Giá tôm trong nước tăng cao, xuất khẩu lại gặp khó

Giá tôm ở thị trường nước ngoài đang thấp vì Ấn Độ và Ecuador bán tháo, trong khi đó giá tôm trong nước lại tăng cao nhưng nông dân khó nuôi.

Hai tuần qua, giá tôm thẻ và tôm sú tăng mạnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều người nuôi tôm sau khi thu hoạch vụ đầu năm đã tất bật cải tạo, vệ sinh ao để thả giống sớm.

Ông Lưu Trường Giang, đại diện kinh doanh của Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát (huyện Trần Đề, Sóc Trăng), cho biết giá tôm thẻ loại 20 con/kg đã trở lại mốc cao như cuối năm 2021 là 230.000 đồng. Tôm loại 25 con/kg giá 183.000 đồng, 80 con/kg 115.000 đồng, 100 con/kg giá 99.000 đồng.

 Thu hoạch tôm thẻ ở miền Tây. Ảnh: Việt Tường.

Thu hoạch tôm thẻ ở miền Tây. Ảnh: Việt Tường.

Ngày 25/7, đơn vị của anh Giang cho nhân viên kéo 15 tấn tôm thẻ nuôi trong 2 ao tại huyện Trần Đề và Cù Lao Dung. Hai ao này tôm loại 70-90 con/kg, người nuôi lãi khoảng 300 triệu đồng mỗi ao.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, giá 230.000 đồng/kg là tôm thẻ loại A5, còn loại A1 lên đến 243.000 đồng, tăng 12.000 đồng so với cùng kỳ năm 2021. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 56.264 ha tôm được thả nuôi, đạt 75% so với kế hoạch và bằng 123% so với cùng kỳ; ước sản lượng thu hoạch hơn 89.102 tấn.

Ngành thủy sản tỉnh Sóc Trăng cũng xác định tôm thiệt hại lũy kế từ đầu năm đến nay hơn 2.023 ha, chiếm 4,7% diện tích thả và cao gần 147 ha so với cùng kỳ.

Trao đổi với Zing, ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), nói rằng ngành tôm năm nay có nhiều khó khăn do giá nguyên liệu trong nước tăng cao nhưng thị trường nước ngoài rất yếu. Nguyên nhân do Trung Quốc đóng cửa để phòng dịch Covid-19 nên Ecuador và Ấn độ đã bán tháo tôm qua thị trường Mỹ, Canada, Nhật, châu Âu….

“Trung Quốc đã cho nhập tôm lại rồi nhưng tôm Ấn Độ, Ecuador còn ứ đọng ở các thị trường khác nên tình hình năm nay khá xấu. Các doanh nghiệp phải chịu khó vì giá nguyên liệu trong nước cao. Năm nay tôm thất mùa, không bằng mấy năm trước nên nuôi truyền thống đang giảm, còn ao bạt thì nông dân không có vốn mạnh”, ông Phẩm chia sẻ.

Theo lãnh đạo Stapimex, chính sách tín dụng của một số ngân hàng chưa được tốt đối với lĩnh vực nuôi tôm nên người nuôi truyền thống nghỉ nhiều, muốn chuyển qua nuôi ao bạt lại thiếu vốn.

Việt Tường

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-tom-trong-nuoc-tang-cao-xuat-khau-lai-gap-kho-post1339044.html