Giá tiêu hôm nay 2/7, xuất khẩu tăng nhưng giá tiêu nội địa vẫn 'ì ạch', xuất hiện tín hiệu khả quan đầu tiên cho niên vụ 2023

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 69.000 – 72.000 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay 2/7, xuất khẩu tăng nhưng giá tiêu nội địa vẫn ‘ì ạch’, xuất hiện tín hiệu khả quan đầu tiên cho niên vụ 2023. (Nguồn: Haprosimex)

Giá tiêu hôm nay 2/7, xuất khẩu tăng nhưng giá tiêu nội địa vẫn ‘ì ạch’, xuất hiện tín hiệu khả quan đầu tiên cho niên vụ 2023. (Nguồn: Haprosimex)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 69.000 – 72.000 đ/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai, thấp nhất thị trường khi ở mức 69.000 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (70.500 đ/kg); Bình Phước (71.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 72.000 đ/kg.

Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%.

Trong đó, mặt hàng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 125 nghìn tấn, giảm 19,1%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 40,9% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 566 triệu USD, tăng 14%).

Trong khi đó, thống kê 5 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 99,54 nghìn tấn, trị giá 460,54 triệu USD, giảm 17,8% về lượng, nhưng tăng 21,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu tháng 5/2022 đạt 21,84 nghìn tấn.

Như vậy có thể thấy, xuất khẩu hồ tiêu tháng 6/2022 tiếp tục có sự tăng trưởng, cao nhất trong các tháng đầu năm. Đưa giá trị kim ngạch vượt mốc nửa tỷ USD, giúp cho mục tiêu xuất khẩu tỷ đô trong năm 2022 sớm thành hiện thực.

Theo đánh giá, lực mua tăng từ thị trường Trung Quốc tiếp tục là động lực giúp xuất khẩu hồ tiêu phát triển trong tháng 6/2022. Bức tranh xuất khẩu tươi sáng là vậy, nhưng giá tiêu trong nước lại không tăng tương ứng. So với thời điểm ngày 1/1/2022, giá tiêu nội địa đang giảm 10.000 đồng/kg tại các địa phương, tương đương gần 13%.

Trong những tháng đầu năm nay, giá tiêu được nhận định là ổn định do lượng hàng dự trữ đủ để đáp ứng nhu cầu.

Người mua Trung Quốc và các nhà xuất khẩu lớn ở Việt Nam chủ yếu nghe ngóng thị trường, trong khi nông dân và giới đầu cơ có xu hướng giữ hàng do kỳ vọng mức giá cao hơn.

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm nay dự kiến thấp hơn năm ngoái, cùng với giá tăng mạnh trong vụ thu hoạch năm 2021 đã thu hút nhiều nhà đầu cơ hơn.

Khi giá không đổi và lãi suất tăng, một số nhà đầu cơ đối mặt với các vấn đề về dòng tiền, đặc biệt là những người đi vay tiền để đầu cơ. Điều này có thể đẫn đến việc bán tháo kéo thị trường đi xuống.

Mặc dù năm nay sản lượng của Việt Nam giảm, nhưng nhu cầu giảm đã dẫn đến xu hướng thị trường đi xuống trong thời gian gần đây. Nedspice dự báo, trong ngắn hạn, thị trường dự kiến dao động quanh mức giá hiện tại cho đến khi có một bức tranh rõ ràng về thị trường năm 2023.

Đồng thời, những tín hiệu đầu tiên cho niên vụ 2023 của Việt Nam khá khả quan. Đó là việc mùa mưa đến đúng lúc, và quá trình thụ phấn của cây tốt hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để ước tính sản lượng và đánh giá vụ mùa năm tới.

Dự báo giá hạt tiêu thế giới sẽ tiếp tục tăng do sản lượng giảm và chi phí vận chuyển tăng cao, cho dù Việt Nam bước vào vụ thu hoạch rộ, giúp nguồn cung dồi dào, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu.

(tổng hợp)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-tieu-hom-nay-27-xuat-khau-tang-nhung-gia-tieu-noi-dia-van-i-ach-xuat-hien-tin-hieu-kha-quan-dau-tien-cho-nien-vu-2023-189221.html