Gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp với ứng dụng blockchain

Khi xu hướng áp dụng blockchain vào các lĩnh vực kinh doanh như thanh toán, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải… đang dần trở nên phổ biến trên thế giới thì ở Việt Nam, các nhà phát triển phần mềm, ứng dụng blockchain và các đối tác kinh doanh cũng đang tích cực tích hợp công nghệ này vào mô hình kinh doanh của mình và tận dụng thế mạnh của nó, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sàn giao dịch nông sản Binkabi ứng dụng blockchain để giải quyết các vấn đề khó khăn của chuỗi giá trị nông nghiệp. Ảnh: Binkabi

Vào tháng 3 vừa qua, công ty khởi nghiệp công nghệ TomoChain và sàn giao dịch nông sản Binkabi hợp tác đưa blockchain vào lĩnh vực xuất - nhập khẩu nông sản, giải quyết nhiều vấn đề mà ngành này đang vướng mắc, bên cạnh đó hỗ trợ người nông dân bán hàng ra thị trường quốc tế.

Công nghệ mới là phải dễ sử dụng

Đánh giá về tiềm năng khi ứng dụng blockchain ở sàn giao dịch nông sản, ông Quân Lê, nhà sáng lập và điều hành Binkabi, cho biết sự hợp tác này sẽ giúp doanh nghiệp vận hành các khâu xuất nhập khẩu nông sản trở nên dễ dàng hơn. Theo ông, một trong những mục tiêu mà TomoChain và Binkabi nhắm đến là công nghệ phải dễ sử dụng. Vì thế, khi ứng dụng blockchain, sàn giao dịch nông sản sẽ chuyển từng bước, từ ứng dụng tương đối tập trung sang phi tập trung. Khi nông dân có đủ lượng nông sản (ít nhất 1 container hàng) có thể tham gia vào thị trường xuất khẩu, họ có thể ngồi ở nhà, qua ứng dụng do Binkabi cung cấp có thể bán trực tiếp sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Sàn giao dịch của Binkabi sử dụng cơ chế hàng đổi hàng thông minh, cho phép việc xuất khẩu nông sản được tiến hành trực tiếp, thanh toán bằng nội tệ. Giải pháp này giúp đôi bên cùng có lợi, nhà xuất khẩu bán được giá cao, nhà nhập khẩu mua được giá thấp do không qua trung gian, giảm phí giao dịch. Ứng dụng TomoChain giúp các giao dịch trên sàn được thực hiện nhanh chóng, chi phí thấp, có tính an toàn và bảo mật cao.

Ngoài ra, theo ông Quân Lê, công nghệ của Tomochain cũng cho phép Binkabi phát hành các tài sản mã hóa làm đại diện cho các loại hàng hóa trong chuỗi giá trị nông sản. Việc này giúp Binkabi phát triển các giải pháp liên quan đến rủi ro giá và tài trợ thương mại đối với ngành nông nghiệp, vốn là vấn đề tồn tại ở các nước đang phát triển".

Hiện nay, các giao dịch xuất - nhập khẩu đều phải qua khâu trung gian. Nhờ ưu điểm minh bạch và không thể thay đổi, ứng dụng blockchain giúp xác thực thông tin về người mua và người bán, chất lượng hàng hóa, khả năng thanh toán rồi hình thành, tích hợp các smart contract (hợp đồng thông minh). Khi đó, việc tiến hành mã hóa tài sản và phát hành token (tài sản mã hóa) trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Giảm thiểu rủi ro cho nông dân

Ông Bình Bùi, Giám đốc điều hành (CEO) của TraceVerified, cũng là một chuyên gia về blockchain, nói với TBKTSG Online rằng smart contract là một tính năng được phát triển để đưa vào các quy tắc ứng xử, quyền lợi, trách nhiệm của các bên khi tham vào hệ thống mua bán, xuất nhập khẩu nông sản. Luật chơi đã có sẵn nên khi người chơi (nông dân) dựa trên máy móc tham gia vào hệ thống sẽ buộc phải tuân thủ. Tính thực thi của luật là tuyệt đối vì nó là tự động và không thể can thiệp. Tuy nhiên, blockchain cũng cho phép cộng đồng cùng biểu quyết theo một tỷ lệ thống nhất để có thể cùng nhau thay đổi luật chơi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao Sao Bắc Đẩu (Sao Bắc Đẩu Hitek), giải thích rằng bản chất của blockchain đó là tính phân tán, do vậy khi hình thành các smart contract trong hệ thống, nó sẽ phát huy đầy đủ tính chất của toàn bộ việc quản lý chuỗi cung ứng cho nhà nông. Smart contract mang tính chất thống kê, trung thực, giám sát, đánh giá và điều quan trọng nó sẽ tối ưu hóa những yếu tố rườm rà, phức tạp trong chuỗi cung ứng của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Ông Vương Quang Long, CEO của TomoChain, trong cuộc trao đổi với TBKTSG Online, cũng cho biết với smart contract, các điều kiện ràng buộc được xác định thông qua các thuật toán và được thực thi hoàn toàn tự động. Việc này giúp các công đoạn có thể hạn chế sự can thiệp của con người, qua đó giảm thiểu tối đa những sai sót có thể xảy ra với tính tự động hóa cao. Việc áp dụng hợp đồng thông minh vào thực tế cho hiệu quả về chi phí cao hơn nhiều so với các cách thức vân hành thông thường đi kèm với đó là khả năng xác thực nhanh và chính xác. Chính vì vậy tương lai của việc áp dụng smart contract vào các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có hoạt động mua bán và xuất khẩu nông sản là rất khả thi và tiềm năng cao.

An Vân Phong

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/td/272243/gia-tang-chuoi-gia-tri-nong-nghiep-voi-ung-dung-blockchain.html