Gia tăng tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn

Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn TP.HCM, tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch, nhất là trên sông Sài Gòn đã ở mức báo động. Số vụ vi phạm lấn chiếm và xây dựng công trình trên hành lang bảo vệ ngày càng gia tăng...

+ Đủ kiểu chiếm sông, lấn dòng

Số vụ vi phạm lấn chiếm và xây dựng công trình trên hành lang bảo vệ ngày càng gia tăng, thế nhưng, việc xử lý vi phạm lại thiếu kiên quyết.

Sông Sài Gòn không chỉ là thủy lộ quan trọng cùng hệ thống cảng góp phần tạo sự phồn vinh cho TPHCM, mà còn là yếu tố tạo nên nét đặc trưng của một đô thị trên bến dưới thuyền. Vậy mà với quá trình đô thị hóa, đôi bờ sông đã bị san lấp, lấn chiếm vô tội vạ. Dòng sông đang biến dạng từng ngày.

Tình trạng lấn chiếm sông Sài Gòn

Đi dọc men theo bờ sông Sài Gòn từ địa phận quận 12 xuống các quận Bình Thạnh, Gò Vấp cho tới Thủ Đức, quận 2… không khó để nhận ra hàng chục căn nhà trái phép xây dựng ngay trên mặt nước sông. Ngoài ra, tình trạng đổ đất lấn chiếm, làm bờ kè biến mặt nước thành mặt đất để xây dựng xảy ra nhiều vô kể.

Tại các tuyến bờ sông Sài Gòn thuộc khu phố 2; 3; 4; 5, phường An Phú Đông, quận 12 tình trạng người dân lấn chiếm hành lang hai bên bờ sông đang diễn ra từng ngày. Không chỉ xây dựng các công trình nhà ở, hiện hai bên bờ sông đang là địa điểm lý tưởng cho các bãi khai thác cát, kho vật liệu xây dựng thi nhau mọc lên. Ngoài ra, một số công trình xây dựng lớn, nằm trong quy hoạch cũng nghiễm nhiên lấn chiếm khiến dòng sông cứ teo tóp dần.

Qua tìm hiểu, sông Sài Gòn đoạn chảy qua địa phận quận Thủ Đức là nơi sông bị xâm lấn nghiêm trọng nhất. Hàng chục căn nhà, biệt thự ven sông xây trên mặt nước bằng mắt thường cũng có thể quan sát được. Tuy nhiên, do chúng nằm ở sát mép nước nên rất ít khi bị phát hiện, trừ những khi lực lượng kiểm tra đi trên ghe, thuyền trên sông mới quan sát thấy.

Ảnh: Thanh Sa

Ông Tôn Long Bảo, ngụ phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) cho hay: Với giá đất trung bình ven sông ở khu vực Thủ Đức khoảng 12-15 triệu/m2 được rao bán như hiện nay thì hai bên hành lang bờ sông đang là địa điểm được dân tứ xứ đổ về đây cất nhà sinh sống. Do diện tích đất trên bờ khá eo hẹp nên rất nhiều hộ dân chọn giải pháp đóng cọc bê tông, xây lấn lòng sông, cơi nới thêm để ở.

Đi dọc theo bờ sông qua địa bàn phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) một đoạn, chúng tôi thấy có đến 23 công trình lớn nhỏ lấn ra hành lang sông, khiến bờ sông nham nhở, lộn xộn.

Còn tại phường Thảo Điền (quận 2) dọc bờ sông Sài Gòn, phần đất được quy hoạch hành lang 50m đã được giao cho các đơn vị chủ dự án, đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, khu biệt thự cao cấp, phía bên trong là các tuyến đường giao thông.

Ông Nguyễn Trần Phú Thịnh, Chủ tịch UBND phường cho hay: Dọc khu vực bờ sông này, các chủ đầu tư tiến hành xây dựng hệ thống tường rào kiên cố bao quanh đến tận mép bờ sông, bịt chặt mọi lối ra hành lang. Họ ngang nhiên biến diện tích hành lang an toàn bờ sông thành đất nhà ở, xây dựng các công trình phụ trợ như phần đất riêng của mình. Để thực địa kiểm tra, cơ quan chức năng của phường phải xin phép bảo vệ mới được đi vào, nếu họ không đồng ý, đoàn kiểm tra chỉ còn cách đi ghe.

Ảnh: Thanh Sa

Số liệu thống kê từ báo cáo của chín quận, huyện có sông Sài Gòn đi qua trong đợt tổng rà soát về tình hình quản lý, sử dụng hành lang an toàn sông Sài Gòn theo yêu cầu của UBND TP.HCM mới đây cho thấy, trong số chín quận, huyện chỉ có hai quận 1 và 4 không có trường hợp nào vi phạm.

Địa phương vi phạm nhiều nhất là quận Thủ Đức với 79 trường hợp, quận 2 với 17 trường hợp. Những trường hợp này bao gồm xây dựng trước và sau khi có Quyết định 150/2004 của UBND TP quy định về hành lang an toàn sông Sài Gòn.

Hơn 140 điểm vi phạm hành lang an toàn sông Sài Gòn

Theo báo cáo của Khu quản lý đường thủy nội địa TP HCM, hiện TP có hơn 140 điểm vi phạm lấn chiếm hành lang, an toàn sông Sài Gòn. Đến nay, sông Sài Gòn còn tồn 25 vụ vi phạm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, chủ yếu nằm ở các Quận 2, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức.

Đại diện Sở Xây dựng thành phố cho biết, nhiều công trình xây dựng bến cảng, công viên, đường hành lang ven sông, đê bao… nằm trong quy hoạch, được phê duyệt nhưng rất khó thực hiện vì các công trình xây dựng trái phép nhiều, kinh phí giải tỏa lớn.

Ngay cả tuyến đê bao ven sông chống ngập Sài Gòn, một công trình trọng điểm của thành phố với mục đích ngăn triều, ngăn lũ, chống ngập mùa mưa cũng gặp khó khi xây dựng vì quá nhiều công trình lấn chiếm không giải tỏa nổi. Đến nay, chỉ đoạn thượng nguồn Củ Chi, Hóc Môn là đúng tiến độ, còn ở hạ lưu, chưa biết khi nào tuyến đê này mới hoàn thiện xong.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/gia-tang-tinh-trang-lan-chiem-hanh-lang-bao-ve-song-sai-gon-post179422.html