Giá thấp nhất trong 14 năm, lo nông dân bỏ cây cà phê

Tình trạng giá cà phê giảm cùng với những tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra những ảnh hưởng xấu tới ngành cà phê Việt Nam.

Các chuyên gia trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: N.H

Các chuyên gia trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: N.H

Ngày 3/12, phát biểu tại diễn đàn "Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng giá 2019", ông Nguyễn Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành cà phê Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức do tác động của biến động giá trên thị trường và tình trạng biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan có nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển cà phê bền vững. Trong đó đã xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển cà phê, đề án cà phê bền vững; đề án tái canh cà phê, đề án sản phẩm quốc gia cà phê chất lượng cao. Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo tái canh cà phê, Ban điều phối ngành hàng cà phê…

Là một doanh nghiệp rang xay và xuất khẩu cà phê, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp chia sẻ, hiện nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên đang gặp khó khăn lớn về giống. Theo đó, cần có giống cà phê phù hợp với biến đổi khí hậu và có năng suất cao để kéo giảm giá thành sản xuất cà phê. Cùng với đó, hiện cây cà phê đang sử dụng lượng nước tưới quá lớn. “Với 650.000 ha trồng cà phê và lượng nước tưới trung bình 400 lít/cây, có thể thấy đây là vấn đề rất lớn trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay” – ông Hiệp cho hay.

Ông Hiệp cũng đánh giá: “Trong lịch sử 14 năm qua, đây là giai đoạn tồi tệ nhất của giá cà phê. Nhiều nông dân đã bỏ rẫy đi nơi khác kiếm sống. Bởi ở Việt Nam đa số trang trại cà phê có quy mô nhỏ lẻ, nên chịu tác động về giá lớn hơn nhiều so với những trang trại, đồn điền quy mô lớn ở các nước khác”.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại về việc người nông dân sẽ bỏ cây cà phê để trồng các loại cây khác. Điểm tích cực là Chính phủ đang nỗ lực xây dựng chuỗi giá trị ngành cà phê, các doanh nghiệp cũng đang cố gắng nâng cao tỷ lệ chế biến. Cùng với đó, nhiều FTA đã được ký kết với EU và nhiều nước khác, qua đó mở ra cơ hội tốt để mở cửa thị trường.

Ông Gerardo Patacconi, Trưởng ban điều hành Tổ chức cà phê quốc tế (ICO) cũng đưa ra một số tín hiệu lạc quan cho ngành cà phê trong thời gian tới. Theo đó, trong niên vụ 2019/2020, sản lượng cà phê toàn cầu dự báo sẽ giảm do cường quốc sản xuất cà phê Brazil đang trong chu kỳ giảm của chu kỳ sản xuất cà phê 2 năm một lần. Nguyên nhân do thời gian qua giá liên tục giảm khiến cho người nông dân Brazil giảm đầu tư cho sản xuất cà phê. Trong khi đó, tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng lên khiến cho toàn cầu có khả năng sẽ thiếu hụt 0,5 triệu bao cà phê. Các yếu tố này có thể sẽ hỗ trợ cho giá cà phê trong niên vụ tới.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/gia-thap-nhat-trong-14-nam-lo-nong-dan-bo-cay-ca-phe-116404.html