Gia tăng chênh lệch thu nhập giữa lao động nhập cư và lao động bản địa

Trong báo cáo công bố ngày 14/12, ILO cho biết tại một số quốc gia như Cyprus, Italy và Áo, chênh lệch mức lương tính theo giờ giữa hai nhóm lần lượt là 42%, 30% và 25%.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Báo cáo "Chênh lệch về lương của người nhập cư: Tìm hiểu sự khác biệt về tiền lương giữa người nhập cư và lao động bản địa" của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy trung bình người nhập cư ở các nước có thu nhập cao kiếm được thấp hơn gần 13% so với người lao động bản địa.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong báo cáo công bố ngày 14/12, ILO cho biết tại một số quốc gia như Cyprus, Italy và Áo, chênh lệch mức lương tính theo giờ giữa hai nhóm lần lượt là 42%, 30% và 25%.

Ở Phần Lan, tỷ lệ chênh lệch thấp hơn, chỉ ở mức 11% và ở Liên minh châu Âu (EU) nói chung là gần 9%. Trong 5 năm qua, sự chênh lệch này đã gia tăng ở một số quốc gia có thu nhập cao.

Ở Italy, dữ liệu mới nhất chỉ ra lao động nhập cư kiếm được ít hơn 30% so với lao động bản địa, so với mức chênh 27% vào năm 2015.

Ở Bồ Đào Nha, tỷ lệ chênh lệch lương là 29% so với 25% năm 2015 và ở Ireland là 21% so với mức 19% năm 2015.

Tuy nhiên, ở tất cả các nước, người nhập cư phải đối mặt với các vấn đề phân biệt đối xử, được cho là ngày càng trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19.

Báo cáo của ILO chỉ ra ở các nước có thu nhập cao, công việc của người nhập cư thường bấp bênh hơn, với 27% làm hợp đồng tạm thời và 15% làm việc bán thời gian.

Họ làm việc trong khu vực chính như nông nghiệp, đánh bắt cá và lâm nghiệp, đồng thời đảm nhận nhiều việc làm hơn lao động bản địa trong lĩnh vực thứ cấp như khai thác, chế tạo, điện, xây dựng, nước và khí đốt.

Michelle Leighton, Giám đốc Bộ phận Lao động nhập cư của ILO, cho rằng người lao động nhập cư thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trên thị trường lao động bao gồm cả về tiền lương, khả năng tiếp cận việc làm và đào tạo, điều kiện làm việc, an sinh xã hội và quyền công đoàn dù họ đóng một vai trò cơ bản trong nhiều nền kinh tế.

Dù trình độ tương đương và làm việc trong cùng một lĩnh vực, thu nhập của người lao động nhập cư vẫn thấp hơn lao động bản địa.

Ngược lại, ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, lao động nhập cư thường là những người nước ngoài có tay nghề cao. Thù lao của họ có xu hướng cao hơn khoảng 17,3% mỗi giờ so với lao động bản địa.

Ngoài ra, lao động nữ nhập cư chịu thiệt thòi gấp đôi cả với tư cách là người di cư và về giới tính.

Khoảng cách về lương giữa nam và nữ lao động nhập cư ở các nước có thu nhập cao ước tính vào khoảng gần 21% mỗi giờ.

Điều này một phần là do lao động nữ nhập cư thường làm giúp việc gia đình, chiếm khoảng 73% (tương đương 8,45 triệu) tổng số lao động giúp việc gia đình nhập cư trên khắp thế giới.

Ở các nước có thu nhập cao, chênh lệch lương giữa người giúp việc là người nhập cư và người bản địa ở mức khoảng 19%.

Báo cáo của ILO cũng chỉ ra đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng hơn đến sức khỏe và kinh tế của người lao động nhập cư so với nhóm lao động còn lại.

Khi cuộc khủng hoảng y tế bùng phát, hàng chục triệu lao động nhập cư buộc phải trở về nhà do mất việc làm.

So với lao động bản địa, công việc của nhóm lao động nhập cư khó có thể chuyển sang hình thức làm việc từ xa hơn.

Nhiều người trong số các lao động nhập cư là người lao động tuyến đầu tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 nhiều hơn.

ILO nhấn mạnh bức tranh khủng hoảng hiện vẫn chưa được định hình hoàn chỉnh nên có thể sự khác biệt về thị trường lao động giữa hai nhóm trên còn gia tăng, từ đó có thể làm gia tăng mức chênh lệch thu nhập./.

Tố Uyên (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/gia-tang-chenh-lech-thu-nhap-giua-lao-dong-nhap-cu-va-lao-dong-ban-dia/682210.vnp