Giá thép tăng phi mã, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói gì?

Trước nhiều nghi vấn cho rằng giá thép tăng cao do bị thao túng, doanh nghiệp bắt tay đẩy giá, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã lên tiếng.

Chỉ từ đầu năm đến nay, giá thép trong nước đã tăng 40 - 50% khiến nhiều người xây nhà gặp khó, nhà thầu rơi vào cảnh đang có lời hóa ra lỗ, doanh nghiệp bất động sản thì đau đầu tính tăng giá nhà.

Trước diễn biến này, không ít ý kiến, trong đó có cả Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam, nêu nghi vấn liệu “có sự bắt tay” của các công ty thép, nhằm tăng giá thép lên cao?

Trả lời phóng viên VTC News, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) - đã lên tiếng về việc này, đồng thời lý giải nguyên nhân vì sao giá thép trong nước tăng "nóng".

- Thời gian qua, giá thép liên tục tăng cao, có thời điểm tăng đến 40 - 50% chỉ trong vòng 1 tháng, theo ông nguyên nhân do đâu?

Giá thép trong nước tăng cao do chịu nhiều ảnh hưởng từ thị trường thế giới và cung cầu trên thị trường.

Trung Quốc hiện đang chiếm tới 60% sản lượng thép thô toàn cầu. Trong khi đó, nước này đang thực hiện chính sách cắt giảm sản lượng thép để giảm khí thải, bảo vệ môi trường. Từ 1/5/2021, Trung Quốc bỏ chính sách hoàn thuế xuất khẩu đối với 146 sản phẩm thép nhằm hạn chế xuất khẩu.

Năm 2020, Trung Quốc xuất khẩu 53 triệu tấn thép các loại. Năm 2021, dự báo xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ giảm. Có nghĩa lượng cung từ thị trường Trung Quốc cho thị trường thế giới giảm xuống, trong khi nhu cầu thép toàn cầu dự báo tăng, dẫn tới giá thị trường thép bị đẩy lên.

 Giá thép tăng cao chỉ trong thời gian ngắn. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Giá thép tăng cao chỉ trong thời gian ngắn. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhờ các gói kích thích kinh tế, điều này đồng nghĩa nhu cầu về thép của thế giới tăng, trong khi dự báo của các tổ chức quốc tế đều khẳng định công suất thép toàn cầu năm nay chưa thể hồi phục như trước đại dịch. Điều đó có nghĩa là giá thép sẽ có khả năng còn tăng.

Ngoài ra, hiện giá thép còn chịu sự tác động của cước phí vận chuyển tăng cao, thiếu container tàu biển…

Một nguyên nhân khác là do giá nguyên liệu sản xuất thời gian qua cũng tăng mạnh. Các nguyên liệu như quặng sắt, phế thép, nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên như than mỡ, điện cực, trục cán, vật liệu chịu lửa… phục vụ cho sản xuất thép hầu hết được nhập khẩu, nên thị trường thép Việt Nam chịu sự chi phối lớn từ thị trường toàn cầu.

Việc tăng giá thép gần đây là do giá nguyên vật liệu sản xuất thép toàn cầu tăng bất thường, giá thép thô và thép thành phẩm trên thế giới đều tăng và diễn biến phức tạp, khó lường. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

Tôi lấy ví dụ: Giá quặng sắt hồi quý I/2020 chưa đến 80 USD/tấn, giờ hơn 200 USD/USD.

Hiệp hội Thép Việt Nam đã có văn bản khuyến nghị tới doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất để bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng giá nguyên liệu như hiện nay, việc duy trì được sản xuất của doanh nghiệp cũng được xem là khó.

- Nguồn cung thép cho thị trường trong nước hiện nay từ đâu, thưa ông?

Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.

Tôi khẳng định năng lực sản xuất thép trong nước không thiếu. Thép xây dựng sản xuất mỗi năm khoảng 17-18 triệu tấn, nhưng nhu cầu chỉ 10,5 triệu tấn, năng lực sản xuất của ngành thép hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu.

Trong 4 tháng đầu năm nay, sản xuất của ngành thép vẫn tăng trưởng mạnh. Trước đó năm 2020 cũng tăng trưởng hơn 10%.

Nhưng có thực tế là nhu cầu thị trường quốc tế đang tăng nên doanh nghiệp tận dụng đẩy mạnh xuất khẩu để nâng cao hiệu quả tài chính cho doanh nghiệp. Điều này khiến lượng cung cho thị trường trong nước có thể giảm xuống.

Tuy nhiên cần phải thấy rằng, thép là mặt hàng liên thông quốc tế, được điều khiển hoàn toàn bởi thị trường, nên nếu tăng năng lực sản xuất trong nước hay hạn chế xuất khẩu như một số ý kiến đang được nhắc tới thì câu chuyện giá cả cũng cần phải được xử lý tương ứng.

Ngoài ra, trong khi cầu tăng mạnh thì cung bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng về năng lực sản xuất.

Để bình ổn thị trường thì Nhà nước cần có sự can thiệp bằng các công cụ quản lý vĩ mô theo thẩm quyền.

Tôi cho rằng, không có hiện tượng đầu cơ, thao túng. Thị trường thép là thị trường rất cạnh tranh, có đến mấy chục nhà sản xuất chứ không phải 2- 3 ông làm mà bắt tay nhau được.

- Bộ Xây dựng vừa qua cho rằng, giá thép tăng đột biến, không đúng quy luật thị trường. Ý kiến của ông thế nào?

