Gia tăng giá trị cho thương hiệu tỏi hữu cơ Lý Sơn

Thị trường đầu ra vô cùng rộng mở, trồng tỏi hữu cơ đang được xem như là giải pháp để vừa phát triển nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) vừa tạo điểm nhấn khác biệt cho thương hiệu tỏi Lý Sơn.

Ứng dụng phương pháp trồng cây hữu cơ cho tỏi Lý Sơn

Vừa thu hoạch xong một đợt tỏi hữu cơ, anh Đặng Quang Trọng (An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) vui vẻ chỉ tay ra khu vực trồng tỏi rộng khoảng 400 m2 cho biết: “Vườn tỏi hữu cơ của mình đó. Ở đây hiện mới chỉ có mình và 1 người bạn trồng tỏi hữu cơ, còn lại vẫn trồng theo phương pháp cũ”.

Ruộng tỏi của anh Đặng Quang Trọng trồng bằng phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật mà dần tạo hệ sinh thái tự nhiên để tỏi phát triển

Ruộng tỏi của anh Đặng Quang Trọng trồng bằng phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật mà dần tạo hệ sinh thái tự nhiên để tỏi phát triển

Phương pháp canh tác hữu cơ được hiểu là việc cung cấp dinh dưỡng cho cây trong các công đoạn trong quy trình ươm giống, trồng, chăm sóc phải 100% từ các chế phẩm sinh học, hoàn toàn tự nhiên. Phương pháp trồng rau củ quả hữu cơ trên thế giới hiện khá phổ biến, nhưng ở Việt Nam còn rất mới mẻ. Đặc biệt là chưa có ai nghĩ đến phương pháp trồng này đối với việc canh tác tỏi.

Anh Trọng theo đuổi phương án trồng tỏi hữu cơ do nhìn thấy việc trồng tỏi bằng phương pháp cũ sử dụng nhiều phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật gây hại, bào mòn khoáng chất tự nhiên của đất và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, trong một không gian cố định thì việc sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật còn có nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng tỏi Lý Sơn trong tương lai.

Để trồng và ra sản phẩm tỏi hữu cơ đúng nghĩa là cả một quá trình. Điểm cốt lõi và trước tiên để thực hiện phương pháp canh tác này đó là đất và nguồn nước phải sạch, không bị nhiễm độc tố do tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, phân hóa học,…. Do đất nơi sử dụng cho dự án trồng tỏi hữu cơ trước đây trồng theo phương pháp truyền thống nên dưỡng chất đã bị bào mòn rất nhiều, vì vậy, công việc đầu tiên là cần khôi phục lại dưỡng chất cho đất bằng phân chuồng ủ sâu dưới đất. Dưỡng chất để cung cấp cho tỏi và đất trong quá trình trồng tỏi là rong biển, mùn rác hữu cơ. Sau mỗi vụ tỏi, anh Trọng cải tạo đất bằng việc trồng đậu phộng.

Thời gian từ xuống giống đến thu hoạch tỏi hữu cơ vào khoảng 4-5 tháng, dài hơn phương pháp trồng thông thường hơn 1 tháng

Cùng một diện tích, cùng thời gian xuống giống nhưng thời gian để thu hoạch tỏi hữu cơ lâu hơn trồng tỏi thông thường chừng hơn một tháng. “Do cây tỏi hút dinh dưỡng tự nhiên từ đất nên phải cắm rễ sâu, quá trình tụ dinh dưỡng cũng lâu hơn. Vì vậy, thay vì thông thường 3 - 4 tháng một vụ tỏi có thể cho thu hoạch thì trồng tỏi hữu cơ phải cần đến 4,5 - 5 tháng”, anh Trọng nói và cho biết thêm, trong năm đầu tiên trồng (năm 2017) anh mất trắng do đất chưa kịp phục hồi dinh dưỡng và cây tỏi trồng bằng phương pháp hữu cơ chưa thể thích ứng. Nhưng năng suất đã tăng dần theo từng năm, đến năm nay, vụ tỏi này anh đã có thu hoạch 90kg tỏi thành phẩm đạt yêu cầu. “Đặc thù của phương pháp trồng tỏi này đó là vẫn để nguyên cỏ dại để giữ ẩm cho đất và hạn chế sâu bệnh, chỉ nhổ những cây cao hơn tỏi, từ đó tạo hệ sinh thái ổn định và cân bằng cho cây tỏi. Qua từng năm, vừa cải tạo đất vừa trồng tỏi hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ thì dần đất giàu dinh dưỡng trở lại, cây tỏi cũng thích ứng hơn nên năng suất sẽ tăng dần”, anh Trọng giải thích.

