Gia tăng giá trị hạt gạo: Kỳ I - Những vụ mùa thắng lợi

Đến thời điểm này, vụ lúa đông xuân 2019- 2020 ở các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dù gặp nhiều khó khăn về hạn hán, xâm nhập mặn song đã đạt thắng lợi cả về sản lượng lẫn giá và vụ hè thu sắp cho thu hoạch cũng đang hứa hẹn.

Cùng ông Nguyễn Văn Kẹm - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Diêm (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) - điển hình tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, nhờ chủ động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến chúng tôi đã nhận thấy niềm vui của người nông dân. Giữa cái nóng oi bức, ông Diêm đang chuẩn bị máy móc để sắp tới thu hoạch lúa hè thu sớm. Với khoảng 2 ha lúa nếp sắp được thu hoạch, ông Diêm phấn khởi cho biết thương lái đã đặt cọc với mức giá 7.300 đồng/kg, cao hơn 1.800 đồng so với vụ đông xuân vừa qua.

Lúa gạo ĐBSCL được mùa và gia

Lúa gạo ĐBSCL được mùa và gia

Theo lời kể của ông Diêm thì trung bình chi phí đầu tư cho 1 ha lúa khoảng 25 triệu đồng, năng suất đạt 6,5 tấn/ha, với giá bán khoảng 5.300 đồng, người dân thu lãi từ 7 - 10 triệu/ha. Vụ đông xuân vừa rồi, nhờ giá lúa tốt nên sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi gần 60 triệu đồng.

Tại huyện Tam Bình - một trong những vựa lúa của tỉnh Vĩnh Long, niềm vui trúng mùa, trúng giá đang lan tỏa với bà con trong vùng. Ông Lê Văn Tư - ấp Phú Sơn C, xã Long Phú, huyện Tam Bình, Vĩnh Long - cho biết, với diện tích 1,2 ha đất ruộng, vụ đông xuân vừa qua, ông gieo sạ giống OM 4900, năng suất đạt gần 9 tấn lúa tươi, với giá bán 5.200 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí ông còn lời trên 20 triệu đồng/ha, ông rất phấn khởi. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, bà con sẽ bước vào thu hoạch vụ hè thu. “Nhiều thương lái nói thị trường lúa gạo đang sáng sủa, hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường, nhu cầu tiêu thụ của thế giới tăng mạnh, nên giá lúa cũng tăng cao làm chúng tôi rất phấn khởi” - ông Tư chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Kẹm cho biết, so với vụ đông xuân, các loại lúa IR50404, lúa hạt dài như OM 5451, OM 4218, OM 380... đang được thương lái đặt cọc thu mua với giá cao hơn từ 100 đồng - 500 đồng/kg. Thương lái đưa tiền đặt cọc trước khoảng 2- 4 triệu đồng/ha để người nông dân có chi phí sản xuất.

Cũng như Đồng Tháp và Vĩnh Long, giá lúa tại các địa phương khác như Cần Thơ, An Giang, Long An hiện được thu mua cao hơn so với hồi tháng 2 vừa qua. Thắng lợi từ vụ đông xuân khiến bà con vùng ĐBSCL tích cực hơn trong xuống giống, gieo trồng, chăm sóc lúa vụ hè thu.

Tranh thủ nghỉ tay khi đang bón phân cho 10 công ruộng của gia đình, bà Nguyễn thị Bé, (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cho hay, từ khi xuống giống đến nay, thời tiết thuận lợi, nguồn nước tưới dồi dào nên cây lúa phát triển khá tốt. Nhờ đó, chi phí sản xuất tương đối thấp so với những vụ trước.

Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), lúa hè thu vùng ĐBSCL đã được xuống giống theo đúng kế hoạch đề ra. Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa đang phát triển tốt, và kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu sản lượng như đã đặt ra. Cùng với đó, quyết định cho phép xuất khẩu gạo trở lại từ ngày 1/5 của Thủ tướng Chính phủ, khiến các thương lái, doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua lúa cho bà con nông dân.

Kỳ II: Điểm tựa vững chắc

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp:

Việc chỉ đạo điều hành kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định thị trường lúa gạo, giúp người nông dân ổn định sản xuất, có lãi, xuất khẩu tăng trưởng.

Ngọc Thảo - Kim Ngân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gia-tang-gia-tri-hat-gao-ky-i-nhung-vu-mua-thang-loi-137559.html