Quan điểm của tôi là giá thép đang vận hành đúng theo quy luật thị trường.

Quý I/2020, giá thép giảm, giữ ở mức thấp cho đến tận quý III, sau đó đến tháng 9 và 10 năm 2020 giá thép phục hồi.

Việc tăng cao bắt đầu xuất hiện từ cuối quý IV/2020 cho đến nay, mức tăng phải vào 40-50%. Đây là mức tăng mạnh, liên tục và trong thời gian ngắn.

Chúng ta bất ngờ về sự tăng mạnh, tăng nhanh của nhiều hàng hóa, kim loại cơ bản chứ không chỉ là thép, nhưng không phải là sự bất thường, tăng có nguyên nhân xuất phát từ cung cầu thị trường. Thị trường thép toàn cầu đều chứng kiến đợt tăng giá mạnh này.

Giá thép trong nước tăng là do chi phí đầu vào tất cả các nguyên liệu sản xuất đều tăng. Từ quặng sắt, điện cực graphite, thép phế và nguyên vật liệu khác đều phụ thuộc vào thị trường thế giới. Thị trường thế giới tăng lên, chi phí sản xuất tăng lên kéo theo giá thép thành phẩm tăng.

- Liệu có câu chuyện bắt tay, thao túng thị trường đẩy giá thép lên cao của các doanh nghiệp không, thưa ông?

Tôi cho rằng, không có hiện tượng đầu cơ, thao túng. Thị trường thép là thị trường rất cạnh tranh, có đến mấy chục nhà sản xuất chứ không phải 2- 3 ông làm mà bắt tay nhau được.

Vấn đề là thị trường không khan hiếm các loại thép thành phẩm, cũng không phải găm hàng, cung cầu thị trường, hoạt động mua bán vẫn diễn ra bình thường. Doanh nghiệp với mục tiêu lợi nhuận, họ luôn hành động theo tín hiệu của thị trường.

Tuy nhiên, Nhà nước cần can thiệp khi xảy ra khuyết tật của thị trường, bằng những công cụ điều tiết thích hợp nhằm đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích, khuyến khích sản xuất cho các doanh nghiệp.

Hiệp hội Thép Việt Nam đã có 2 văn bản đề nghị các thành viên hiệp hội thép thực hiện một số giải pháp nhằm góp phần bình ổn thị trường trong nước như: Tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường; tăng cường hợp tác phối hợp, ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước; tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý.

Sản phẩm thép xây dựng tại Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương cung ứng ra thị trường. (Ảnh:TTXVN)

- Bộ Công Thương cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ kiểm soát xuất khẩu với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động, theo ông điều này có giúp cho giá thép hạ nhiệt trong thời gian tới?

Quan điểm của Hiệp hội Thép là ủng hộ khuyến khích xuất khẩu các loại thép thành phẩm. Với năng lực sản xuất các sản phẩm thép hiện nay (thép xây dựng, ống thép, thép tôn mạ, cuộn cán nguội), chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu sản phẩm thép trong nước và xuất khẩu.

Vấn đề chúng ta cần quan tâm xử lý là bán thành phẩm (phôi thép, thép cuộn cán nóng-HRC). Đối với thép cuộn nóng, hàng năm chúng ta vẫn phải nhập đến 60-65% nhu cầu trong nước.

Còn đối với phôi thép dùng cán thép xây dựng, chúng ta có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu một phần.

Năm 2020, xuất khẩu phôi thép khoảng 3 triệu tấn, còn trong 4 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu phôi thép đã đạt trên 1 triệu tấn, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này phần nào giảm nguồn phôi thép cho các dây chuyền cán thép xây dựng trong nước, khi các nhà máy luyện thép chưa có khả năng phát huy hết công suất luyện.

Chính vì vậy, VSA đưa ra kiến nghị các nhà sản xuất thép ưu tiên nguồn phôi thép để dùng cho sản xuất trong nước và Chính phủ có cần có chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phôi tạm thời hạn chế xuất khẩu, ưu tiên thị trường nội địa, góp phần hạn chế sự tăng giá thép xây dựng, góp phần bình ổn thị trường thép trong nước.

Năng lực sản xuất thép trong nước không thiếu, ngành thép hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu.

- Thị trường thép và giá thép thời gian tới sẽ diễn biến ra sao, thưa ông?

Diễn biến của thị trường bây giờ phụ thuộc vào kiểm soát giá của Trung Quốc, giá có thể chững lại, không tăng nữa, nhưng để dự đoán chính xác là rất khó.

Ngoài ra, giá thép toàn thế giới tăng nên cũng rất khó dự đoán được diễn biến của giá thép của thời gian tới.

Tình hình tăng giá thép đã kéo dài nhiều tháng. Lúc đầu Hiệp hội dự báo chỉ kéo dài đến hết quý II nhưng tình hình hiện nay rất khó dự báo do diễn biến mới của dịch COVID-19 vừa bùng phát tại nhiều quốc gia.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc liên tục biến động, không thể lường trước được, bài học từ các năm 2008 - 2009 còn rất rõ, lúc đó do khủng hoảng toàn cầu nhưng bây giờ là do dịch COVID-19 đang khắc chế nguồn cung nên Hiệp hội phải thận trọng trong dự báo.

Ngọc Vy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/gia-thep-tang-phi-ma-chu-tich-hiep-hoi-thep-viet-nam-noi-gi-ar613123.html