Giá thấp, khan hiếm nhân công

Sau Tết Nguyên đán cũng là thời điểm hồ tiêu đang chín rộ. Tuy nhiên, đa số các hộ trồng hồ tiêu đang gặp khó vì khan hiếm nguồn nhân công để thu hoạch tiêu cho kịp thời vụ. Bên cạnh đó, giá hồ tiêu vẫn ở mức thấp.

Hiện người trồng tiêu đang tập trung thu hoạch, việc thiếu người khiến thời gian thu hoạch kéo dài. Trong ảnh: Gia đình bà Dương Thị Mai (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đang phơi tiêu sau thu hoạch.

Hiện người trồng tiêu đang tập trung thu hoạch, việc thiếu người khiến thời gian thu hoạch kéo dài. Trong ảnh: Gia đình bà Dương Thị Mai (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đang phơi tiêu sau thu hoạch.

HỒ TIÊU CHÍN RỘ, KHÔNG CÓ NHÂN CÔNG THU HÁI

Vừa tranh thủ hái hồ tiêu vừa tiếp chúng tôi, bà Dương Thị Mai (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) buồn bã cho biết, từ mùng 3 Tết bà đã bắt đầu phải tìm người thu hoạch 1,5ha tiêu đang bắt đầu chín rộ. Tuy nhiên, sau cả tuần lễ, gia đình bà vẫn đang chạy đôn chạy đáo vì không tìm thuê được người. Theo bà Mai, các năm trước, hồ tiêu chín sớm hơn (trước Tết Nguyên đán), lúc đó do nhiều người muốn kiếm thêm thu nhập để lo cho gia đình dịp Tết nên việc tìm người vẫn còn dễ. Năm nay, tiêu chín muộn, ra Tết người ta đi làm thuê ở thành phố hoặc những nơi có thu nhập cao hơn nên việc thuê nhân công rất khó khăn. “Nhà neo người, những ngày qua chỉ có 2 mẹ con tôi thu hoạch, nhưng cả hàng ngàn cây tiêu thế này không biết bao giờ mới xong”, bà Mai chia sẻ thêm.

Đồng cảnh ngộ, anh Trần Văn Cường ngụ cùng ấp cũng lao đao tìm nhân công cho 2.000 trụ tiêu đang đồng loạt chín rộ. Năm nay năng suất thấp, do không được chăm sóc đầu tư như trước đây, ước tính, vườn tiêu của anh Cường chỉ thu được khoảng 1,8 tấn hạt, ít hơn những năm trước khoảng 1,2 tấn. Những năm trước, khi tiêu đang được giá, mỗi ngày gia đình anh thường thuê từ 8 -10 nhân công để thu hoạch. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây anh chỉ thuê được 2-3 nhân công thu hái cùng gia đình. Với tình trạng thiếu người như hiện nay, vườn tiêu của anh phải mất 1-2 tháng mới thu hoạch xong, trong khi đó, tiêu đang độ chín rộ, nếu không thu hoạch kịp sẽ rụng hết.

Để đối phó với tình trạng thiếu người thu hoạch, người trồng tiêu đã phủ những tấm bạt, nylon dưới gốc tiêu để thu gom tiêu chín, rơi rụng. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp ứng phó bởi thu hoạch theo phương pháp này dễ hao hụt tiêu, đồng thời khó tránh khỏi việc đất hay lá trộn lẫn vào.

GIÁ HỒ TIÊU XUỐNG THẤP

Theo các hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện Châu Đức, năm nay tiêu năng suất thấp, giá tiêu hiện tại thương lái thu mua cũng chỉ từ 38.000 - 40.000 đồng/kg, trong khi đó giá nhân công hiện tại nếu thuê được cũng khoảng 250.000 - 280.000 đồng/ngày/công, chưa kể chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chăm sóc ban đầu… Do vậy, nhiều người trồng tiêu nhận định, dù hộ trồng tiêu nào đạt chất lượng tốt cũng khó mà huề vốn.

Ông Nguyễn Văn Động, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho hay: Việc không thu hoạch kịp thời sẽ ảnh hưởng tới sản lượng tiêu cho năm tới bởi khi đó tiêu sẽ chết và sinh trưởng kém. Nếu vườn nào không hái được, để tiêu chín khô trên cây thì năm sau sản lượng vườn đó sẽ giảm hơn 50%, lượng tiêu chết 30%.

Ông Nguyễn Bá Trung (xã Kim Long, huyện Châu Đức) cho biết: Năm nay, sản lượng tiêu thấp, trong khi đó, thời điểm chính vụ, giá tiêu chỉ còn khoảng 40.000/kg. Do đó, nhiều gia đình không có đủ tiền để trả cho nhân công. Trong 3 năm qua, nông dân trồng tiêu trở nên khốn đốn, bởi chi phí đầu tư sản xuất, phân bón, nhân công cao. Trung bình mỗi ha tiêu đạt gần 2 tấn, khi bán ra chỉ được mấy chục triệu đồng. Trong đó chi phí nhân công đã chiếm hơn một nửa, đó là chưa tính tiền phân bón, công chăm sóc. Với giá tiêu hiện nay, người nông dân chỉ thu lại còn một nửa nên không đủ bù chi phí công sản xuất. Nông dân trồng tiêu luôn bấp bênh, bởi khi được mùa tiêu thì mất giá và ngược lại những năm mất mùa, giá cả lại cao.

Nhận định về hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng bỏ tiêu sang trồng loại cây khác, ông Nguyễn Văn Động, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho rằng: Vài năm trở lại đây, do không được chăm sóc tốt, số lượng cây tiêu đã chết đi đáng kể, nhiều bà con phá bỏ và trồng thay thế loại cây khác như mít, sầu riêng... Tuy nhiên, Hội Nông dân huyện cũng phối hợp với các ban, ngành khuyến cáo bà con nông dân không trồng ồ ạt các loại cây khác, tránh tình trạng được mùa mất giá như nhiều loại cây khác. Bên cạnh đó, đối với những hộ có diện tích lớn, trồng lâu năm, huyện vẫn khuyến khích giữ và phát triển cây tiêu, bởi tiêu vốn là một trong những cây trồng chủ lực của huyện, người nông dân đã bỏ chi phí đầu tư lớn để trồng tiêu, nay để chuyển đổi sang một cây trồng mới, họ phải phá bỏ hết nên thua lỗ lớn.

Bài, ảnh: KIM HỒNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202002/ho-tieu-vao-mua-thu-hoach-gia-thap-khan-hiem-nhan-cong-891234/