Giá thịt lợn tăng mạnh, nhiều dịch vụ ăn uống tăng theo

Khảo sát của phóng viên HNMO vào sáng 17-12 tại một số chợ truyền thống ở khu vực Mai Động, Quỳnh Mai, Hàng Bè, Nghĩa Tân… cho thấy, giá thịt lợn tăng cao.

Giá thịt tăng trung bình 50.000 đồng/kg

Giá cao nhất tới 280.000 đồng/kg

Chị Phạm Hoa (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) cho biết, sáng nay đi chợ, chị giật mình khi thấy giá thịt lợn tăng chóng mặt. “Tôi mua 3,5 lạng thịt, 5 lạng xương cục hết hơn 100.000 đồng. Cứ nghĩ người bán hàng tính nhầm, hỏi ra mới biết do giá thịt tăng mạnh. Gia đình có 4 người, cầm 200.000 đồng đi chợ mà cứ loay hoay không biết mua gì”, chị Hoa nói.

Tại hầu hết các chợ, giá thịt lợn đều tăng cao. Chẳng hạn, thịt thăn, ba chỉ, nạc vai được bán với giá 170.000 đồng/kg, tăng 50.000 đồng/kg so với tháng 10 vừa qua, còn so với hồi tháng 5 thì gần gấp đôi: Xương sườn 170.000 đồng/kg; xương cục 110.000 đồng/kg; móng giò 120.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, giá tim lợn lên tới 280.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg sau khi đã “đội” 50.000 đồng/kg trước đó. Tại chợ Long Biên, giá sườn loại ngon cũng được bán ở mức 280.000 đồng/kg. Bà Trần Thị Nhiên, người bán thịt tại chợ nói đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Theo chị Phạm Thị Chinh, tiểu thương tại chợ Mai Động (quận Hoàng Mai), sở dĩ giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng cao như vậy bởi giá lợn hơi liên tục tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Nếu như cách đây hơn 1 tháng, giá lợn hơi và lợn móc hàm lần lượt ở mức 63.000 đồng/kg và 84.000 đồng/kg thì hiện nay đã tăng lên mức 110.000 đồng/kg và 130.000 đồng/kg.

Cũng vì nguồn cung khan nên số lượng thịt lợn các tiểu thương lấy về bán sụt giảm mạnh. “Nếu như trước đây, mỗi ngày tôi lấy từ lò mổ 1,4 tạ thịt lợn về bán thì thời điểm này chỉ lấy được khoảng 1 tạ”, chị Phạm Thị Chinh chia sẻ.

Giá thịt lợn tăng khiến sức mua giảm.

Tại lò mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội), số lợn giết mổ giảm mạnh. Anh Nguyễn Thế Trung, quản lý lò mổ cho hay, cách đây hai tháng, bình quân mỗi ngày, số lợn được mổ tại lò là 1.100 con nhưng hiện nay con số này đã giảm nhiều, có hôm chỉ còn vài trăm con, thậm chí vài chục con.

Dịch vụ ăn uống cố gắng cầm cự trong cơn “bão giá”

Giá thịt lợn tăng nhanh đã khiến các dịch vụ ăn uống khác như bún chả, bánh mỳ, thịt nướng, thịt quay… tăng theo. Gia đình chị Nhung mở nhà hàng chuyên các món nướng trên phố Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng) cho biết, chưa khi nào chị cảm thấy việc kinh doanh lại khó khăn như hiện tại.

“Mỗi lần thanh toán tiền hàng là tôi lại hốt hoảng vì giá thịt chênh hơn trước nhiều quá. Nhà tôi bán chủ yếu các món ăn liên quan đến thịt lợn, khách ăn quen, giờ không thể vì giá đắt mà "bắt" khách chuyển sang ăn toàn thịt bò hay gà. Thế nên lời lãi tính ra chẳng được là bao”, chị Nhung nói.

Giá thịt quay tại nhiều cửa hàng tăng cao.

Với mức thu mua mỗi ngày hàng tạ thịt mông, nạc vai và ba chỉ về làm hàng, chị N.T, chủ một hàng thịt quay có tiếng trên phố Hòe Nhai cũng đang phải “gồng mình” để giữ cho việc kinh doanh được ổn định. Chị T cho hay, nhiều khách vẫn có thói quen chỉ nói lượng tiền cần mua nên khi nhận túi thịt về hết sức ngạc nhiên vì ít quá, đành phải nói nhân viên chặt thêm.