Ngoài dự án tỏi hữu cơ Vipas của anh Trọng, tại Lý Sơn còn có dự án tỏi hữu cơ của anh Nguyễn Văn Nhật, cũng là một cộng sự ban đầu của anh Trọng cùng ấp ủ giấc mơ tỏi sạch.

Hiện cả 2 dự án tỏi hữu cơ đều đang cho những kết quả tích cực sau quá trình nghiên cứu, thí điểm và điều chỉnh nguyên liệu, dinh dưỡng cung cấp cho tỏi.

Thời gian trồng lâu hơn, bù lại chất lượng tỏi hữu cơ vượt trội hơn

Thị trường đầu ra rộng mở

Từ những kết quả khả thi ban đầu, anh Trọng thành lập Công ty CP Vipas để thuận đường thương mại hóa sản phẩm. “Mặc dù hiện tại năng suất tỏi hữu cơ mới chỉ bằng 1/3 tỏi trồng theo phương pháp truyền thống, nhưng với biểu đồ năng suất sau 4 năm thí điểm cho thấy năng suất trồng tỏi hữu cơ sẽ ngày càng tăng mạnh, nhất là khi đất phục hồi được dinh dưỡng và các khu đất bên cạnh được cải tạo”, anh Trọng nói và cho biết, anh mới xúc tiến thành lập Hợp tác xã nông nghiệp sinh thái Lý Sơn trồng tỏi hữu cơ để lôi kéo những hộ trồng tỏi xung quanh thay đổi phương pháp sản xuất chuyển sang trồng tỏi hữu cơ. Đây vừa là phương pháp trồng cho sản phẩm chất lượng cao vừa bảo đảm sự phát triển bền vững của nông nghiệp, vừa bảo vệ môi trường.

Năng suất bằng 1/3 tỏi thường nhưng bù lại giá bán tỏi hữu cơ cao gấp 3 – 4 lần tỏi thường (giá bán hiện tại là 375.000 đồng/kg đối với giống tỏi nhiều tép). Chất lượng tỏi cũng cao hơn, vừa thơm vừa cay vừa giòn - nguyên bản vị tỏi. “Tỏi hữu cơ phải chịu điều kiện sinh trưởng khắc nghiệm và tự tìm kiếm dinh dưỡng dự nhiên, thời gian sinh trưởng kéo dài hơn, phơi nắng nhiều hơn vì vậy chất lượng cũng vượt trội hơn”, anh Trọng cho hay.

Hiện sản phẩm làm ra không đủ cung cấp ra thị trường. Chủ yếu bán trực tiếp do được đặt trước và sản lượng chưa đủ để cung ứng thương mại chuyên nghiệp. “Thị trường tiêu thụ tương lai chúng tôi hướng tới là những chuỗi cung ứng thực phẩm sạch. Nhiều đơn vị đã tìm hiểu sản phẩm tỏi hữu cơ để đặt hàng. Chúng tôi hoàn toàn tự tin về thị trường đầu ra rất rộng mở cho tỏi sạch Lý Sơn”, anh Trọng khẳng định.

Đầu ra của tỏi hữu cơ Lý Sơn rất rộng mở

“Nếu có thể có thêm nhiều hộ trồng tỏi hữu cơ, chúng tôi kỳ vọng còn có thể hướng đến xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường lớn, ví dụ như Canada. Một đơn vị đối tác hỗ trợ kỹ thuật cho chúng tôi đã cam kết sẽ hỗ trợ xuất khẩu tỏi hữu cơ Lý Sơn nếu sản lượng ổn định và chất lượng đảm bảo phục vụ cho hệ thống siêu thị tại Canada, điều này khá thuận lợi trong bối cảnh Việt Nam – Canada cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”, anh Trọng chia sẻ.

Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch HĐND huyện đảo Lý Sơn - cho biết, với định hướng phát triển bền vững, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, huyện Lý Sơn đang tập trung xây dựng và kêu gọi đầu tư các vùng chuyên canh nông nghiệp sạch, gắn sản xuất với kết hợp du lịch, vừa tạo sản phẩm du lịch, vừa quảng bá hình ảnh Lý Sơn xanh và thương hiệu Tỏi Lý Sơn sạch đến với du khách và người tiêu dùng. “Địa phương khuyến khích, ủng hộ việc nghiên cứu và trồng tỏi hữu cơ để gia tăng giá trị cho thương hiệu tỏi Lý Sơn, đồng thời đảm bảo cho Lý Sơn phát triển bền vững”, bà Hương cho hay.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gia-tang-gia-tri-cho-thuong-hieu-toi-huu-co-ly-son-137944.html