Giá thịt lợn liên tiếp lập kỷ lục, 'cơn sốt' tăng giá chưa hạ nhiệt

Theo nhận định của một số thương lái, giá thịt lợn đang 'nóng' lên từng ngày là có thật chứ không còn là 'sốt ảo,' giá lợn hơi khó có khả năng giảm, thậm chí có thể sẽ cán mốc kỷ lục 100.000 đồng/kg.

Người dân so sánh giá thịt lợn trong siêu thị. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Người dân so sánh giá thịt lợn trong siêu thị. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Những ngày gần đây, giá lợn hơi tiếp tục tăng mạnh ở cả ba miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Đặc biệt, lợn hơi liên tiếp lập kỷ tục giá cao và chưa có dấu hiệu chững lại.

Giá lợn hơi mới nhất hôm nay 18/12 tại nhiều vùng trong cả nước đã vượt mốc 90.000 đồng/kg, có nơi đạt mức trên 95.000 đồng/kg dẫn tới giá thịt lợn ngoài chợ cũng tăng cao kỷ lục.

Theo các tiểu thương bán thịt lợn tại chợ đầu mối phía Nam, Ngã Tư Sở, Đồng Xa... (Hà Nội), giá thịt lợn rục rịch tăng từ hồi tháng Chín nhưng trong một tuần gần đây đã tăng vọt. So với tuần trước, giá thịt lợn thành phẩm ở mức 160.000-200.000 đồng/kg, tăng 15.000-30.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 12.

Ngay cả “đại gia” chăn nuôi như CP vốn được biết đến đóng vai trò sẽ bình ổn thị trường cũng đã có sự điều chỉnh tăng trung bình 15.000-35.000 đồng/kg, giá thịt lợn khoảng 135.000-230.000 đồng/kg tùy từng loại, cao nhất là sườn non ở mức 230.000 đồng/kg.

Đối với người tiêu dùng, thịt lợn là thực phẩm thiết yếu trong mỗi bữa cơm gia đình, do đó giá thịt ngày càng tăng cao tác động không nhỏ đến việc mua bán sản phẩm này. Giá thịt lợn tăng kéo theo giá các thực phẩm chế biến từ thịt lợn như giò, chả… cũng tăng.

Chị Trần Thị Nhung, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Ngã Tư Sở cho biết giá thịt lợn cao nên sức mua thịt lợn cũng giảm nhẹ: “Trước kia thịt lợn rẻ, một con lợn bán trong 2-3 tiếng là hết, giờ giá cao thì bán chậm hơn. Khách hàng bỏ tiền ra mua thịt cũng tính toán, so sánh giá cả ở chợ với siêu thị xem có chênh nhiều không.”

Giá thịt lợn hơi liên tục tăng trong một tuần trở lại đây. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chăn nuôi lợn trong tháng 11 đã giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước do tác động của dịch tả lợn châu Phi. Một số địa phương đã công bố hết dịch nhưng việc tái đàn diễn ra chậm do tâm lý của người sản xuất còn e ngại nguy cơ tái phát dịch bệnh. Nguồn cung giảm là nguyên nhân chính khiến giá thịt lợn hơi trong tháng tăng cao. Trong khi đó, dự báo nhu cầu cung thịt lợn trong tháng 12 và tháng 1/2020 thời tiện cận Tết sẽ tăng cao, lên tới khoảng 600.000 tấn.

Trước khả năng có thể sẽ thiếu nguồn cung thịt lợn vào dịp cận Tết nên giá lợn hơi vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Mặc cho giá lợn cao kỷ lục, các hộ dân nuôi lợn không tranh thủ bán mà vẫn còn nghe ngóng thêm về thị trường.

Chị Nguyễn Thị Thức (xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết gia đình đang nuôi 30 con lợn thịt khoảng 100 kg/con và đang bán dần ra thị trường nhưng vẫn giữ lại bán Tết.

“Giá lợn hơi đang cao chưa từng thấy nhưng tôi vẫn chờ vì càng gần Tết nhu cầu tăng cao thì giá sẽ tiếp tục tăng. Hiện tại, chỉ tuần trước tuần sau giá mỗi còn lợn bán đã tăng thêm khoảng 1 triệu đồng/con nên tôi đang tập trung vỗ béo, tăng thêm cân,” chị Thức nói.

Mặc dù nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi vẫn còn đó, nhưng người dân vẫn “găm hàng” cho dịp Tết vì giá sẽ cao hơn. Tâm lý này có vẻ như hoàn toàn có cơ sở khi “đại gia” CP đã năm lần bảy lượt rục rịch tăng thêm 1.000-2.000 đồng/kg trong một tuần trở lại đây, giá bán lợn hơi CP đã lên đến 80.000-83.000 đồng/kg (cùng kỳ tháng 11 giá lợn hơi là 65.000 đồng/kg).

Theo nhận định của một số thương lái, giá thịt lợn đang "nóng" lên từng ngày là có thật chứ không còn là "sốt ảo." Tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục bùng phát ở một số địa phương khiến người dân chưa dám tái đàn mạnh nên thời gian tới, giá lợn hơi được dự báo khó có khả năng giảm, thậm chí có thể sẽ cán mốc kỷ lục 100.000 đồng/kg.

Trong thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi bùng phát và "càn quét" khiến không chỉ ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam mà cả Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc và nhiều nước khác lao đao. Gần như tất cả các quốc gia láng giềng của Việt Nam đều rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn. Do đó, để giữ được nguồn cung thịt lợn trong nước, không để "cơn sốt" thịt lợn ngày càng tăng, các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh kiểm soát các cửa khẩu, không để tình trạng “thâm lậu” thịt lợn xảy ra ở các tỉnh biên giới.

Hiện nay, lực lượng quản lý thị trường và Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) các tỉnh biên giới đang phối hợp chặt chẽ để ngăn ngừa, kiểm soát việc vận chuyển lợn, thịt lợn trái phép. Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cũng đang tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để ngăn chặn hành vi chuyển lợn trái phép qua bên giới./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/gia-thit-lon-lien-tiep-lap-ky-luc-con-sot-tang-gia-chua-ha-nhiet/613825.vnp