“Các bà nội trợ đều thông cảm vì họ biết giá thịt sống đã tăng cao nên giá thịt quay cũng phải nhích theo. Tôi không treo biển tăng giá như nhiều hàng khác mà thi thoảng lựa lời giải thích với khách để họ thông cảm”, chị T chia sẻ.

Những hàng ăn nhỏ cũng đã treo biển tăng giá, mong khách hàng thông cảm.

Tại một số cửa hàng bán bánh cuốn, bánh mì pate, bún đậu, bún mọc sườn… trên nhiều tuyến phố của Hà Nội cũng đều đã tăng giá: Bánh mỳ pate thịt tăng từ 20.000 đồng lên 25.000 đến 30.000 đồng/chiếc; bánh cuốn chả tăng từ 25.000 đồng lên 30.000 đồng/suất; bún đậu thịt tăng lên 35.000 đồng/suất, giá cũ là 25.000 đồng/suất. Chủ quán bún mọc tại 18 Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm), do cố gắng duy trì ở mức giá trước đây là 30.000 đồng đến 35.000 đồng/bát nên đã ý tứ thái miếng thịt mỏng hơn hay bớt mỗi bát một miếng sườn, miếng mọc.

Cùng cảnh ngộ với các thức quà bún bánh, các quán cơm bình dân cũng tăng thêm 5.000 đồng/suất. Trước đợt tăng giá thịt lợn mới này, anh Tùng, chủ quán cơm bình dân trên phố Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) càng băn khoăn vì nếu tăng giá vài nghìn nữa là khách chính của quán là các sinh viên, người lao động sẽ không chịu nổi. Do đó, anh cũng chọn cách giảm bớt lượng thịt, tăng thêm rau xanh và quan trọng gia đình anh vẫn có đủ chi phí kinh doanh.

Các cửa hàng ăn đều cố gắng hoạt động trong cơn "bão giá" thịt lợn.

Giá thịt lợn tăng thời gian qua đã ảnh hưởng ít nhiều đến túi tiền các bà nội trợ, đến bữa ăn của mỗi gia đình và sinh kế của không ít các hộ kinh doanh... Tuy nhiên, nhiều người tiếp tục lo ngại, nhất là Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến gần, nếu giá thịt lợn cứ tiếp tục tăng như hiện nay chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng đến đời sống của nhiều gia đình.

Sáng 17-12, Bộ Công Thương cho biết, giá mặt hàng thịt lợn tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 và tăng 60-95% so với đầu năm 2019) và đang ở mức rất cao (lợn hơi 80.000-90.000đồng/kg, tăng 10.000đồng/kg so với tuần trước, giá thịt lợn thành phẩm ở mức 160.000-180.000đồng/kg, tăng 15.000-20.000đồng/kg so với tuần đầu tháng 12-2019).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Công Thương đang chỉ đạo ngành và các địa phương tăng cường công tác bình ổn giá và mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2020.

Riêng tại Hà Nội, dự báo nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết khoảng 22.300 tấn thịt lợn hơi/tháng (tăng khoảng 18%-20% so với các tháng thường).

Về nguồn cung, theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, ước tính tổng đàn lợn trên địa bàn đến hết tháng 10-2019 là gần 1,2 triệu con; sản lượng lợn hơi xuất chuồng tháng 10- 2019 là 18.800 tấn (tăng 4.600 tấn so với tháng 9).

Như vậy, so với nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết, sản lượng thịt lợn còn thiếu khoảng 3.500 tấn hơi. Lượng thịt thiếu hụt sẽ được bảo đảm từ việc tăng sản lượng xuất chuồng trong thời gian tới, từ các sản phẩm thay thế khác tương đối dồi dào (thịt bò tăng 0,6%, gia cầm tăng 18%, thủy sản tăng 5,9%) và khai thác từ các tỉnh, thành phố lân cận.

Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo về triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường thịt lợn trên địa bàn thành phố, trong đó yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền; yêu cầu các hộ dân, trang trại chăn nuôi không găm hàng, tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động bất hợp pháp như đầu cơ, ép giá, tung tin thất thiệt... gây mất ổn định thị trường.

Thủy Hân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/953125/gia-thit-lon-tang-manh-nhieu-dich-vu-an-uong-tang-theo