Gia tăng nhu cầu gắn kết EU - GCC
Trong bối cảnh bất ổn an ninh diễn biến phức tạp tại Trung Đông và châu Âu, hơn lúc nào hết, Liên minh châu Âu (EU) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cần tăng cường sự gắn kết chặt chẽ hơn. Điều này không chỉ giúp các bên giải quyết các thách thức, mà còn đặt nền tảng cho những lợi ích to lớn và bao trùm.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh EU - GCC lần đầu tiên diễn ra tại Thủ đô Brussels, Bỉ. Ảnh: Hurriyet Daily News
Bối cảnh địa chính trị thách thức
Những năm qua, bất ổn an ninh tại Trung Đông và châu Âu kéo dài đã tạo ra bối cảnh địa chính trị đầy thách thức. Hơn hết, những bất ổn chưa có dấu hiệu giảm, mà còn có xu hướng leo thang, lan rộng, làm cho các thách thức ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Một trong những thách thức đe dọa sự phát triển của châu Âu là cuộc khủng hoảng năng lượng. Để đối phó với tình trạng này, EU đã tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên GCC và bước đầu đã cho thấy, đây là một cách thức hiệu quả. Mặt khác, một số quốc gia GCC như Qatar, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã thể hiện tốt vai trò trung gian hòa giải với hiệu quả nhất định, góp phần hữu hiệu trong việc cải thiện lạm phát và nhập cư bất hợp pháp tại nhiều quốc gia ở châu Âu. Điều này càng thúc đẩy mong muốn của EU trong việc duy trì các nỗ lực hợp tác với GCC.
Về phía GCC, việc hợp tác với EU cũng mang lại nhiều lợi ích lớn. GCC mong muốn mở rộng hợp tác với EU trong nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác năng lượng. Lĩnh vực hợp tác “mũi nhọn” này giúp cả hai bên đa dạng hóa quan hệ hơn nữa. Đặc biệt, châu Âu có thể sẽ chủ động hơn và công khai hơn trong việc ủng hộ các quốc gia vùng Vịnh nhằm kiểm soát, tránh để xung đột lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, để đạt được lợi ích lớn là điều không đơn giản và luôn hiện hữu nhiều trở ngại. Nhìn nhận ở quá trình dài, giới chuyên gia chính trị quốc tế cho hay, EU và GCC đã có quan hệ chính thức từ năm 1989, song trong gần 3 năm trở lại đây, hợp tác EU - GCC mới thực sự có bước tiến khi an ninh ở châu Âu diễn biến phức tạp. Đặc biệt trong giai đoạn này, EU và GCC đã đạt được nhất trí về Nghị trình hợp tác chung 2022-2027 tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác về thương mại và đầu tư, biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, sáng kiến giao lưu nhân dân và chống khủng bố.
Tiếp sau nghị trình này, quan hệ hợp tác EU - GCC liên tục có được những bước phát triển mạnh mẽ. Nổi bật như: Vào tháng 5/2022, EU và Cao ủy về chính sách đối ngoại ban hành “Quan hệ đối tác chiến lược với vùng Vịnh”; tháng 6/2023, Ngoại trưởng Italia Luigi Di Maio được bổ nhiệm làm Đặc phái viên về Trung Đông.
Những bước tiến liên tục trong gần 3 năm qua đã giúp EU và GCC tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau 35 năm thiết lập quan hệ. Hội nghị là dịp để các quốc gia EU thiết lập quan hệ đối tác gần gũi hơn với GCC trong bối cảnh địa chính trị hiện hữu nhiều thách thức.
Còn nhiều rào cản
Bình luận từ giới quan sát cho hay, trong 35 năm thiết lập quan hệ, các nhà lãnh đạo cấp cao của EU và GCC chưa từng cùng ngồi vào bàn nghị sự. Đến nay, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên đã được tổ chức, cho thấy đây là dấu mốc vô cùng quan trọng. Khẳng định rằng, hơn lúc nào hết, EU và các quốc gia vùng Vịnh coi trọng tăng cường hợp tác với nhau trong một thế giới nhiều biến động như hiện nay.
