Giá tôm tăng, điểm sáng cuối năm

Sau một thời gian dài rớt giá, tuần qua giá tôm nguyên liệu bắt đầu tăng trở lại. Người nuôi tôm vùng ĐBSCL phấn khởi vì trúng mùa, được giá.

 Người nuôi tôm phấn khởi vì giá tôm nguyên liệu tăng trở lại. Ảnh: Trọng Linh.

Người nuôi tôm phấn khởi vì giá tôm nguyên liệu tăng trở lại. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Trương Công Việt, ấp Long Hải, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu) phấn khởi cho biết: Từ tháng 3 đến gần cuối tháng 8 giá tôm luôn ở mức thấp. Mấy ngày nay tôm bắt đầu tăng trở lại, mỗi ngày ông kéo khoảng 20 kg tôm loại 100 con/kg, bán được 1,4 triệu đồng. “Với 10.000m2 đất lúa tôm, gia đình tôi thả nuôi 96 ngàn con tôm giống, giá tôm tăng trở lại nên thời gian tới tôi sẽ thả thêm 30.000 con tôm sú”, ông Việt nói.

Anh Nguyễn Văn Linh, ở thị trấn Phước Long, cho biết: Tôm nuôi đã bắt đầu vào vụ 3 hơn nửa tháng nay. Với gần 15.000m2 anh Linh thả nuôi hơn 100 ngàn con tôm giống. Cùng với diện tích trên, vụ trước tôi thả nuôi hơn 30.000 con tôm sú sau hơn 3 tháng nuôi tôm đạt trọng lượng khoảng 40 con/kg. Tôm sú bán với giá 140.000 đồng/kg (loại 40 con/kg), mỗi ngày bán được khoảng 10 kg cũng kiếm được 1,4 triệu đồng. Mỗi tháng anh Linh thường thả xen kẽ lấp vụ một lần, tháng sau anh sẽ tiếp tục thả nuôi thêm khoảng 15 ngàn con tôm sú.

Ông Tô Quốc Thắng, thương lái thu mua tôm tại khu vực huyện Phước Long (Bạc Liêu) cho biết: Mấy ngày qua tôm bắt đầu tăng giá trở lại, hiện nay tôm thẻ loại 100 con/kg có giá 70.000 đồng. Loại 40 con/kg có giá 110.000 đồng. Loại 30 con/kg giá 115.000 đồng/kg. Loại 20 con/kg giá 140.000 đồng, tăng trung bình trên 10.000 đồng/kg.

Ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phước Long, cho biết: So với huyện Hồng Dân thì Phước Long thả sớm hơn, tôm nuôi trên địa bàn huyện đã bắt đầu vào vụ 3. Toàn huyện có tổng diện tích trên 14.600 ha, đến nay đã thả được 7.100 ha tôm càng xanh trên đất lúa - tôm. Diện tích còn lại trên 7.500 ha sẽ tiếp tục thả nuôi tôm thẻ và tôm sú trên đất lúa - tôm và một phần đất chuyên tôm.

Theo các ngành chức năng thời gian gần đây thời tiết thuận lợi, nên tôm nuôi phát triển tốt. Ảnh: Trọng Linh.

Giá tôm thời gian qua bắt đầu tăng trở lại, nông dân phấn khởi tiếp tục cải tạo ao, mở rộng diện tích nuôi. Cụ thể, tôm sú 30 con/kg có giá khoảng 200 ngàn đồng, tôm thẻ 30 con/kg khoảng 160 ngàn đồng. Ngoài ra, thời tiết cũng đang rất thuận lợi cho việc thả nuôi tôm, đặc biệt từ khi cống âu thuyền Ninh Quới được vận hành đã điều tiết được mặn ngọt. Độ mặn ở thời điểm hiện tại dưới 10/%o rất thích hợp cho tôm nuôi phát triển, đặc biệt là tôm càng xanh (tôm càng xanh thích hợp ở độ mặn từ 5 -10%o)”, ông Hiền cho biết.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), vụ tôm năm nay năng suất cao hơn so với mấy năm trước đây. Nguyên nhân là do điều tiết được mặn. Hiện nay, các xã giáp huyện Phước Long có độ mặn khoảng 20%o, còn khu vực tại Vĩnh Lộc còn khoảng dưới 10%o, độ mặn vừa đủ để nuôi tôm.

Toàn huyện Hồng Dân có khoảng 25.500 ha nuôi tôm, trong đó diện tích tôm - lúa chiếm khoảng 23.000 ha, còn lại 2.500 ha là chuyên tôm. Chính vụ bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 5. Vụ 2 bắt đầu 6 đến tháng 9. Huyện Hồng Dân nuôi tôm sú và tôm càng xanh là chính.

Huyện Hồng Dân đang bắt đầu thu hoạch vụ 2, giá tôm liên tục tăng nông dân vui mừng phấn khởi, vừa trúng mùa lại được giá.

Tôm nguyên liệu tăng giá, thương lái thu mua tấp nập trở lại. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Tỉnh xác định ngoài cây lúa, nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực có dư địa phát triển bền vững, góp phần quan trọng phát triển kinh tế địa phương. Theo đó, tỉnh Bạc Liêu đang rất nỗ lực xây dựng trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao và là thủ phủ ngành tôm cả nước.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt trên 163.800 tấn. Diện tích nuôi trồng của tỉnh hơn 131.000 ha, trong đó nuôi tôm hơn 123.000 ha.

Hiện Bạc Liêu có 13 doanh nghiệp đầu tư vào nuôi tôm công nghệ cao và nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh theo hướng VietGAP. Nhiều mô hình nuôi tôm tiên tiến sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh.

Tại Cà Mau, tôm sú loại 20 con/kg có giá 195.000 đồng; loại 30 con/kg giá 165.000 đồng; loại 40 con/kg giá 145.000 đồng. So với thời điểm đầu tháng 8 tôm sú tăng 10 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, tôm thẻ loại 100 con/kg, có giá 83.000 đồng; loại 70 con/kg giá 97.000 đồng; 60 con/kg giá 105.000 đồng; 50 con/kg giá 115.000 đồng; 40 con/kg giá 130.000 đồng/kg; 30 con/kg giá 150.000 đồng.

Theo nhận định, giá tôm nguyên liệu từ nay đến cuối năm giá tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng mạnh. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Nguyễn Trúc Giang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cái Nước (Cà Mau), cho biết: Đây là thời điểm chính vụ tôm, thời tiết trong thời gian qua rất thuận lợi, nhờ vậy tôm nuôi phát triển rất tốt. Giá tôm tăng đang là tín hiệu vui.

Trước tình hình trên, ông Giang khuyến cáo người nuôi nên chọn đúng thời điểm thả tôm giống. Ngoài ra, chọn nuôi cỡ phù hợp với nhu cầu thực tế.

Tại Kiên Giang, diện tích thả nuôi tôm 128.475 ha/130.700 ha, đạt 98,30% kế hoạch, tăng 2,24% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp 2.940 ha (có 2.902 ha tôm thẻ chân trắng); nuôi tôm quảng canh cải tiến 27.814 ha và nuôi tôm - lúa 97.721 ha. Ước tính sản lượng thu hoạch đến nay đạt 66.570 tấn.

Trong đó, sản lượng tôm thẻ chân trắng 21.686 tấn, đạt 78,32 kế hoạch và tăng 11,95% so cùng kỳ.

TRỌNG LINH - Đ.T.CHÁNH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/gia-tom-tang-diem-sang-cuoi-nam-d272252.html