Giá tiêu vượt ngưỡng 70.000 đồng/kg, xuất khẩu lo lắng, thương lái bắt đầu ghìm giá?

Sau bao năm giá tiêu trong nước chỉ 'lẹt đẹt', ngay đầu vụ 2021 giá tiêu tăng nhanh khiến bà con nông dân vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, sau khi vượt ngưỡng 70.000 đồng/kg, đã có nhiều nhận định trái chiều.

 Giá tiêu vượt ngưỡng 70.000 đồng/kg, xuất khẩu lo lắng, thương lái bắt đầu ghìm giá?

Giá tiêu vượt ngưỡng 70.000 đồng/kg, xuất khẩu lo lắng, thương lái bắt đầu ghìm giá?

Thương lái bắt đầu ghìm giá?
Tính đến chiều 15/3, giá hồ tiêu tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông được thu mua với mức 71.500 đồng/kg; Gia Lai 70.500 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 69.500 đồng/kg; Bà Rịa - Vũng Tàu 73.500 đồng/kg; Bình Phước 72.500 đồng/kg. Mức giá trên đã cao hơn hôm qua 1.000 - 1.500. Tổng hợp tuần trước, giá tiêu tại các địa phương tăng thêm khoảng 10.000-12.000 đồng/kg. Ghi nhận thực tế tuần trước, giá tiêu được các thương lái thu mua có nơi cao hơn giá tham khảo trên mạng 2.000-4.000 đồng/kg.
Giá tiêu tăng "nóng" trong thời gian qua được các chuyên gia đánh giá là "theo quy luật của thị trường". Bởi sản lượng giảm mà cầu tăng thì ắt giá tiêu sẽ tăng lên. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam dự báo sản lượng hồ tiêu thu hoạch được sẽ đạt khoảng 180.000 tấn, giảm khoảng 20-25% so với vụ trước. Trong đó, Bình Phước có thể giảm trên 50%; Đăk Nông giảm 20% so với thời kỳ đỉnh điểm năm 2017.
Hiện còn hơn 1 tháng nữa các địa phương mới thu hoạch hết tiêu vụ mới, nên việc giá tăng giữa mùa thu hoạch như hiện nay là điều khá bất ngờ. Tuy vậy, theo phản ánh hiện các thương lái đã bắt đầu ghìm giá xuống tại các vườn, với lý do "giá tiêu đang cao hơn giá xuất khẩu???".
Ông Nguyễn Tấn Hiên - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần TM DV XNK Trân Châu, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định, giá tiêu tăng nóng thời gian gần đây chủ yếu dân không muốn bán ra. Nếu dân bán ra thì đại lý cũng ôm cũng không chịu bán.
Ông Hiên nhìn nhận, nhìn chung hàng nằm trong tay dân và đầu cơ, không đến được tay doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu tiêu Việt Nam đứng trước nguy cơ bể hợp đồng vì hàng chỉ bán lưu thông trong giới đầu cơ, đại lý và người dân chứ không về đến tay người xuất khẩu.

Hạn chế hệ lụy
Trước đợt tăng ''nóng'' của hồ tiêu, cuối tuần qua Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tổ chức họp đột xuất. Theo đó, nội dung cuộc họp đồng ý đưa ra nhận định, số lượng hồ tiêu xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Giá tiêu tăng cao bất thường trong khi giá xuất khẩu chưa tăng tương ứng.
VPA cho biết, hiện nay một số nhà xuất khẩu của Việt Nam đã mua hàng Brazil trực tiếp từ các nhà xuất khẩu Brazil hoặc từ các nhà trader Dubai do giá hồ tiêu Brazil khá rẻ so với Việt Nam. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định, việc tăng nóng như hiện tại ngoài các yếu tố khách quan còn có yếu tố bị chi phối bởi các nhà đầu cơ nội địa.
Mùa vụ thu hoạch hồ tiêu vụ năm 2021 muộn hơn các năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đến nay cả nước thu hoạch bình quân khoảng 30-40%, gần hết tháng 4/2021 cơ bản mới thu hoạch xong vì vậy hàng ra chưa nhiều.
Trước tình hình biến động của giá hồ tiêu, Hiệp hội yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu cảnh báo không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro. Đối với những hợp đồng đã ký nên điều tiết tiến độ mua hàng vì Hồ tiêu chưa thu hoạch rộ. Tùy mỗi doanh nghiệp đưa ra đề nghị và hướng xử lý với khách hàng: Thương lượng với khách hàng về thời gian giao hàng hoặc yêu cầu mua thị trường khác thay thế, hoặc thương lượng để bồi thường hợp đồng.
Đối với các địa phương và người nông dân: Cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm hiệu quả, không vì giá tăng cao mà vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống, hạn chế việc giá lên để mở rộng diện tích trồng hồ tiêu như những năm 2015-2016.

Văn Thanh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gia-tieu-vuot-nguong-70000-dongkg-xuat-khau-lo-lang-thuong-lai-bat-dau-ghim-gia-412895.html