Giá thịt lợn 'đạt đỉnh', thị trường thực phẩm có 'tát nước theo mưa'?!

Giá thịt lợn đang 'tăng vọt' thì trên thị trường Hà Tĩnh, nhiều loại thực phẩm cũng tạo đà tăng theo. Trong khi sản lượng thịt hơi trên địa bàn tỉnh giảm không đáng kể, nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu thị trường thực phẩm có 'tát nước theo mưa'?

Giá thịt lợn đang ở mức cao nhất từ trước tới nay

Gà, bò, tôm tăng giá theo... thịt lợn

Khảo sát ở các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Tĩnh cho thấy, hiện nay, giá nhiều loại thực phẩm đã “nhích” lên so với trước. Thịt lợn chiếm vị trí đầu bảng với giá dao động các loại từ 100.000 đồng - 150.000 đồng/kg. Trong đó, thịt ngang mông 130.000 đồng/kg; sườn 120.000 đồng/kg; ba chỉ 100.000 đồng/kg. Đây được xem là thời điểm giá thịt lợn đạt “đỉnh” nhất từ trước tới nay.

Chị Nguyễn Thị Thủy - tiểu thương bán thịt lợn ở chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Giá thịt tăng theo ngày, chưa bao giờ thị trường thịt lợn có giá cao như hiện nay. Điều này khiến cho việc bán hàng của chúng tôi cũng khó khăn hơn và giảm lợi nhuận so với trước do đầu vào tăng cao. Trong khi đó, lượng nhu cầu giảm hẳn, một phần người tiêu dùng e ngại với dịch tả lợn châu Phi, một phần do giá lên cao quá”.

Giá thịt tăng, số lượng bán ra tại quầy hàng của chị Thủy giảm so với bình thường

Không chỉ thịt lợn, giá thịt bò trong những ngày qua cũng đã bắt đầu tăng từ 2-3 giá so với trước. Hiện tại, giá thịt bò dao động từ 180.000 - 230.000 đồng/kg tùy loại.

Thịt bò đã bắt đầu tăng giá từ vài ngày nay

Thịt gà cỏ mía tăng từ 80.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg; gà cỏ ta từ 130.000 đồng/kg lên 150.000 đồng/kg ...

Gà cỏ, gà công nghiệp... đều tăng từ 20 - 30 nghìn đồng/kg

Trong khoảng hơn một tuần nay, giá tôm nuôi ở các thị trường cũng bất ngờ “đội giá” 30% so với trước. Điều này khiến cho các ông chủ nuôi tôm như “mở cờ” vì tháo gỡ được thời gian dài giá tôm nuôi xuống thấp.

Còn người tiêu dùng lại không khỏi lo lắng về giá các loại thực phẩm về cuối năm. Chị Nguyễn Thị Lý - một người nội trợ cho hay: “Theo đà này, càng về cận tết, giá thực phẩm chắc sẽ còn tăng nữa. Sợ nhất là thịt lợn khan hiếm sẽ khiến cho các mặt hàng khác tăng theo “hiệu ứng”, khi đó, người tiêu dùng không biết đường nào mà xoay sở”.

Khu giết mổ gia súc tập trung Thạch Đồng tăng cường kiểm soát dịch bệnh hơn so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Thị trường nội địa chịu điều tiết của thị trường lớn?

Ca giết mổ gia súc của khu giết mổ gia súc tập trung Thạch Đồng kết thúc lúc 6h sáng. Trong chuồng chỉ còn lại chưa đến 20 con lợn mới tập kết về đây để chuẩn bị cho ca giết mổ vào sáng hôm sau. So với thời điểm trước, hiện nay, mỗi ngày, khu giết mổ này chỉ duy trì ở mức 30 con (giảm 20 con so với trước).

Ông Hồ Sỹ Cầm - chủ lò mổ cho biết: “Trên thực tế, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên nhu cầu sử dụng thịt lợn giảm, vì thế, số lượng giết mổ cũng giảm theo. Còn nguồn cung lợn khan hiếm là do các trại xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh nhiều, cộng với tâm lý giữ đàn chờ tết khiến cho giá tăng cao”.

Sản lượng thịt hơi nội tỉnh chỉ giảm chưa đến 10% so cùng kỳ

Theo điều tra của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, mặc dù dịch tả lợn châu Phi hoành hành, tình hình sản xuất khó khăn, song, nhờ chủ động sớm các giải pháp kiểm soát dịch bệnh nên việc sụt giảm số lượng và sản lượng đàn lợn không quá lớn. Tổng đàn lợn toàn tỉnh giảm 11% so với cùng kỳ, còn khoảng 379.540 con. Theo đó, sản lượng thịt hơi năm 2019 ước đạt 67.711 tấn, chỉ giảm 9,3% so với cùng kỳ.

Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Qua điều tra, số lượng hộ chăn nuôi giảm nhưng tổng đàn giảm không đáng kể. Đặc biệt, đến nay, các trang trại chăn nuôi lớn vẫn giữ an toàn đã giúp cho sản lượng thịt hơi nội địa không bị thiếu hụt so với trước. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu thịt lợn của cả nước và một số nước lân cận cao nên thị trường nội tỉnh đang chịu sự chi phối của các thị trường lớn. Khoảng 50% lợn được xuất đi ngoại tỉnh”.

Giải thích cho việc “ăn theo” tình hình tăng giá của các thực phẩm khác, theo ông Hùng, tỷ lệ sử dụng thịt lợn của người tiêu dùng chiếm khoảng 65%, khi mặt hàng này có biến động thì tất yếu sẽ ảnh hưởng đến các mặt hàng khác.

Dẫu vậy, thị trường cũng không loại trừ việc “tát nước theo mưa”, nhiễu loạn thị trường trước tết, do vậy, cơ quan chuyên môn cần có giải pháp để bình ổn giá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ổn định thị trường.

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/thuong-mai-dich-vu/gia-thit-lon-dat-dinh-thi-truong-thuc-pham-co-tat-nuoc-theo-mua/182895.htm