Gia tăng phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trong bối cảnh dịch COVID-19

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới bị bạo lực gia tăng từ 30% đến 300%. Các cơ sở y tế thường là nơi đầu tiên tiếp nhận các nạn nhân bị lạo lực giới, do đó vai trò của Công tác xã hội tại các cơ sở này là rất quan trọng.

Ngày 8/10, gần 100 y, bác sĩ, nhân viên công tác xã hội, các Sở, ban, ngành; các tổ chức và chuyên gia đến từ các Bệnh viện Trung ương; Bệnh viện, Cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đề xuất các sáng kiến để cải thiện việc hỗ trợ cho các bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới tại các cơ sở y tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Diễn đàn “Công tác Xã hội trong hỗ trợ bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới tại cơ sở y tế và trong bối cảnh dịch COVID-19: Góc nhìn của người trong cuộc” do Sở Y tế đồng chủ trì phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Việt Nam và Tổ chức Planète Enfant et Dévelopment (PE&D). Diễn đàn là tiền đề cho việc rà soát, lập Kế hoạch dự kiến đề xuất thí điểm Mô hình dịch vụ một cửa hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người là nạn nhân của bạo lực giới. Tại Việt Nam 63% phụ nữ đã từng trải qua một dạng bạo lực trong đời. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới bị bạo lực gia tăng từ 30% đến 300%.

Các cơ sở y tế thường là nơi đầu tiên tiếp nhận các nạn nhân bị lạo lực giới, do đó vai trò của Công tác xã hội tại các cơ sở này là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới và Công tác xã hội trong Bệnh viện chưa có sự kết nối và cơ chế phối hợp còn nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Diễn đàn đã khẳng định rõ công tác xã hội rất quan trọng trong các cơ sở y tế và đây là cơ hội tốt cho các cơ sở y tế chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác xã hội trong bối cảnh COVID-19 và nắm rõ thêm thông tin về các quy định và hướng dẫn về hỗ trợ các nạn nhân và các quy định về nhiệm vụ thực hiện công tác xã hội trong bệnh viện”.

Bà Vũ Phương Ly - Chuyên gia chương trình của UN Women Việt Nam khẳng định Y tế là một trong ba dịch vụ thiết yếu dành cho nạn nhân cùng với Tư pháp, Hành pháp và Dịch vụ xã hội được chú trọng trong Gói dịch vụ thiết yếu toàn cầu cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực mà UN Women cùng với các tổ chức Liên hợp quốc khác đang nỗ lực giới thiệu, thử nghiệm và nhân rộng tại Việt Nam.

Theo đó, quy trình khám chữa bệnh cần đảm bảo có nhạy cảm với các nhu cầu và không gây thêm tổn thương cho bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới, đồng thời phải có sự điều phối, kết nối, chuyển gửi chặt chẽ với các Dịch vụ thiết yếu khác.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ tiêu chuẩn hỗ trợ nạn nhân toàn cầu theo gói dịch vụ can thiệp thiết yếu, những kinh nghiệm thực hiện công tác xã hội trong bệnh viện và các mô hình dịch vụ một cửa hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới trong bệnh viện tại các nước trên thế giới và việc triển khai công tác này trên thực tế khi hỗ trợ các bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới trong các cơ sở y tế tại Việt Nam.

Diễn đàn đã góp thêm tiếng nói và góc nhìn của người trong cuộc góp phần cải thiện chất lượng Công tác xã hội trong bệnh viện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới. Diễn đàn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và huy động các bên liên quan tham gia đồng hành phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới theo cách tiếp cận của Công tác xã hội góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

D.Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gia-tang-phu-nu-va-tre-em-gai-bi-bao-luc-trong-boi-canh-dich-covid-19-n181163.html