Giá thịt lợn vẫn tăng cao ngày đầu DN lớn đồng loạt thực hiện giảm giá

Ngày đầu tiên các DN lớn thực hiện giảm giá lợn hơi về mốc 70 nghìn đồng/kg, giá thịt lợn tại chợ truyền thống vẫn tăng từ 5-20 nghìn đồng/kg...

Giá thịt lợn vẫn tăng cao ngày đầu DN lớn đồng loạt thực hiện giảm giá

Giá thịt lợn vẫn tăng cao ngày đầu DN lớn đồng loạt thực hiện giảm giá

Giá lợn hơi vẫn cao, thịt lợn tăng thêm 5-20 nghìn đồng/kg

Hôm nay (1/4), ngày đầu tiên các doanh nghiệp lớn thực hiện cam kết giảm giá lợn hơi về mức 70 nghìn đồng/kg theo yêu cầu của Chính phủ để "kìm" giá thịt lợn. Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán, giá thịt lợn lại đang có xu hướng tăng lên.

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, tại các chợ truyền thống, hầu hết giá bán thịt lợn đều tăng từ 5-20 nghìn đồng/kg, chỉ rất ít cửa hàng giảm giá xuống mức 130-150 nghìn đồng/kg.

Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), giá bán thịt lợn phổ biến mức 160-180 nghìn đồng/kg, thậm chí có nơi bán trên 200 nghìn đồng/kg. Thịt mông có giá 160-170 nghìn đồng/kg; Thịt thăn 170-180 nghìn đồng/kg; thịt nạc vai, ba chỉ 180 nghìn đồng/kg; lõi bắp 200 nghìn đồng/kg...

Chị Hồng, một tiểu thương cho biết, từ mấy ngày nay lượng người mua thịt lợn tăng mạnh, giá cũng tăng lên, bình thường bán với mức giá 160-180 nghìn đồng/kg thì sáng nay đa số các cửa hàng đều bán mức 180 nghìn đồng/kg tất cả các loại nhưng chỉ một lúc đã hết sạch hàng. "Ngay từ sáng sớm mọi người đã tranh nhau mua thịt, chúng tôi cũng dành nhau từng con lợn trong dân chứ không mua được hàng từ công ty lớn", chị Hồng nói.

Tại một cửa hàng khác, chị Định (Mê Linh) đang bán với giá 130-150 nghìn đồng/kg. Theo chị Định giá lợn hơi mua tại nhà dân là 90 nghìn đồng/kg, tính ra móc hàm gần 120 nghìn đồng/kg, tăng lên vài giá so với trước đây. Tuy nhiên, chị vẫn bán giá như bình thường, không tăng giá như nhiều cửa hàng khác với mức giá có nơi lên đến 200 nghìn đồng/kg.

“Lợn tại các trang trại lớn mấy ngày nay không mua được do họ không xuất chuồng. Loại lợn giá 70 nghìn/đồng/kg mà Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp đồng loạt giảm cũng không biết bao giờ tiểu thương chúng tôi mới mua được”, chị Định nói.

Tương tự, tại các chợ như Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Phùng Khoang, Nhổn, Hoàng Mai,…giá bán thịt lợn cũng được ghi nhận tăng lên khoảng 10-20 nghìn đồng/kg, sức mua tăng mạnh. Phần lớn tiểu thương cho rằng giá lợn hơi và móc hàm không giảm, có nơi còn tăng lên.

“Không hiểu tại sao giá lợn hơi vẫn giữ mức 80-81 nghìn đồng/kg nhưng lợn móc hàm lên tới 6 nghìn đồng/kg, dao động khoảng 118-120 nghìn đồng/kg. Nếu tính theo mức giá móc hàm này thì thịt lợn thường phải bán ra 150-160 nghìn đồng/kg mới có lãi bởi còn trừ hao hụt, những phần khó bán”, anh Toản, một tiểu thương cho biết.

Từ trang trại đến chợ, thịt lợn phải qua tay nhiều thương lái

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (CP) cho biết: "Công ty đã thực hiện đúng cam kết và xuất lợn ra thị trường với giá 70.000 đồng/kg hơi trong ngày hôm nay và chúng tôi được biết có rất nhiều doanh nghiệp ở miền Bắc đã xuất lợn theo giá cam kết nhưng để giảm ngay giá thịt lợn thì còn nhiều vấn đề".

Phân tích về việc tại sao tiểu thương vẫn mua với giá cao ngay khi các công ty lớn đồng loạt xuất giá lợn hơi giảm, vị này nhận định: Tại các công ty lớn có xuất ra giá 70.000 đồng/kg hơi nhưng thị trường ở Việt Nam có nhiều kênh phân phối lái 1, lái 2, lái 3…, các lái bán qua lại nhau đã làm giá kênh lên đến tay người tiêu dùng. “Điều này CP không kiểm soát được, mà chỉ những điểm bán thịt lợn của CP, những của hàng của CP mới bán được giá bình ổn", vị này nói.

Đồng quan điểm trên, đại diện Tập đoàn DABACO Việt Nam cho rằng, việc giảm giá của các công ty lớn chưa thể giúp giá thị trường giảm ngay một sớm một chiều mà cần những khâu thích ứng, tiếp cận vào thị trường. Vị này cũng cho biết, việc xuất chuồng tại Công ty phải theo quy trình, từ Công ty ra đến thị trường cũng mất khoảng thời gian nhất định, sau đó, từ các khâu phân phối khác còn cân đối và có chiến lược ra thị trường của họ.

Tại khâu phân phối cuối cùng là những lò mổ, ông Hồ Văn Liêm, chủ lò mổ tại Mê Linh (Hà Nội) cho biết, cũng cần mất mấy ngày để lợn từ khâu phân phối đến được tay người dân nên nếu có giảm cũng phải ít ngày tới mới biết được. Tuy nhiên, việc này cũng cần sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan chức năng đến những khâu phân phối để giá không đội lên quá cao ở khâu này. Mặt khác, tại chính những người bán thịt trực tiếp cho dân cũng cần kiểm soát bởi giá cuối là do họ quyết định.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/gia-thit-lon-van-tang-cao-ngay-dau-dn-lon-dong-loat-thuc-hien-giam-gia-d459211.html