Giá thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh có xu hướng tăng

Ghi nhận tại thị trường tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, thực phẩm đang có dấu hiệu tăng giá do tác động từ việc tăng giá nguyên liệu đầu vào như điện, gas, xăng dầu…

Thịt lợn được giết mổ, chuẩn bị cung ứng ra thị trường tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Thịt lợn được giết mổ, chuẩn bị cung ứng ra thị trường tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Sau một thời gian giảm giá do ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong những ngày gần đây, giá thịt lợn tại các chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu tăng trở lại. Cụ thể, giá lợn hơi loại 1 hiện ở mức 38.000 đồng/kg, giá lợn hơi loại 2 là 34.500 đồng/kg; giá thịt lợn mảnh loại 1 là 48.000 đồng/kg, loại 2 là 42.000 đồng/kg...

Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ thịt lợn tại chợ giảm, còn tại siêu thị lại tăng nhẹ. Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Thanh Hùng, tiểu thương chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh cho rằng, do tâm lý người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh, hạn chế mua sắm ở kênh chợ truyền thống. Đặc biệt, nhằm kích cầu tiêu dùng, hiện thịt lợn tại các siêu thị đang được giảm giá từ 13.000 - 22.000 đồng/kg. Nguồn gốc thịt đảm bảo cộng với việc giảm giá mạnh khiến lượng thịt bán ra tại các siêu thị cũng tăng lên đáng kể.

Hiện nay, mức tiêu thụ thịt lợn tại các điểm bán thuộc hệ thống Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tăng từ 15 - 20%, nhất là vào những ngày cuối tuần. Lượng thịt lợn tiêu thụ trung bình đạt từ 40 - 50 tấn/ngày. Đặc biệt, lượng tiêu thụ thịt lợn đang tăng trở lại có thể do tâm lý người dân đã không còn hoang mang như trước.

Bên cạnh đó, mức tiêu thụ các sản phẩm chế biến khác tăng 15% trên toàn hệ thống. Mặt hàng gia cầm (thịt gà) có sản lượng cung ứng tăng khoảng 20 - 25% do tâm lý người tiêu dùng chuyển một phần nhu cầu từ thịt lợn sang thịt gà.

Để kích cầu tiêu dùng, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh phối hợp các quận, huyện tăng cường tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh về các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Song song đó, sở, ngành đồng loạt triển khai biện pháp tuyên truyền sâu rộng người dân hiểu về chính sách hỗ trợ, ngăn chặn tình trạng bán tháo lợn bệnh... và không “quay lưng” với thịt lợn.

Một số doanh nghiệp cho biết, đã có đàm phán, phương án nhập khẩu thịt lợn, thịt gà đông lạnh trong trường hợp thị trường biến động mạnh (45 - 60 ngày). Đồng thời, doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng việc trữ đông thịt lợn, nhưng hiện chưa thực hiện do giá giảm chưa nhiều. Đồng thời, đơn vị kinh doanh gia cầm sẵn sàng tăng đàn, tăng sản lượng thịt gia cầm, kịp thời bù đắp nguồn thịt lợn thiếu hụt.

Liên quan đến hoạt động dịch vụ trên địa bàn thành phố, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng năm 2019 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt 558.488 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 367.201 tỷ đồng, tăng 13,8%, cao hơn mức tăng toàn ngành dịch vụ tăng 12,2% và cao hơn mức tăng cùng kỳ là 12,7%. Điều này dẫn đến tỷ trọng bán lẻ trong doanh thu dịch vụ tăng ở mức 65,75% trong 6 tháng 2019.

Mỹ Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/gia-thuc-pham-tai-tp-ho-chi-minh-co-xu-huong-tang-20190709181501823.htm