Gia tăng phụ nữ mang thai nhiễm HIV

Tình hình dịch HIV hiện đang có xu hướng làm gia tăng phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Trong khi đó, tỷ lệ phụ nữ mang thai đã sinh con được làm xét nghiệm trước và trong quá trình mang thai thấp (53%) khiến cho công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa phát huy hiệu quả tối đa.

Thông tin trên được ThS-bác sỹ. Nguyễn Thị Lan Hương, Phó trưởng Phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đưa ra tại buổi gặp mặt cung cấp thông tin cho phóng viên báo chí nhân Tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018.

ThS. Lan Hương cho biết, hiện đang có xu hướng gia tăng phụ nữ mang thai nhiễm HIV (do bệnh lây nhiễm qua đường tình dục tăng lên). Vì vậy, việc kiểm soát, tư vấn và xét nghiệm cho đối tượng này còn khó khăn, dẫn tới công tác phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con gặp nhiều thách thức.

Hiện mỗi năm Việt Nam có khoảng 2,7 triệu phụ nữ có thai; hơn 1,5 triệu phụ nữ sinh con. Tuy nhiên, số phụ nữ mang thai đã sinh con được xét nghiệm HIV từ trước và trong mang thai thấp (53%); số phụ nữ được xét nghiệm khi chuyển dạ là 47%; tỷ lệ phụ nữ mang thai đã sinh con được xét nghiệm chiếm khoảng 50%.

Có gần 2.000 mẹ nhiễm HIV được điều trị ARV, trong đó điều trị trước khi mang thai chiếm phần lớn (59%) đã biết nhiễm HIV, muốn mang thai. Số người điều trị khi mang thai là 22%, điều trị khi chuyển dạ là 19%...

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS: Có nhiều hoạt động diễn ra trong tháng cao điểm Dự phòng HIV từ mẹ sang con. Ảnh: T.A

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS: Có nhiều hoạt động diễn ra trong tháng cao điểm Dự phòng HIV từ mẹ sang con. Ảnh: T.A

Khi bà mẹ mang thai được điều trị ARV sớm từ trước khi mang thai đến sau khi sinh sẽ giảm tỷ lệ phơi nhiễm sang con.

Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn do bệnh lây qua đường tình dục tăng làm gia tăng phụ nữ mang thai có xu hướng nhiễm HIV thì khó khăn nữa trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là: BHYT hiện chi trả test xét nghiệm cho phụ nữ nhưng phải khai thác yếu tố nguy cơ của phụ nữ mang thai.

Việc xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong chuyển dạ cao (47%) làm tăng nguy cơ mất dấu gây khó khăn khi theo dõi tình trạng trẻ nhiễm HIV từ mẹ…

Để góp phần khắc phục tình trạng này, theo TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Cục đã phát động Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018 diễn ra từ ngày 1-6 đến 30-6 với mục đích thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; đồng thời, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm.

Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai), đẩy mạnh các can thiệp, chất lượng dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho thấy, trong 3 tháng đầu năm cả nước phát hiện gần 2.100 trường hợp nhiễm HIV mới, ước tính trong năm khoảng 8.000 người nhiễm mới. Số người phát hiện mới có xu hướng giảm dần qua các năm. Số ca mắc tập trung ở miền Bắc (các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên…) và miền Nam (các tỉnh miền Tây Nam Bộ).

Độ tuổi mắc tập trung ở lứa tuổi từ 20-49 là chính, số trẻ đóng góp mô hình dịch khoảng 2%. Tỷ lệ lây truyền qua đường tình dục ngày càng nhiều hơn so với ma túy, dù cả 2 đều giảm (lây qua đường tình dục là 48%, qua đường máu là 33%). Bên cạnh đó, tỷ lệ lây truyền trong nhóm nam quan hệ đồng giới đang có xu hướng gia tăng, mỗi năm trung bình tăng 2%...

Thịnh An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/gia-tang-phu-nu-mang-thai-nhiem-hiv-116779.html