Gia thế 'khủng' của 'công chúa Huawei' bị bắt tại Canada

Mới đây, việc bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Huawei, bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của chính phủ Mỹ đã gây chấn động cả Trung Quốc. Những tiết lộ sau đây sẽ cho thấy gia thế 'khủng' của bà Mạnh, một trong những giám đốc tài chính hàng đầu Trung Quốc.

Như báo An ninh thủ đô đã đưa tin, ngày 1-12, bà Mạnh Vãn Châu, CFO của tập đoàn viễn thông Huawei đã bị bắt tại Vancouver (Canada) với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Bà Mạnh Vãn Châu

Bà Mạnh Vãn Châu

Chỉ trong vài giờ sau khi thông tin vụ bắt giữ được công bố, đã có chừng 30 triệu tin nhắn trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đề cập đến sực việc này. Vụ bắt giữ cũng làm dấy lên nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận đình chiến thương mại mong manh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tập đoàn Huawei của Trung Quốc được cho là một trong những doanh nghiệp trực tiếp phải đối mặt với những thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc. Hồi tháng 8, Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh cấm Chính phủ Mỹ dùng sản phẩm của công ty này vì lý do an ninh quốc gia. Những hồ sơ và bản khai tại phiên tòa đã hé lộ nhiều thông tin về cuộc sống cá nhân của CFO Huawei.

Người cha quyền lực

Bà Mạnh Vãn Châu sinh năm 1972, là con gái của nhà sáng lập Tập đoàn Huawei, Nhậm Chính Phi, và được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu để tiếp quản tập đoàn từ tay cha.

Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi (phải) giới thiệu với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tòa nhà văn phòng của tập đoàn tại London vào tháng 10-2015

Báo Tiền Phong cho hay, ông Nhậm sinh ra ở Quý Châu, tỉnh nghèo nhất nhì Trung Quốc, đã ba lần kết hôn và có hai con gái, một con trai.

Năm 30 tuổi, ông gia nhập quân đội Trung Quốc với tư cách kỹ sư. Khoảng thời gian này, ông cưới người vợ đầu tiên, Mạnh Quân, và có một con gái, chính là bà Mạnh Vãn Châu và con trai Nhậm Bình. Sau này, cả 2 người đều lấy họ Mạnh theo mẹ “để tránh chú ý không cần thiết”.

Ngoài ra, báo Công lý cũng thông tin, ông Nhậm Chính Phi từng làm việc trong ngành công nghệ quốc phòng, và là đảng viên Cộng sản Trung Quốc từ năm 1958. Trong thời gian ở quân đội, ông được bầu là đại biểu của quân đội tham dự Đại hội Đảng Toàn quốc.

Nhậm Chính Phi rút khỏi quân đội năm 1983 khi 39 tuổi, thành lập Huawei năm 1987, 12 năm sau khi Apple được Steve Jobs và Steve Wozniak sáng lập. Huawei là thương hiệu điện tử lớn nhất Trung Quốc. Năm 2005, ông được tạp chí Times bình chọn là một trong 500 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Một số nguồn tài liệu cho rằng tài sản của ông vào khoảng 3,5 tỷ USD. Ngoài ra, ông Nhậm từng là người tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Anh cuối 2015 và được các báo Hong Kong gọi là "người thường xuyên ra vào chốn cung đình" ở Bắc Kinh.

Về đời sống gia đình, không lâu sau khi thành lập Huawei, ông ly hôn với vợ đầu và kết hôn với Diêu Lăng. Cả hai người có một con gái tên là Annabel Yao. Ngay trước khi người chị cùng cha khác mẹ bị bắt, Yao cũng gây chú ý khi tham dự một bữa tiệc xa hoa Le Bal des Débutantes tại Paris, bữa tiệc hội tụ gương mặt của con cái các nhà tỷ phú nổi tiếng thế giới.

Là người đứng đầu một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc, ông Nhậm Chính Phi sống khá kín tiếng, không mấy ai biết được chi tiết về đời sống riêng tư của ông. Theo một bài báo trên Paris Match, gia đình ông sống trong "cung điện" tại Thâm Quyến để đón khách thăm Huawei. Theo truyền thông Trung Quốc, ông đang sống với người vợ thứ ba, đó là cựu trợ lý Su Wei.

"Nữ tướng" tài chính

Bà Mạnh Vãn Châu có bằng thạc sỹ Đại học Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán. Năm 1992, bà xin việc làm đầu tiên ở Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc (China Construction Bank) nhưng chỉ một năm sau thì bắt đầu làm việc cho Huawei, công ty của cha.

Mạnh Vãn Châu trở thành cánh tay phải của cha về quản lý tài chính tại Huawei

Bà từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong mảng ngân hàng, quản lý vốn và kế toán. Tuy thế, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc, bà Mạnh tiết lộ bà bắt đầu ở Huaweitừ những vị trí thấp như nhân viên trực điện thoại, thư ký, và đôi khi lo bán hàng tại hội chợ.

Năm 2003, Mạnh Vãn Châu được trao nhiệm vụ thống nhất các bộ phận tài chính của Huawei trên toàn cầu và chuẩn hóa các thủ tục kế toán, IT (công nghệ thông tin).

Từ năm 2005, Mạnh Vãn Châu đảm nhận vai trò điều hành việc thành lập 5 trung tâm dịch vụ của Huawei. Các trung tâm này đã giúp nâng cao hiệu quả kế toán và giám sát chất lượng của Huawei, góp phần mở rộng nhanh chóng quy mô hoạt động của Huawei ở nước ngoài. Bà cũng chỉ đạo hoàn thành trung tâm thanh toán quốc tế của tập đoàn này, đặt tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Những trung tâm này đã trở thành động lực thúc đẩy hiệu quả của việc kế toán và quản lí chất lượng, góp phần mở rộng hệ thống kế toán để có thể đáp ứng đủ với tốc độ phát triển và mở rộng của Huawei trên thị trường toàn cầu.

Từ năm 2007, bà Mạnh đã phụ trách Chương trình Chuyển đổi Dịch vụ tài chính tích hợp trong một dự án chung 8 năm với tập đoàn IBM để giúp Huawei phát triển hệ thống dữ liệu và quy tắc phân bổ nguồn lực, cải thiện hiệu quả hoạt động và tối ưu hóa quá trình kiểm soát nội bộ.

Căn biệt thự triệu đô của bà Mạnh tại Canada

Giống như cha mình, Mạnh Vãn Châu cũng sống khá kín tiếng, ít ai biết được thông tin về đời sống cũng như số tài sản thật sự của vị CFO này. Theo tài liệu của tòa án tiết lộ, bà Mạnh và người chồng Liu Xiaozong, 43 tuổi, sở hữu 2 căn biệt thự ở thành phố Vancouver của Canada, trong đó, một căn trị giá 5,6 triệu đô la Canada (4,2 triệu USD) căn biệt thự còn lại trị giá 16,3 triệu đô la Canada (12,2 triệu USD). Người nhà bà Mạnh sau đó đã thế chấp cả 2 bất động sản này để bảo lãnh cho bà tại ngoại.

Minh Hạnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/gia-the-khung-cua-cong-chua-huawei-bi-bat-tai-canada/793173.antd