễn ra ở các ngôi chùa. Khi bọn phản động Pol Pot - Ieng Sary từ bên kia biên giới ùa sang vào làng, dân chỉ biết chạy lên chùa cầu nguyện. Những ngôi chùa ở đó, chứng kiến cuộc sống và cái chết của biết bao người.

Ngoài phế tích khung xương của ngôi chùa cổ trơ ra toàn vết đạn thủng lỗ chỗ, xung quanh di tích là cảnh hoang tàn, cỏ mọc um tùm. Một hồ nước ăm ắp nước của cánh đồng lúa cạnh đó dồn lại. Những cây hoa sala, còn gọi là cây ngọc kỳ lân to lớn rủ bóng xuống phế tích và đơm hoa thơm rất nhiều.

Bên ngoài cổng chùa còn có một ngôi tháp gạch nung cũ kỹ. Thân tháp bị một cây bồ đề leo phủ lên kín mít huyền bí linh thiêng. Khắp di tích là những chỗ bỏ hoang và cây lớn leo lên tháp gạch, đá, bê tông cũ gợi lên vẻ tiêu điều của vùng xa biên ải. Tuy vậy, ở chính giữa cấu trúc ngôi chùa còn lại, người dân vẫn để lại một bức tượng Phật và thường lui tới chiêm bái, dâng hương và những vòng hoa thơm kết lại mỗi khi đến dịp lễ, Tết.

Di tích chứng tích chiến tranh chùa Xà Xía là nơi ghi lại tội ác của Khmer Đỏ và trận chiến chống đỡ oanh liệt trên đồi Bà Lý của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Một ngày tháng 4 năm 1978, Trung đoàn 18 hành quân tới Xà Xía thì thị xã đã bị giặc tràn sang đốt phá, chiếm giữ chùa Xà Xía, tàn sát dân lành.

Các chiến sĩ ta đã đào hầm hào, công sự để tiếp cận ngôi chùa, lúc đó đã trở thành cứ điểm quân sự, đánh bật địch về phía bên kia biên giới. Kiên cường và bền bỉ, những người lính Trung đoàn 18 lớp này ngã xuống, lớp khác tiến lên đã chiếm lại được chùa Xà Xía, đồng nghĩa với việc làm chủ trận địa, kiểm soát vùng biên giới Hà Tiên.

Ý chí dũng cảm của những người lính ngày ấy không chỉ làm địch phải khiếp sợ mà còn khiến chúng vị nể vì sức chịu đựng nằm gai nếm mật, lội sình, muỗi đốt, quần thảo ngày đêm trên chiến hào dày đặc công sự để giữ từng tấc đất biên cương.

Vì vậy, chùa Xà Xía không chỉ đẫm máu dân lành, mà còn thấm máu đào chiến sĩ, hàng trăm ngày đêm lịch sử giữ đất biên giới Tây Nam đã diễn ra ở chính ngôi chùa này. Đặc biệt là không chỉ tồn tại như một bảo tàng sống động chứng tích chiến tranh, chùa Xà Xía cũ còn là chiến địa thực hành chiến lược quân sự giao thông hào liên hoàn của QĐND Việt Nam.

Vết đạn pháo lỗ chỗ xuyên thủng cả tường, vỡ mái, nát khoảng sân chùa. Riêng các ngôi tháp, trong đó có chứa di cốt của các vị sư trụ trì thì vẫn còn nguyên. Và lạ kỳ thay, đã hơn 40 năm trôi qua, chiếc hồ chứa nước ngọt phía sân trước của chùa vẫn đầy nước bốn mùa. Người dân nói hồ nước này đã cứu sống bao người dân trong vùng và càng tin Đức Phật che chở cho họ, giữ nguồn sống cho cả vùng biên giới Tây Nam. Xung quanh di tích được cắm biển cảnh báo công trình đổ nát có thể gây nguy hiểm cấm lại gần, nhưng những bậc thềm vẫn mòn bước chân... Quá khứ quả thật không dễ quên với mỗi người, mỗi vùng đất.

Hiện nay, ngôi chùa vẫn là nơi chốn đi về của các cựu chiến binh Trung đoàn 18, những người muốn tìm hiểu lịch sử vùng đất Tây Nam bộ và người dân trong vùng. Ngay bên cặp cửa khẩu Xà Xía (Việt Nam) - Pert Chak (Campuchia) ngày nay là cuộc sống thanh bình, thân thiện của người dân hai quốc gia. Cặp cửa khẩu này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng hai bên biên giới Kiên Giang của Việt Nam và Campot của Campuchia thành nơi giao thương du lịch, văn hóa thương mại - dịch vụ và phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Ở giữa vùng đất đang phát triển từng ngày, Di tích chứng tích chiến tranh chùa Xà Xía là nơi nhắc nhở nhiều thế hệ về giá trị của hòa bình, thịnh vượng và xây dựng tình hữu nghị giữa các quốc gia láng giềng.

Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gia-tri-bao-tang-lich-su-o-mot-ngoi-chua-cu-post436419.html