Hội nghị thượng đỉnh vừa qua của EU và GCC có ưu tiên nổi bật là vấn đề hợp tác thương mại. Tuy nhiên, mọi chuyện chưa thực sự được đánh giá là suôn sẻ. Bởi năm 2023, EU đã tìm cách nối lại đàm phán với GCC về Hiệp định thương mại tự do, được khởi động từ năm 1989 nhưng đã đóng băng vào năm 2009. Tuy nhiên, rào cản cũ vẫn còn hiện hữu. Nhiều quốc gia vùng Vịnh từ chối các điều khoản do EU đề xuất về vấn đề lao động, tiêu chuẩn môi trường hay quá trình mua bán tài sản của chính phủ. Nhiều luồng ý kiến tự tin rằng, Saudi Arabia đang tạo những động lực mới, có thể sẽ giúp mang tới những kết quả tích cực hơn trong thời gian tới.
Ở góc độ địa chính trị, để loại bỏ những rào cản giữa EU và GCC sẽ là công việc tương đối phức tạp. Dễ thấy trước mắt, GCC cho thấy mong muốn EU xác nhận rằng, chính sách vùng Vịnh của khối này dưới thời Cao ủy về chính sách đối ngoại Josep Borell sẽ được người kế nhiệm Kaja Kallas duy trì. Bởi lẽ, nhiều luồng dư luận ở các quốc gia vùng Vịnh lo ngại rằng, bà Kaja Kallas là người có lập trường quá cứng rắn đối với một số quốc gia là đối tác quan trọng của GCC. Đặc biệt khi các quốc gia này là đối tác trong các lĩnh vực dầu mỏ chủ lực nhất của các quốc gia GCC, giúp khối không chỉ có những lợi ích kinh tế, thương mại to lớn, mà còn thúc đẩy các nguồn lực để gia tăng vị thế ở khu vực Trung Đông và châu Phi.
Về phía EU, việc gắn kết chặt chẽ với GCC sẽ giúp gia tăng vị thể để thể hiện thái độ cứng rắn hơn trong các vấn đề an ninh châu Âu phức tạp hiện nay. Cùng với đó, EU chắc chắn muốn thuyết phục GCC “ngả” về phía mình nhiều hơn so với các đối tác cũ, đặc biệt là cố gắng khẳng định rằng, EU mới là đối tác đáng tin cậy của GCC.
Giới phân tích chỉ ra rằng, dù quan hệ EU - GCC liên tục đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, cũng như những lợi ích to lớn và bao trùm cho cả hai tổ chức, song thực tế, những rào cản vẫn còn rất lớn. Đặc biệt là khi ý chí cùng những mong muốn của hai bên vẫn còn nhiều “gợn”, chưa có đủ nhiều điểm chung lớn. Những khác biệt còn hiện hữu chưa thể giải quyết trong những bước tiến vừa qua và cũng còn đó nguy cơ đẩy các bên vào tình huống khó xử.
Một trong những vấn đề quan trọng được GCC và EU đặc biệt coi trọng trong quá trình hợp tác là tình hình an ninh Trung Đông. EU bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với vai trò trung gian hòa giải của vùng Vịnh, nỗ lực thúc đẩy các lệnh ngừng bắn và giải pháp giải quyết hòa bình. EU cũng có thể kêu gọi GCC tích cực trao đổi với các bên liên quan nhằm tìm kiếm những lợi ích và giá trị chung, bao gồm mong muốn chấm dứt xung đột, cải thiện đời sống bình yên của người dân. Trong bối cảnh xung đột ở Trung Đông có nguy cơ lan rộng, GCC đang được đánh giá rất cao vai trò trung gian, kiến tạo những nền tảng quan trọng để chấm dứt xung đột vốn đang gây ra “cú sốc” đối với nền kinh tế toàn cầu.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gia-tang-nhu-cau-gan-ket-eu-gcc-post482606.html