Giá thuê đất công nghiệp tăng cao

Nhiều chuyên gia nhận định, trong những tháng đầu năm nay, nguồn cung diện tích khu công nghiệp tại Tp.HCM và Hà Nội gần như giữ nguyên khiến cho giá thuê bất động sản công nghiệp không ngừng gia tăng...

Ảnh minh họa

Báo cáo thị trường mới đây của Công ty Colliers Việt Nam ghi nhận, trong những tháng đầu năm 2021, giá chào thuê trung bình cho đất công nghiệp đang ở mức cao: tại Tp.HCM vào khoảng 165 USD/m2/kỳ hạn thuê, tại Hà Nội là 140 USD/m2/kỳ hạn thuê. Ngay từ lúc này, việc tính đến những giải pháp dài hạn để duy trì và phát huy lợi thế của BĐS công nghiệp Việt Nam là hết sức cần thiết.

ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

Các chuyên gia của Colliers đề xuất: “Trước hết cần tăng cường và đa dạng hóa nguồn cung khu công nghiệp. Việc phát triển các khu công nghiệp mới ở các tỉnh thành lân cận Tp.HCM và Hà Nội sẽ góp phần làm giảm sức nóng của giá thuê. Trong đó, phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, nơi mà các doanh nghiệp cùng cam kết, hợp tác và hành động để đạt được các mục tiêu chung về sử dụng tài nguyên và môi trường là một lựa chọn phù hợp”.

Theo Colliers, mô hình này sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững nói chung, giúp giảm khai thác tài nguyên, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường trong khi vẫn không ảnh hưởng đến hiệu suất của các doanh nghiệp. Ngoài ra cũng sẽ đóng góp tích cực vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Việt Nam và toàn cầu.

Các bước đi cụ thể có thể thực hiện là nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến và hạn chế phát thải tối đa và thí điểm chuyển đổi trước một số khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái để rút ra cách làm hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng nên có cơ chế thường xuyên cập nhật tình hình phát triển khu công nghiệp, chính sách phát triển, cách làm hay... để cùng nhau phát triển, tạo thành hệ thống đồng bộ. Cơ chế này cũng sẽ giúp các địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh một cách hiệu quả hơn, tận dụng tốt ưu thế của từng tỉnh thành, tạo sự hài hòa trong quá trình phát triển liên vùng, đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Colliers nhận định: “Việc liên kết giữa các khu công nghiệp với nhau cũng hết sức quan trọng để phát triển chuỗi sản xuất hàng hóa và logistics. Từ đó, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, nâng cao sự bền vững của cả nền công nghiệp”.

Nhìn từ góc độ khác, các chuyên gia của Công ty JLL cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần gia tăng đầu tư các kho bãi linh hoạt. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh, lượng đơn hàng tăng cao đột ngột, buộc các nhà sản xuất hàng thiết yếu phải chật vật tìm diện tích kho đáp ứng và xem xét lại mọi mặt của chuỗi cung ứng.

Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng đã làm tăng cả nhu cầu ngắn hạn và dài hạn đối với BĐS công nghiệp, đòi hỏi các công ty giao đơn hàng nhanh hơn bằng cách đặt trụ sở gần hơn với khách hàng.

Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL chia sẻ: “Sự phát triển theo cấp số nhân của thương mại điện tử đã thúc đẩy nhu cầu về bất động sản công nghiệp trong 10 năm qua và sự gia tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch lại càng bộc lộ rõ hơn tiềm năng và sự linh hoạt của ngành thương mại điện tử. Các công ty thương mại điện tử phải giữ nhiều hàng hơn ở những địa điểm gần khách hàng và thúc đẩy nhu cầu kho bãi linh hoạt.

JLL ghi nhận nhiều yêu cầu từ phía khách hàng thương mại điện tử lớn, với nhu cầu thuê nhà kho gần trung tâm có diện tích 10 đến 15 ha. Xu hướng này sẽ phát huy điểm mạnh trong những sự kiện mang tính biến động cao như đại dịch hay mùa cao điểm”.

CẦN HOÀN THIỆN CƠ SỞ HẠ TẦNG

Để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam, các khu kinh tế cần hoàn chỉnh khung pháp lý để phát triển khu công nghiệp, hỗ trợ các dự án ngách. Ví dụ: khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp liên kết, mô hình dịch vụ khu công nghiệp và đô thị kết hợp.

Đồng thời, để chuyển dịch sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, Việt Nam phải tăng nguồn cung lao động có trình độ và đầu tư vào giáo dục, công nghệ thông tin, toán học, khoa học trên toàn quốc. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng và giao thông là một trong những vấn đề Việt Nam cần cải thiện hơn cả.

Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng Việt Nam mặc dù đã có nhiều cải thiện, song hiện vẫn còn một số hạn chế. So với các nước trong khu vực ASEAN, chất lượng cơ sở hạ tầng của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của ASEAN ở tất cả các phân khúc. Đây là cơ hội rất lớn cho Chính phủ Việt Nam trong việc chú trọng cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Phan Dương -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gia-thue-dat-cong-nghiep-tang-cao.htm