Giá tiêu hôm nay 22/7: Biến động ở Đông Nam Bộ, xuất khẩu tiêu gặp khó do Covid-19

Giá tiêu hôm nay 22/7 trong khoảng 72.500 - 75.000 đồng/kg. Giá tiêu các tỉnh Tây Nguyên giữ ổn định, các tỉnh Đông Nam Bộ giảm nhẹ 500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay 22/7: Biến động ở Đông Nam Bộ, xuất khẩu tiêu gặp khó do Covid-19

Giá tiêu hôm nay 22/7: Biến động ở Đông Nam Bộ, xuất khẩu tiêu gặp khó do Covid-19

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 73.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 72.500 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 72.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 75.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 74.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Sáng nay giá tiêu các tỉnh Tây Nguyên giữ ổn định, các tỉnh Đông Nam Bộ giảm nhẹ 500 đồng/kg so với cùng thời điểm sáng hôm qua.
Hiện nay các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống Covid-19. Trong bối cảnh đó, giao dịch tại các địa phương này trầm lắng, đẩy giá tiêu giảm nhẹ. Với các công ty xuất khẩu, dù việc làm các thủ tục xuất hàng không tiếp xúc trực tiếp, ít nguy cơ lây lan Covid-19, hàng vẫn xuất đi bình thường miễn là có chỗ trên tàu để giao hàng. Tuy vậy, các chi phí vận tải tăng do hạn chế phương tiện, giấy xét nghiệm cho tài xế là những vấn đề đang làm đau đầu doanh nghiệp.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ tăng 33,35 rupee/tạ, ở mức 42.000 rupee/tạ. Giá tiêu Ấn Độ liên tục đi ngang trong nhiều ngày qua. Sau một thời gian bị gián đoạn do dịch Covid-19, quốc gia này đã mở cửa trở lại từ tháng 6/2021, kéo theo sự gia tăng về nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá bị đe đọa do sản lượng hạt tiêu của Xri Lan-ca trong năm 2021 được dự báo tăng 25%, do đó khả năng sẽ tràn mạnh vào thị trường Ấn Độ. Trong khi đó, lượng hạt tiêu tại thị trường nội địa Ấn Độ cũng đã dư thừa do lệnh giãn cách xã hội kéo dài.
Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cho biết, hiện tại, nguồn cung hồ tiêu giảm do diện tích sản xuất hồ tiêu toàn cầu giảm. Điều này đã đẩy giá hồ tiêu tăng cao. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã gây bất lợi cho cây hồ tiêu phát triển, bệnh chết nhanh, chết chậm vẫn ra ra trên cây tiêu, chăm sóc hồ tiêu ngày càng khó khăn hơn đã khiến cho năng suất hồ tiêu giảm.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sản xuất hồ tiêu cả nước tính đến cuối năm 2020 đạt 130.000 ha, giảm 22.000 ha so với năm 2018 (là thời kỳ giá hồ tiêu đạt mức cao nhất từ trước cho đến nay); trong đó, diện tích cho thu hoạch là 110.000 ha.
Đến nay, sau thời gian giảm giá để điều chỉnh nguồn cung toàn cầu, giá hồ tiêu khôi phục, mang lại niềm vui cho người dân trồng tiêu. Tuy nhiên, nhiều nông dân trồng tiêu vẫn còn rất thận trọng, không vì giá tiêu tăng mà vội vàng tăng diện tích, chuyển sang trồng tiêu ồ ạt như trước đây. Theo dự báo năm nay mùa mưa sẽ kéo dài, do vậy ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo bà con tăng cường phòng các bệnh nấm thối rễ, chết nhanh ở cây hồ tiêu.

Văn Thanh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gia-tieu-hom-nay-227-bien-dong-o-dong-nam-bo-xuat-khau-tieu-gap-kho-do-covid-19-428074.html